• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Di sản văn hóa - "vốn" để phát triển công nghiệp văn hóa

Văn hoá 12/08/2021 17:18

(Tổ Quốc) - Hà Nội là vùng tài nguyên di sản giàu có nhất, đa dạng nhất của quốc gia. Vốn di sản văn hóa đó chính là nguồn lực vô cùng lớn, quan trọng và bền vững của công nghiệp văn hóa. Với việc được ghi danh là thành phố sáng tạo, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, miền đất này hứa hẹn sẽ là thị trường lý tưởng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là sản phẩm giáo dục văn hóa dựa trên di sản.

Di sản- thế mạnh của Thủ đô

Trong các thế mạnh về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, Hà Nội có nhiều tiềm năng, lợi thế được đối tác, du khách trong nước và quốc tế quan tâm. Hiện Thủ đô được tư vấn nên tập trung thực hiện 4 nhóm phát triển công nghiệp văn hóa, gồm: Làng nghề truyền thống; Nghệ thuật biểu diễn; Du lịch văn hóa và Giáo dục sáng tạo trong nhà trường. Các nhóm phát triển này phần lớn đều có thể dựa trên “nguồn vốn” dồi dào là những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.

Di sản văn hóa - "vốn" để phát triển công nghiệp văn hóa - Ảnh 1.

Hà Nội là vùng tài nguyên di sản giàu có nhất, đa dạng nhất của quốc gia.

TS Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam nhìn nhận, di sản văn hóa là nguồn vốn, là tài nguyên, là chất liệu, đề tài, là nguồn cảm hứng và chủ thể… cho các ngành công nghiệp văn hóa. Dựa vào vốn di sản văn hóa để phát triển công nghiệp văn hóa bền vững là một tất yếu. Trong khi đó, Hà Nội là vùng tài nguyên di sản giàu có nhất, đa dạng nhất của quốc gia. Tính đến cuối năm 2015, Hà Nội có 5.922 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 2.396 di tích đã được xếp hạng là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, di sản thế giới. Hà Nội cũng có 1.793 di sản văn hóa phi vật thể được nhận diện, kiểm kê đưa vào danh sách để bảo vệ, trong đó có 1.206 lễ hội; 215 tập quán xã hội và tín ngưỡng; 175 nghề thủ công truyền thống; 106 di sản về tri thức dân gian; 79 nghệ thuật trình diễn dân gian; 14 di sản về ngữ văn dân gian.

Theo mục tiêu phát triển bền vững của UNESCO, việc kiểm kê được 1.793 di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội có ý nghĩa góp phần “bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và phát triển bền vững ở cấp quốc gia”. Hà Nội có 106 di sản thuộc loại hình tri thức dân gian, các kinh nghiệm về trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản lương thực, thực phẩm, chữa bệnh… đóng góp vào nội dung lương thực, y tế và sức khỏe cộng đồng trong mục tiêu phát triển bền vững. 175 nghề thủ công truyền thống của Hà Nội từ xưa đến nay vốn đã là thu nhập, sinh kế của người dân Hà Nội và các cộng đồng có liên quan, nay một lần nữa được khẳng định để tiếp tục mục tiêu phát triển kinh tế toàn diện.

TS Lê Thị Minh Lý cũng phân tích, 1.206 lễ hội và 79 di sản thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian sẽ là cơ sở bền vững cho phát triển du lịch văn hóa của Thủ đô. Tuy nhiên, nhằm phát triển kinh tế, phát triển công nghiệp văn hóa cần đánh giá và hết sức thận trọng bởi sự thương mại hoá, kinh tế hóa giá trị di sản - bên cạnh những yếu tố tích cực - còn là nguy cơ đối với bảo vệ di sản, với lợi ích/quyền của cộng đồng. “Hà Nội cũng là nơi có nhiều thiết chế văn hóa bảo tàng nhất cả nước. Những bảo tàng quý nhất, lâu đời nhất cũng ở Hà Nội. Đây còn là nơi có nhiều bảo tàng ngoài công lập và các nhà sưu tập tư nhân nhiều nhất. Bên trong các bảo tàng là di sản văn hóa vật thể, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, là di sản thông tin tư liệu, di sản ký ức. Biết bao nhiêu đề tài lịch sử, văn hóa, nghệ thuật ẩn chứa trong kho di sản đồ sộ này đang chờ đợi các ngành công nghiệp văn hóa khai thác để tỏa sáng?”, bà Lý gợi mở.

Hà Nội có quá nhiều lợi thế để có thể biến những tiềm năng công nghiệp văn hóa trở thành của cải. Các chuyên gia cho rằng, cần một cú hích để công nghiệp văn hóa thực sự có giá trị thúc đẩy sự phát triển, trong đó có mũi nhọn là khai phá những “mỏ vàng” di sản.

Cơ sở của công nghiệp văn hóa

Phát huy tiềm năng di sản trở thành nguồn thu của công nghiệp văn hóa cho Hà Nội những năm tới cũng là câu chuyện thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia quốc tế. Ông Emanuel Cerise, Trưởng đại diện chương trình hợp tác giữa vùng Ile-de-France (Pháp) và TP Hà Nội nhận định, Hà Nội giống Paris ở chỗ không chỉ có thế mạnh ở nội đô, mà còn có khu vực ngoại ô giàu tiềm năng, có nhiều di sản văn hóa truyền thống hấp dẫn. Hà Nội nên thúc đẩy khách du lịch không chỉ tập trung tới nội đô mà cần mở rộng ra xung quanh, tạo thành vùng thủ đô như khu vực sông Hồng. Con sông này là dòng chảy văn hóa, kết nối công nghiệp văn hóa với các ngành công nghiệp khác. Phố đi bộ Hoàn Kiếm cũng là sáng kiến quan trọng, cần phát triển nhiều tuyến phố tương tự.

Di sản văn hóa - "vốn" để phát triển công nghiệp văn hóa - Ảnh 2.

Hà Nội sẽ trở thành miền đất, thị trường lý tưởng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là sản phẩm giáo dục văn hóa dựa trên di sản

Đại sứ Italia tại Việt Nam Antonion Alessandro đánh giá Hà Nội không giống bất kỳ thành phố nào khác ở Đông Nam Á bởi sở hữu nền tảng văn hóa lâu đời và có danh tiếng trên thế giới. Ông cho rằng Hà Nội cần tổ chức nhiều sự kiện lớn ở tầm quốc tế hơn nữa. Italia với thế mạnh bảo tồn di sản văn hóa sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ Hà Nội trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa.

Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội Michael Croft thì cho rằng, thương hiệu Thành phố Sáng tạo của Hà Nội đem lại một nền tảng cho hợp tác và phát triển, đó không chỉ là hợp tác giữa các sáng kiến trong khu vực của Hà Nội mà còn là những cơ hội hợp tác mới giữa Hà Nội và các thành phố sáng tạo khác của UNESCO trong khu vực và trên thế giới. Danh hiệu này đại diện cho sự tiếp nối truyền thống vì nó được xây dựng dựa trên di sản của Hà Nội như một Thủ đô văn hóa và một Thành phố vì Hòa bình - danh hiệu mà Thành phố đã được UNESCO trao tặng vào năm 1999. Tất cả những điều này tạo nên nền tảng vững chắc cho sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô.

TS Lê Thị Minh Lý cho rằng, thế mạnh của Hà Nội để phát triển công nghiệp văn hóa chính là “vốn” di sản văn hóa vừa giàu có, vừa đa dạng. Hà Nội còn là nơi tập trung nhiều người tài giỏi, sáng tạo, đặc biệt là nhiều nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Hà Nội cũng sẽ trở thành miền đất, thị trường lý tưởng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là sản phẩm giáo dục văn hóa dựa trên di sản. Đồng thời, Thủ đô đã bước đầu có những cơ chế chính sách thuận lợi cho việc sáng tạo các sản phẩm văn hóa, quan tâm đến đầu tư cho di sản văn hóa - tiềm năng của công nghiệp văn hóa.

Tuy nhiên, Hà Nội cũng có một số điểm yếu được nhìn nhận, đó là: Các sản phẩm văn hóa chưa đa dạng, chưa bản sắc, độc đáo và xứng tầm với vị thế của Thủ đô trong tương quan khu vực và quốc tế. Chưa nhận diện được giá trị văn hóa từ di sản một cách sâu sắc, gần gũi với sáng tạo văn hóa; chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu, thông tin chuyên ngành cho công nghiệp văn hóa. Thiếu kỹ năng chuyên môn và quản lý trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Cơ chế đầu tư cho công nghiệp văn hóa còn chưa hợp lý và thiếu những liên kết chuyên ngành, hiệu quả cao…

Từ cách tiếp cận dựa vào di sản văn hóa, các chuyên gia nhận thấy việc xây dựng chiến lược của Hà Nội cần quan tâm đánh giá có định lượng tiềm năng di sản và việc phát huy giá trị di sản hiện nay, từ đó có định hướng rõ lĩnh vực ưu tiên đầu tư cho công nghiệp văn hóa. Cần tập hợp các kết quả điều tra, kiểm kê di sản văn hóa, nghiên cứu bổ sung, cập nhật và xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm quản lý, khai thác sử dụng sáng tạo văn hóa. Đặc biệt, cần chú trọng, ưu tiên sản xuất các sản phẩm văn hóa dựa trên di sản dành cho giáo dục học sinh phổ thông. Cần xây dựng quy tắc đạo đức trong việc sử dụng di sản văn hóa trong kinh tế, xã hội hóa quản lý khai thác di sản, di tích với nội dung mà các công ước quốc tế, luật pháp Việt Nam quy định, nhất là vấn đề bảo vệ di sản văn hóa, quyền/lợi ích của chủ thể văn hóa, bình đẳng văn hóa và bản quyền…/.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ