• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Dich giả Thúy Toàn: ‘Các bạn trẻ lo kiếm ăn, không mấy ai dịch sách’

10/09/2017 11:15

Theo dịch giả khó khăn lớn nhất khi triển khai dự án văn học Việt Nga là thiếu người chuyển ngữ, bởi vậy nhiều bản dịch được đánh giá chưa nhuần nhuyễn.

 

Dự án dịch và xuất bản các tác phẩm văn học kinh điển Nga sang tiếng Việt và các kiệt tác văn học Việt Nam sang tiếng Nga được thực hiện từ năm 2012. Dự án do Tổng thống Nga Putin khởi xướng.

Các đơn vị thực hiện dự án gồm: Cơ quan Hợp tác Liên bang Nga, Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga, Nhà xuất bản Matxcova Lokid-Premium, Hội Nhà văn Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ quảng bá văn học Nga ở Việt Nam.

Nhân dịp phát hành thêm bốn đầu sách mới, dịch giả Thúy Toàn - Giám đốc Quỹ hỗ trợ, quảng bá văn học Việt - Nga - chia sẻ về quá trình dịch, thực hiện dự án và giới thiệu những đầu sách hay, đẹp của văn chương Nga tới Việt Nam.

 Hai trong số bốn đầu sách mới ra của dự án dịch văn học Việt - Nga

- Sau 5 năm triển khai, kết quả của dự án ra sao thưa ông?

- 2017 là năm thứ 5 dự án được thực hiện. Chúng tôi có 10 đợt ra mắt sách rồi. Khoảng trên 40 cuốn sách đã được phát hành, trong đó có hai cuốn của văn học Việt Nam dịch sang Nga, còn lại là văn học Nga dịch sang Việt Nam.

- 2/40 cuốn, tức là sách Việt Nam chỉ chiếm 5% tổng số sách trong dự án. Tại sao sách Việt Nam lại ít được dịch đến thế?

- Do không có người dịch. Bây giờ có rất ít nhà Việt Nam học người Nga. Lớp trước thì có, nhưng đã qua đời, hoặc cũng quá già… Lớp trẻ thì ở Nga cũng như mình thôi, họ học tiếng Việt xong thì đi làm ngoại giao, đi buôn bán... Cũng có lác đác vài người dịch tiếng Việt sang tiếng Nga nhưng ít lắm.

- Vậy hai tập sách tiếng Việt đã dịch sang tiếng Nga là gì?

- Là cuốn Cây ngải trên núi, và Hồn bướm mơ tiên (Khái Hưng). Cuốn Hồn bướm mơ tiên đã có bản dịch sẵn rồi, của một dịch giả Nga làm nghiên cứu sinh ở Việt Nam từ những năm 1960 dịch. Còn Cây ngải trên núi là tập truyện ngắn tập hợp tác phẩm của các nhà văn Việt Nam như Đỗ Chu, Y Ban, Nguyễn Quang Thiều… do mấy dịch giả cả Nga lẫn Việt dịch.

- Những đầu sách văn học kinh điển của Nga được lựa chọn dịch và xuất bản theo tiêu chí nào?

- Đó là những tác phẩm kinh điển Nga nổi tiếng trên toàn thế giới, được lựa chọn và xuất bản sang Việt Nam với chất lượng in ấn, trình bày tốt. Trong đó bộ tác phẩm của Dostoevsky được yêu thích đặc biệt.

Trong dự án này, có một số cuốn trước đây chưa dịch thì chúng tôi dịch mới. Một số cuốn đã có bản dịch trước đây, nhưng chúng tôi vẫn tiến hành dịch lại.

- Vì sao những người thực hiện dự án không dùng lại các bản dịch cũ?

- Không dùng lại bản dịch cũ, vì phức tạp ở chỗ bản dịch cũng có bản quyền. Thứ hai là, sách ngày xưa thường dịch qua tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, bây giờ phải dịch từ văn bản gốc.

Thêm lý do nữa, ngôn ngữ tiếng Việt bây giờ đã thay đổi rồi, mỗi thời đại cần một thứ văn phong mới.

- Dự án được triển khai như thế nào tại Việt Nam?

- Tôi được Hội Nhà Văn giao việc, lo sắp xếp bản thảo, tìm người dịch, ngay cả công tác biên tập cũng rất cần người. Sau khi có bản thảo rồi, thì gửi đi in ở Nga. Sách in ở Nga nên rất đẹp.

- Dự án có kế hoạch in bao nhiêu cuốn nữa?

- Điều này không phải do tự chúng tôi quyết định, mà do các cơ quan nghiên cứu ở Nga như: Hội Nhà văn Nga, Viện Đông Phương của Nga, Bộ Văn hóa Nga… phía Việt Nam cũng thế, do Viện Văn học, Hội Nhà Văn, Bộ Văn hóa… quyết định.

Về phần mình, tôi cứ đi đến chặng nào thì biết chặng đấy. Nhất là tuổi tôi bây giờ, ngoài 80 rồi, đã tới tuổi nghỉ rồi, thì không thể nói trước được.

- Ông gặp khó khăn gì khi tham gia triển khai dự án này?

- Nhiều lắm. Người không có, tiền không đủ…

- Về tài chính thì dự án có hỗ trợ rồi chứ?

- Dự án này có tiền cho dịch giả, tiền cho NXB, tiền cho người quản lý dự án. Ví dụ, một tháng chia ra thì tôi làm quản lý được hai triệu bạc. Từng đó thì có khi không đủ tiền xe đi lại.

Khó khăn về người là người dịch không có. Các bạn trẻ nhiều người giỏi lắm, nhưng họ làm việc khác. Hoặc có người dịch chơi chơi thôi. Bây giờ ai cũng lo kiếm ăn cả.

Mà dịch sách thì đâu có nhiều tiền. Ví dụ như cuốn Dostoevsky dầy dặn như thế, có ba người dịch, mỗi người được 8 triệu đồng tiền nhuận dịch.

- Một vài ý kiến cho rằng bản dịch trong dự án này không bằng những bản dịch trước đây. Ông phản hồi ra sao?

- Cũng có điều đó chứ. Có thể bản dịch ở đây không nhuần nhuyễn bằng trước. Ví dụ một cuốn mà ba người dịch thì làm sao nhuần nhuyễn bằng một người dịch được.

Tiền dự án người ta đã duyệt chi rồi, không có bản thảo kịp mà in thì tiền sẽ mất. Nên phải chia nhau ra dịch cho kịp tiến độ. Một cái kiêng kị nhất trong sáng tác là sáng tác chung nhau, mà ở đây dịch cũng là một thứ sáng tạo.

 Dịch giả Thúy Toàn.

- Từ 2012 đến giờ, ông hài lòng với cuốn sách nào nhất?

Tôi tâm đắc Truyện biển của nhà văn Nga K.Stanhiukovich. Khi Pháp vừa chiếm mấy tỉnh Nam Bộ, ông đã đến Việt Nam, ở Sài Gòn ba tháng, và viết bút ký. Trong tập sách đó tôi có dịch bút ký ông viết về biển, về người thủy thủ.

- Theo ông, văn học Nga có còn ảnh hưởng tới lớp trẻ Việt ngày nay?

- Còn chứ, cứ nhìn các buổi ra mắt sách văn học Nga đều rất đông người tới dự, thì thấy được tình cảm của mọi người với nền văn chương này. NXB Kim Đồng gần đây cũng in hàng loạt sách, tái bản văn học Nga nhiều mà vẫn được mua đều đều.

Báo chí ngày nay vẫn luôn nói tới Pautovsky, Pushkin… cùng những kỷ niệm nước Nga. Đấy là tình cảm thấm vào bao người rồi.

- Nhưng thế hệ Nga học qua đi, đến thế hệ trẻ hơn nhiều thì sao?

- Tôi nghĩ cái gì hay thì nó vẫn còn. Văn chương Nga đến với bạn đọc Việt có hay hay không còn qua người dịch. Người làm dịch thuật phải dịch hay thì tác phẩm mới ở lại.

Cái gì là vàng nó vẫn là vàng.

- Văn học Nga là nền văn chương lớn, nhưng kỷ nguyên vàng đã qua. Theo ông, nền văn chương Nga đương đại thế nào?

- Chúng ta phải tìm hiểu, cũng có mặt này mặt kia. Ví dụ tác giả Svetlana Alexievich được giải Nobel vừa rồi với Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ, Lời nguyện cầu từ Chernobyl, cho thế giới thấy một thể loại mới: tiểu thuyết trên sự kiện thực.

Văn học Nga luôn có những cái mới, cái hay. Ở mỗi một giai đoạn, văn học Nga vẫn có đóng góp mới.

Bây giờ dù đã phát triển phức tạp, nhưng cốt lõi của Văn học Nga là nhân văn, vì thế nó luôn được lòng người.

(Theo: Zing.vn)

 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ