(Tổ Quốc) -Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày, người dân bắt đầu trở lại với guồng quay công việc. Hôm nay (mùng 7 Tết), nhiều người tìm đến các quán phở, bún ốc, bún riêu... để ăn sáng, ăn trưa nhưng ngặt nỗi nhiều hàng quán vẫn chưa mở cửa.
- 10.02.2019 Mùng 6 Tết, rau xanh tăng giá gấp đôi ngày thường
- 28.01.2019 "Đỏ mắt" tìm người giúp việc Tết
- 27.12.2018 Có 4 doanh nghiệp khó khăn không thưởng Tết cho người lao động
- 11.02.2016 Đảm bảo an toàn giao thông trong những ngày nghỉ Tết còn lại
- 07.02.2016 Thị trường 30 Tết: Rau xanh đội giá, đào quất ê hề
Nhiều quán ăn vẫn đóng cửa im ỉm - Ảnh: Hà Giang
Hôm nay, nhiều hàng quán phục vụ ăn sáng trên địa bàn Hà Nội vẫn "cửa đóng then cài" khiến dân công sở vô cùng khó khăn để tìm được một quán ăn vừa ý.
Anh Hải (phóng viên một tờ báo điện tử) cho biết, cơ quan anh có trụ sở tại Lê Đại Hành (Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội). Nơi này bình thường vốn rất nhiều quán xá, hàng ăn nhưng hôm nay đa số vẫn đóng cửa im ỉm. Loay hoay mãi mà anh không thể tìm được hàng ăn vừa ý.
"Chỉ có một số quán ăn vỉa hè như bún đậu, bánh cuốn... mà tôi thì không quen ăn những món như vậy. Cuối cùng đành phải ăn tạm bát phở", anh Hải cho hay.
Tương tự, chị Lan Anh (nhân viên ngân hàng) chia sẻ, trụ sở làm việc của chị ở khu vực Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) - là một trong những khu vực nhiều hàng quán nhưng tới hôm nay vẫn vô cùng vắng vẻ. Chị và đồng nghiệp rủ nhau đi ăn trưa mà tìm mãi không được quán nào sạch sẽ, sang trọng.
"Tôi muốn tìm quán cơm văn phòng sạch sẽ mà không có, trong khi ngày thường khu này khá nhiều lựa chọn. Một số quán ăn vỉa hè, xập xệ khác thì giá cả tăng gấp rưỡi ngày thường", chị Lan Anh cho hay.
Theo quan sát của phóng viên, dù biết nhiều cửa hàng thức ăn vỉa hè không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng nhiều người vẫn phải "bấm bụng" ăn.
Cụ thể, tại một hàng bún trên phố Đoàn Trần Nghiệp (Hai Bà Trưng, Hà Nội), đồ ăn để không mấy vệ sinh, không có dụng cụ, tủ kính che đậy. Tất cả các loại bát đĩa, thìa dĩa sau khi thực khách ăn xong được "tống" hết vào một xô nước cáu bẩn ngầu mỡ rồi tráng qua loa...
"Biết là mất vệ sinh nhưng chúng tôi đành phải ăn cho xong, vì không ai chuẩn bị mang cơm từ nhà đi. Anh chị em nhân viên cơ công ty tôi không còn lựa chọn nào khác", chị Hương (nhân viên văn phòng một doanh nghiệp) cho hay.
Ảnh: Hà Giang
Được biết, mùng 7 Tết chưa phải là "ngày đẹp" nên nhiều cửa hàng chưa mở cửa. Trên nhiều con phố tại Hà Nội, các cửa hàng vẫn đóng cửa.
Chị Hạnh, chủ một quán bún, miến ngan nổi tiếng trên phố Ngô Quyền (Hà Nội) cho hay, hầu hết các hàng quán đều chưa mở cửa vì thức ăn ngày Tết tại các gia đình vẫn còn. Đa số đều có tâm lý phải ăn cho hết thực phẩm Tết trong tủ lạnh rồi mới ăn hàng quán. Thành thử, chỉ một số cửa hàng bún cá, bún riêu ốc... mở cửa là đắt khách, giá cả tăng gấp đôi, gấp rưỡi mà khách vẫn nườm nượp. Chưa kể đến việc đa số nhân viên phục vụ hàng quán đều là người ở các tỉnh khác đến, họ vẫn còn tâm lý ăn Tết thêm vài ngày nữa nên chưa muốn ra Hà Nội làm việc sớm.
Tình trạng tìm quán ăn "đỏ mắt" trong những ngày đầu năm đi làm không chỉ diễn ra trong năm nay mà những năm trước cũng vậy. Theo lời khuyên của một chuyên gia trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, việc mang cơm nhà đi ăn trưa trong những ngày đầu năm đi làm đối với người dân là hết sức cần thiết, vừa vệ sinh, vừa tránh bị "chém" giá đắt đỏ...