• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Di sản văn hóa các tộc người thiểu số góp phần phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Văn hoá 27/12/2023 10:12

(Tổ Quốc) - Các giá trị di sản văn hóa các tộc người thiểu số là nguồn chất liệu, cảm hứng dồi dào, phong phú trong việc phát triển công nghiệp văn hóa, tuy nhiên, trong quá trình khai thác tiềm năng này, các chủ thể sáng tạo và sản xuất cần chú ý để hạn chế tối đa các tác động tiêu cực tới hệ thống các di sản văn hóa.

Tiềm năng từ di sản văn hóa các tộc người

Ở Việt Nam, các di sản văn hóa truyền thống trong đó có văn hóa tộc người thiểu số đang có mặt ở hầu hết các lĩnh vực trong nền công nghiệp văn hóa, từ điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, kiến trúc, xuất bản, thời trang, âm nhạc... Điều này cho thấy di sản văn hóa truyền thống chính là nguồn tài nguyên dồi dào cho những người làm văn hóa nghệ thuật khai thác, phát huy tính sáng tạo, đưa các di sản văn hóa đến gần hơn với cuộc sống hiện đại.

Di sản văn hóa các tộc người thiểu số góp phần phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam - Ảnh 1.

Bối cảnh phim Chuyện của Pao trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách

Theo bà Đinh Việt Hà, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, các tộc người thiểu số ở nước ta có hệ thống di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng. Đây là nguồn tài nguyên du lịch quan trọng. Du khách đến với các vùng này không phải chỉ để ngắm cảnh, thưởng thức ẩm thực mà còn được trải nghiệm lối sống, nét văn hóa của từng tộc người, tìm hiểu các tri thức địa phương như khám phá kỹ thuật canh tác miền núi (ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải, Y Tý, Hoàng Su Phì…), nghề thủ công (dệt thổ cẩm của người Mông, Dao, Tày, Thái…). Họ cũng là những người tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng của các vùng miền này, mang lại giá trị kinh tế cao.

"Nếu biết khai thác hiệu quả giá trị của các di sản văn hóa, cư dân các tộc người thiểu số có thể chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập khi tham gia vào các chuỗi cung ứng du lịch. Ở các vùng dân tộc thiểu số, loại hình du lịch cộng đồng, các khu homestay đã và đang được đầu tư để đáp ứng nhiều hơn nhu cầu của khách du lịch. Nhà nước và chính quyền các địa phương đã và đang xây dựng các điểm, tuyến du lịch, như tuyến du lịch vòng cung Tây Bắc nối liền 6 tỉnh Tây Bắc, tuyến du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc", tuyến du lịch tìm hiểu không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên..."- bà Đinh Việt Hà chia sẻ.

Đối với lĩnh vực phim ảnh, mặc dù phim ảnh sử dụng chất liệu văn hóa các tộc người thiểu số còn chiếm tỉ lệ ít hơn nhiều so với phim ảnh về các đề tài khác, tuy nhiên thời gian gần đây, có một số bộ phim ghi dấu ấn đặc biệt đối với công chúng, có thể kể đến: Chuyện của Pao (phim điện ảnh), Lặng yên dưới vực sâu (phim truyền hình), và mới đây là Những đứa trẻ trong sương (phim tài liệu)… Theo bà Đinh Việt Hà, việc khai thác chất liệu văn hóa tộc người thiểu số đưa lên phim cũng là mở ra hướng bảo tồn, phát huy các giá trị của các di sản văn hóa này một cách hiệu quả. Từ sau bộ phim Chuyện của Pao, làng Lũng Cẩm - địa điểm quay phim đã trở thành một điểm đến không thể thiếu trong các tour đến Hà Giang, mang lại nguồn thu đều đặn cho hoạt động kinh doanh du lịch của người dân nơi đây.

Đối với lĩnh vực âm nhạc, sử dụng chất liệu âm nhạc truyền thống của các tộc người thiểu số không phải là việc làm mới. Trước đây, âm nhạc Việt Nam đã từng có Chiếc khăn piêu, Trước ngày hội bắn… quen thuộc với các thế hệ cha ông. Các nhạc sĩ trẻ hiện nay vẫn tiếp tục kế thừa và nỗ lực khai thác những chất liệu đặc trưng của văn hóa các tộc người thiểu số để sáng tạo những sản phẩm mới mang đặc trưng của âm nhạc đương đại, phù hợp với thị hiểu của những người trẻ tuổi. Có thể kể đến không ít ca khúc có chủ đề, âm điệu hay bối cảnh là vùng dân tộc thiểu số và được công chúng hào hứng đón nhận như: Tình yêu màu nắng, Nhà em ở lưng đồi, Lời ca gửi Nọong...

Đặc biệt, Để Mỵ nói cho mà nghe của Hoàng Thùy Linh có hơn 172 triệu lượt xem trên Youtube là một minh chứng rõ nét về sức hấp dẫn được tạo ra từ việc sử dụng sáng tạo chất liệu văn hóa tộc người thiểu số trong ngành công nghiệp âm nhạc. Có thể thấy khai thác chất liệu văn hóa của các tộc người thiểu số trong việc sản xuất các MV âm nhạc là hướng đi nhiều thử thách nhưng rất đáng khích lệ của các nghệ sĩ trẻ hiện nay. Trước sự tấn công mạnh mẽ của làn sóng văn hóa Hàn Quốc, Trung Quốc hay văn hóa Âu - Mỹ... hướng đi này sẽ tạo dấu ấn và chỗ đứng riêng cho nhạc Việt.

Di sản văn hóa các tộc người thiểu số góp phần phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam - Ảnh 2.

Để Mỵ nói cho mà nghe của Hoàng Thùy Linh có hơn 172 triệu lượt xem trên Youtube là một minh chứng rõ nét về sức hấp dẫn được tạo ra từ việc sử dụng sáng tạo chất liệu văn hóa tộc người thiểu số trong ngành công nghiệp âm nhạc

Đối với ngành công nghiệp thời trang, các màu sắc, kiểu dáng, hoa văn, họa tiết trên trang phục truyền thống có thể coi như bộ nhận diện bản sắc văn hóa tộc người, văn hóa quốc gia dân tộc. Do vậy, trang phục cũng cần truyền tải chân thực và sinh động, sáng tạo những nét bản sắc ấy. Những nét đặc trưng này càng được thể hiện chân thực, độ nhận diện bản sắc tộc người và quốc gia càng cao

Nhiều nhà thiết kế đều lấy thổ cẩm làm cảm hứng và chất liệu chính trong các sáng tác của mình. Chẳng hạn show thời trang thổ cẩm "Dòng chảy bất tận - The Eternal Flow" nhằm giới thiệu với thế giới một Việt Nam với nền văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc với sự góp mặt của khoảng 50 người đẹp, diễn viên và hơn 100 nghệ sĩ, nghệ nhân,... sẽ được giới thiệu tại Triển lãm Thế giới - EXPO 2020 Dubai nhân sự kiện kỉ niệm Ngày Quốc gia Việt Nam.

Ngoài ra có thể kể đến bộ sưu tập những chiếc áo dài trên nền vải thổ cẩm là sản phẩm độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên như Ê Đê, Ba Na, Xơ Đăng... của nhà thiết kế Minh Hạnh. Chương trình trình diễn bộ sưu tập này có 80% diễn viên là học sinh dân tộc thiểu số tại chỗ.

Cần sự kế thừa và sáng tạo

Bà Đinh Việt Hà cho rằng, khai thác và sử dụng chất liệu văn hóa các tộc người thiểu số là một hướng đi không mới nhưng luôn là một bài toán khó, một thách thức lớn, bởi khi khai thác các chất liệu này, các nghệ sĩ, nhà sản xuất có thể vô tình đụng chạm đến những vấn đề nhạy cảm về tín ngưỡng, tộc người, an ninh chính trị… Nếu nghệ sĩ, nhà sản xuất không am hiểu sâu sắc về lối sống, văn hóa, tâm tư tình cảm của cư dân các dân tộc mình định làm, có thể sẽ gây ra sự phản cảm, bức xúc dư luận, chẳng hạn như tranh cãi về chiếm dụng văn hóa trong thời gian vừa qua.

Di sản văn hóa các tộc người thiểu số góp phần phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam - Ảnh 3.

Văn hóa dân tộc thiểu số góp phần quan trọng trong phát triển công nghiệp văn hóa (cảnh phim Lặng yên dưới vực sâu)

Do vậy, khi khai thác và sử dụng các chất liệu này, nghệ sĩ và nhà sản xuất cần nghiên cứu kĩ các yếu tố văn hóa bản địa, yếu tố lịch sử, tìm hiểu điều gì là cấm kỵ, điều gì nên khai thác, tránh tổn hại đến cộng đồng.

Việc lựa chọn các thương hiệu nội địa không chỉ là một cách để thúc đẩy nền kinh tế sản xuất trong nước mà còn là một biểu hiện của tinh thần dân tộc. Ngày càng nhiều khán giả, người tiêu dùng ủng hộ các sản phẩm công nghiệp văn hóa "made in Vietnam". Việc đưa di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số vào trong các sản phẩm công nghiệp văn hóa đa dạng như hiện nay không chỉ tạo ra sự mới mẻ, đa dạng và sức hút cho các sản phẩm công nghiệp văn hóa mà còn kích thích, khơi dậy ở nhiều người trẻ sự ham thích tìm hiểu, khám phá về vùng đất, con người mà trước giờ có thể họ luôn thấy xa vời. Hướng đi này vừa đáp ứng được yêu cầu về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các tộc người thiểu số vừa đóng góp vào sự phát triển kinh tế đất nước.

Khai thác hiệu quả các chất liệu đa dạng của văn hóa truyền thống, kế thừa và sử dụng sáng tạo các giá trị di sản văn hóa các tộc người thiểu số không chỉ sự cụ thể hóa chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa các tộc người thiểu số mà bản thân nó còn được coi là một hướng đi mới mẻ, nhiều triển vọng của các ngành công nghiệp văn hóa hiện nay bởi tính đặc sắc mà các chất liệu văn hóa dân tộc thiểu số có thể tạo ra cho các sản phẩm hàng hóa đặc biệt này./.

An An

NỔI BẬT TRANG CHỦ