• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đến năm 2030 xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của khu vực Đông Nam Á

Văn hoá 05/07/2024 07:15

(Tổ Quốc) - Chiều 4/7, tại buổi họp báo thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao Nguyễn Thị Thanh Thuý đã thông tin về đề án Phát triển công nghiệp văn hoá TP.HCM đến năm 2030.

Phó Giám đốc Sở VHTT Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết, đến năm 2025 sẽ phát triển TP.HCM trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước và khu vực. Đầu tư nguồn lực phù hợp, khuyến khích xã hội hóa, tập trung phát triển một số ngành sẵn có lợi thế, có nhiều giá trị đóng góp vào GRDP của TP.HCM, gồm: Quảng cáo, thời trang, triển lãm, điện ảnh, du lịch văn hóa.

Định hướng và từng bước phát triển các ngành: Nghệ thuật biểu diễn, nhiếp ảnh, mỹ thuật trở thành ngành dịch vụ quan trọng của Thành phố, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Xây dựng sản phẩm, dịch vụ văn hóa đặc trưng của 08 ngành công nghiệp văn hóa.

Giai đoạn 2026-2030: Phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại tất cả các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn TP.HCM một cách bền vững, được ứng dụng công nghệ tiên tiến; các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của Thành phố có thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế, đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa của khu vực và thế giới; hỗ trợ xây dựng các mô hình đầu tư và kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo… Xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của khu vực Đông Nam Á. Phấn đấu gia nhập mạng lưới sáng tạo thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO ở lĩnh vực điện ảnh.

Đến năm 2030 xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của khu vực Đông Nam Á - Ảnh 1.

Đến năm 2030: Xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của khu vực Đông Nam Á (ảnh minh hoạ)

Để triển khai thực hiện Đề án, giai đoạn 2024-2025, Sở VHTT đề xuất thực hiện 13 nhiệm vụ chung gồm: Công tác tuyên truyền, phổ biến triển khai đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa; Công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành Công nghiệp Văn hóa; Hình thành bộ máy hoạt động phát triển ngành công nghiệp văn hóa thành Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, đầu tư, ươm mầm sáng tạo, thúc đẩy thị trường văn hóa, các loại hình dịch vụ văn hóa thành phố phát triển; Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, cải tạo, sửa chữa một số mặt bằng phục vụ cho hoạt động của 08 ngành công nghiệp văn hóa; Xây dựng sản phẩm, dịch vụ văn hóa đặc trưng cho 08 ngành;

Học tập kinh nghiệm tại nước ngoài; Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hợp tác, giao lưu văn hóa; Xây dựng hệ thống lưu trữ, số hóa dữ liệu của 08 ngành Công nghiệp Văn hóa; Thống kê các doanh nghiệp khởi nghiệp lĩnh vực Công nghiệp văn hóa; Tổng kết công tác triển khai thực hiện Đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP.HCM đến năm 2030, giai đoạn 2023-2025; Ứng dụng Công nghệ thông tin, công nghệ số để triển khai thực hiện các nhiệm vụ như số hóa dữ liệu thông tin của ngành Công nghiệp Văn hóa; Xây dựng Kế hoạch tổ chức nghiên cứu tiền khả thi và hội thảo tham vấn các bên liên quan làm cơ sở xây dựng đề án tham gia Mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO trên lĩnh vực Điện ảnh.

Sở cũng đề xuất nhiệm vụ của 08 ngành với 53 nhóm nhiệm vụ cụ thể, trong đó, Ngành Điện ảnh: 12 nhóm nhiệm vụ; Ngành nghệ thuật biểu diễn: có 06 nhóm nhiệm vụ; Ngành Mỹ thuật: có 06 nhóm nhiệm vụ; Ngành thời trang: có 05 nhóm nhiệm vụ; Ngành nhiếp ảnh: 04 nhóm nhiệm vụ; Ngành triển lãm: 05 nhóm nhiệm vụ; Ngành quảng cáo: 10 nhóm nhiệm vụ; và Du lịch văn hóa: 05 nhóm nhiệm vụ.

Khánh Vân

NỔI BẬT TRANG CHỦ