• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đề xuất thành lập Quỹ nâng cao sức khỏe của Bộ Y tế: Liệu có phù hợp?

Thời sự 28/05/2018 15:46

(Tổ Quốc) - Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được Bộ Y tế soạn thảo đang gây rất nhiều tranh cãi đối với các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này. Nhiều nội dung được cho là chưa phù hợp với thực tế, thực trạng sử dụng bia rượu của người Việt Nam hiện nay như quy định giờ, khoảng cách bán, cấm giới thiệu sản phẩm dưới mọi hình thức.

Thành lập Quỹ nâng cao sức khỏe là chưa phù hợp

Quỹ nâng cao sức khoẻ là đề xuất của Bộ Y tế nằm tại Điều 19 Dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu, bia. Quỹ này, nếu được ra đời sẽ dựa trên nền tảng của Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá. Kinh phí của quỹ đến chủ yếu từ khoản đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu bia, rượu được tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá tính thuế Tiêu thụ đặc biệt.

Ảnh minh họa.

Trong tờ trình lên Chính phủ, Bộ Y tế ước tính, nguồn kinh phí từ Quỹ nâng cao sức khỏe cộng đồng hằng năm sẽ đóng góp khoảng khoảng 360 tỷ đồng từ khoản đóng góp bắt buộc từ các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu rượu, bia cho các hoạt động phòng chống tác hại của bia, rượu, thuốc lá.

Về vấn đề này, Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu và Nước Giải Khát Việt Nam (VBA) bày tỏ, việc thu hút nguồn lực dành cho các hoạt động tương tác với khách hàng của doanh nghiệp vào Quỹ do Chính phủ quản lý có thể làm tăng chi phí mà lại ít tác dụng trong việc giảm tác hại lạm dụng đồ uống có cồn.

“Nên bỏ đề xuất lập Quỹ nâng cao sức khoẻ. Giải pháp tốt hơn là nên quy định các doanh nghiệp đồ uống có cồn phải tiếp tục duy trì khoản kinh phí hiện đang sử dụng cho các chương trình tuyên truyền uống có trách nhiệm, vốn là thế mạnh của các doanh nghiệp này”, Ông Việt kiến nghị.

Ông Nguyễn Thanh Phúc, Giám đốc đối ngoại Heineken Việt Nam cho rằng, sự thành lập Quỹ này sẽ mâu thuẫn với chủ trương tinh giảm biên chế của Chính phủ bởi một Quỹ ra đời cần nhân sự. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng chưa làm rõ vấn đề ngân quỹ sẽ được sử dụng như thế nào, dành cho hoạt động gì.

Ảnh hưởng đến ngành Du lịch Việt Nam

Theo ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, Luật Phòng chống tác hại rượu, bia sẽ kiểm soát chặt chẽ nhu cầu sử dụng rượu, bia, đưa ra các biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; kiểm soát việc cung cấp rượu, bia; giảm tác hại; bảo đảm nguồn lực cho phòng chống tác hại rượu, bia để nâng cao sức khỏe cộng đồng. Dự thảo này đã được họp lấy ý kiến rất nhiều lần và dự kiến sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp thứ năm diễn ra vào tháng 10/2018.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại một số cuộc Hội thảo, diễn đàn lấy ý kiến về Dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu bia được Bộ Y tế tổ chức gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, quy định cấm quảng cáo đồ uống có cồn dưới mọi hình thức không những không hạn chế được việc lạm dụng bia rượu của người Việt Nam mà nó còn gây ảnh hưởng đến ngành du lịch, kinh tế xã hội của đất nước.

Cụ thể, Công ty Carlsberg Việt Nam cho rằng, nên bỏ phương bán rượu, bia theo giờ bởi điều này sẽ ảnh hưởng đến phát triển du lịch và các ngành phụ trợ như khách sạn, nhà hàng, quán bar… Việc cấm này cũng khiến người tiêu dùng có xu hương uống nhiều hơn hoặc thiếu trách nhiệm trước giờ cấm. Đó là hưa kể, việc này còn thiếu tính khả thi trong hoạt động giám sát, kiểm tra, đặc biệt vào khung giờ cấm ban đêm.

Về quy định khoảng cách bán kính tối thiểu 500 m giữa các điểm kinh doanh rượu bia với nhau, Đại diện Eurocham cho rằng, đây là đề xuất chưa khoa học, không phù hợp với xu hướng phát triển đô thị với việc thay thế các cửa hàng bán lẻ bằng các trung tâm thương mại, siêu thị và có thể tạo nên một cơ chế độc quyền khi mỗi trung tâm thương mại hay siêu thị chỉ được có một cửa hàng bán lẻ rượu, bia.

Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị Bộ Y tế nên bỏ quy định cấm giới thiệu sản phẩm dưới mọi hình thức bởi đây là vi phạm quyền của người tiêu dùng được cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm trước khi mua được quy định trong Luật Thương mại và bảo vệ người tiêu dùng.

Thế Công

 

 

 

 

 

 

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ