(Tổ Quốc) - Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm, chiều 20/2, Bộ Y tế, Bộ NNPTNTcùng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tổ chức cuộc họp khẩn tại Hà Nội để bàn biện pháp ứng phó.
Theo đại diện Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến thời điểm này mặc dù Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nào trên người những đã xuất hiện 4 ổ dịch gia cầm H5N1, 1 ổ H5N6. Trong đó, 1 ổ dịch H5N1 buộc tiêu huỷ hơn 4.600 con vịt tại 3 hộ dân thuộc xã Trực Thuận, Trực Ninh, Nam Định; 1 ổ dịch H5N1 tại huyện Phú Đông, tỉnh Bạc Liêu và 1 ổ tại Diễn Châu, Nghệ An. Ngoài ra, cũng đã ghi nhận ổ dịch cúm gia cầm H5N6 tại xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.
Đã xuất hiện 4 ổ dịch gia cầm, Việt Nam họp khẩn. Ảnh: Vietnam+. |
PGS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, dịch cúm A/H7N9 đang bùng phát mạnh tại nước láng giềng Trung Quốc và đã có gần 200 ca tử vong, tập trung ở 2 tỉnh Vân Nam và Quảng Tây giáp biên giới Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, trước diễn biễn phức tạp của dịch cúm H7N9 thứ 5 bùng phát trên thế giới, khả năng xâm nhập vào Việt Nam là hoàn toàn có thể do tính phức tạp nhất là virus này là không có biểu hiện trên đàn gia cầm, tức là con gia cầm hoàn toàn khoẻ mạnh nhưng lại mang virus cúm.
Ngoài ra, tỷ lệ tử vong do nhiễm H7N9 trước đây là gần 50%, nay giảm còn 30% nhưng bệnh trở nặng rất nhanh nên người dân không được chủ quan khi có dấu hiệu nghi ngờ.
Trước nguy cơ dịch cúm lây lan trên người, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu các Viện Pasteur khu vực miền Trung, miền Nam và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cần tăng cường giám sát, mở rộng đối tượng chẩn đoán trên các mẫu có nghi ngờ tại những địa phương giáp biên giới các nước đang xảy ra dịch, đặc biệt là những nơi có nhiều khách du lịch Trung Quốc để kịp thời phát hiện./.
Tuấn Minh