• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đến năm 2025: 50% số nhà xuất bản tham gia xuất bản điện tử

Văn hoá 25/08/2021 18:20

(Tổ Quốc) - Dịch bệnh Covid-19 tác động mạnh tới các lĩnh vực của đời sống, làm thay đổi thói quen của mọi người trong đó có thói quen đọc sách, nhiều người tìm tới các ấn phẩm online. Tuy nhiên, số liệu thực tế của cơ quan xuất bản lại cho thấy số lượng ấn phẩm điện tử tiêu thụ tại Việt Nam không mấy thay đổi trong hơn một năm qua.

Kể từ cuối năm 2019 tới nay, trải qua các đợt dịch Covid-19 bùng phát, việc kinh doanh xuất bản phẩm của các đơn vị trong nước bị ảnh hưởng tương đối nặng nề, nhiều NXB đã phải tìm hướng kinh doanh mới, tìm kiếm và phát triển các loại hình xuất bản phẩm mới, lạ… nhằm thu hút thêm độc giả.

Số đầu xuất bản phẩm điện tử chưa tăng tương xứng với sự gia tăng của các NXB

Ngành xuất bản của Việt Nam, sau 2 năm 2018 và 2019 tăng trưởng với tốc độ phát triển đạt 2 con số, đưa chỉ số xuất bản phẩm/người đạt khoảng 4,5 bản thì đại dịch Covid-19 là đòn giáng mạnh vào quyết tâm đưa Việt Nam vào danh sách các nền xuất bản hàng đầu của khu vực. Số liệu thống kê của Cục Xuất bản (Bộ TTTT) cho thấy rõ điều này.

Tình trạng của một số quốc gia trong khu vực cũng không mấy khả quan hơn. Theo số liệu của Hội Xuất bản Indonesia, quốc gia đứng đầu về xuất bản trong khu vực, năm 2020 chỉ đạt 262 triệu bản sách, trong đó có 160 triệu bản sách giáo khoa; với Malaysia, quốc gia có nền xuất bản top 3 trong khu vực, năm 2020 là một năm chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng với số lượng xuất bản sách in chỉ đạt 65 triệu bản sách.

Với các yêu cầu về giãn cách xã hội qua các đợt dịch bệnh bùng phát, đặc biệt là tại các thị trường lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh… khiến cho ngành xuất bản Việt Nam đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn.

Tuy vậy, ngành xuất bản vẫn cố gắng tận dụng mọi điều kiện để đạt được mục tiêu kép mà Chính phủ đã đặt ra "vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế".

Thực tế cho thấy, năm 2020, ngành xuất bản vẫn cố gắng đạt được 35.000 đầu xuất bản phẩm, tương đương khoảng 390 triệu bản sách, đưa tỉ lệ xuất bản phẩm bình quân/người đạt khoảng 4,1 bản.

Chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm 2021, toàn ngành đã xuất bản trên 11.000 đầu sách với 150 triệu bản. Dù đây là những số liệu tương đối khiêm tốn nhưng phần nào cho thấy nỗ lực lớn của các NXB trong việc đạt được các mục tiêu mà ngành đã đề ra.

Song song với số lượng, các NXB cũng không ngừng nâng cao chất lượng nội dung, đáp ứng yêu cầu xuất bản phẩm phục vụ nhu cầu của độc giả.

Cùng với việc thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch, nhiều NXB cũng nhanh chóng chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh mở rộng liên kết, phát triển các kênh thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ vào xuất bản, đầu tư cho xuất bản điện tử.

Ở mảng sách điện tử (ebook), năm 2019, ngành Xuất bản ghi nhận 2.400 đầu sách điện tử được phát hành. Năm 2020, cùng sự suy giảm chung của toàn ngành, sách điện tử giảm còn 2.000 đầu sách. Trong năm 2020, thị trường ghi nhận thêm 4 NXB tham gia đăng ký xuất bản điện tử, tăng thêm số lượng NXB thực hiện xuất bản điện tử thêm 40% so với năm 2019.

Thế nhưng, thực tế là số đầu xuất bản phẩm chưa tăng tương xứng với sự gia tăng của các NXB. So với 1 số nước trong khu vực, Việt Nam phát triển tương đối chậm trong thị trường sách điện tử khi số NXB tham gia tăng nhưng số sách điện tử không tăng tương xứng, hiện Việt Nam chỉ đạt khoảng 5,7%, còn Indonesia đạt 13,9 (tăng 18% so với năm 2019).

Một số trang thương mại điện tử bán sách điện tử cũng không đạt được kỳ vọng như mong muốn từ khoảng 5 năm trước đây, khi nhận định thị trường sách điện tử sẽ phát triển, ebook sẽ dần dần thay thế sách in.

Đến năm 2025: 50% số nhà xuất bản tham gia xuất bản điện tử - Ảnh 1.

Sách điện tử sẽ dần dần thay thế sách in trong tương lai (ảnh: SGK điện tử)

Vi phạm bản quyền sách điện tử là rào cản lớn nhất

Nguyên nhân của thực tế này là do các ấn phẩm điện tử của Việt Nam chủ yếu là sách in được số hóa, sách được cung cấp dưới dạng file PDF, ít các sản phẩm chuyên biệt, đọc trên các nền tảng đọc sách trực tuyến…

Một nguyên nhân khác là do thói quen đọc sách in của nhiều độc giả lứa tuổi trung niên, cao tuổi. Trong khi đó, đối tượng là người đọc trẻ tuổi và cũng là nhóm đối tượng chủ yếu tìm kiếm và thích đọc sách điện tử lại "thích" đọc miễn phí, ít muốn trả tiền cho các sản phẩm điện tử. Mà có cung thì ắt có cầu, có người tìm đọc thì sẽ có người cung cấp các bản điện tử của sách in.

Chính thực tế này đã khiến việc vi phạm bản quyền sách tràn lan trên mạng trong thời gian qua mà các cơ quan chức năng vẫn chưa có giải pháp tối ưu để hạn chế vi phạm, các đơn vị xuất bản thì vừa phải đầu tư nghiên cứu phát triển vừa loay hoay tìm cách để phát hiện và báo cáo các nguồn xâm phạm bản quyền sách điện tử của mình tới các cơ quan chức năng.

Trong thời đại công nghệ 4.0, với một thị trường hơn 40 triệu người sử dụng thiết bị thông minh có thể truy cập Internet như Việt Nam hiện nay, cần tính tới việc phát triển các ứng dụng công nghệ để người đọc dễ dàng đọc được các ấn phẩm online, thậm chí suy nghĩ đến tương lai sách điện tử thay thế sách in như nhiều nước trên thế giới đang phát triển theo xu hướng này. Đồng thời có các giải pháp về công nghệ để ngăn chặn nạn sao chép, xâm phạm bản quyền tác phẩm trên môi trường mạng.

Với mục tiêu đến năm 2025, ngành Xuất bản Việt Nam lọt top 4 quốc gia có nền xuất bản phát triển trong khu vực Đông Nam Á, duy trì được tốc độ tăng trưởng về số lượng xuất bản phẩm, trong đó 20-30% là xuất bản phẩm điện tử; đưa doanh thu xuất bản điện tử đạt mức 8-10% tổng doanh thu toàn ngành (khoảng 250 tỷ); tập trung khuyến khích, tạo điều kiện để 50% số NXB tham gia xuất bản điện tử. Thì, để đạt được mục tiêu này, trong thời gian tới Việt Nam cần tập trung phát triển xuất bản điện tử, đẩy mạnh các kênh xuất bản và phát hành online.

Trong kế hoạch phát triển của ngành xuất bản đến năm 2025 cũng cần có những giải pháp để quá trình chuyển đổi số trong ngành xuất bản đạt được đúng mục tiêu đặt ra. Trong đó có các giải pháp bảo vệ được quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng - những người đã bỏ tiền ra để mua sách điện tử để họ không cảm thấy mình bị "thiệt thòi" so với những đối tượng sử dụng sách "chùa", sách lậu, cũng như đảm bảo doanh thu của các NXB không bị ảnh hưởng bởi những đổi tượng xâm phạm bản quyền sách.

Việc đầu tư xây dựng các nền tảng công nghệ phù hợp với quá trình phát triển của ngành Xuất bản cần phải có sự phân định rõ ràng. Các đơn vị công nghệ thông tin cần bắt tay với các đơn vị xuất bản để mỗi đơn vị thực hiện đúng và tốt chức năng của mình.

Những giải pháp này cùng với việc biến những tác động của đại dịch Covid-19 thành động lực để thay đổi, những động lực này sẽ giúp ngành Xuất bản phát triển để đáp ứng nhu cầu của các thế hệ độc giả trong tương lai, khi công nghệ là một phần không thể thiếu của cuộc sống hiện đại./.

Phương Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ