(Tổ Quốc) - "Có khách lải nhải, thậm chí chửi cả tài xế hoặc nôn mửa cả ra xe. Có khách không chịu thanh toán tiền. Lại có những khách say quá quên luôn cả địa chỉ nhà mình", anh Hà, một tài xế xe công nghệ cho biết.
Ngày 1/1, Nghị định số 100/2019 quy định xử phạt nặng lái xe có nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở vượt quá mức quy định chính thức có hiệu lực.
Trước tình hình trên, nhiều giải pháp đã được đưa ra. Trên mạng xã hội và các diễn đàn, cộng đồng mạng có nhiều ý kiến trái chiều, tỏ ra lo ngại về việc làm thế nào để đảm bảo an toàn và tránh phạm luật, đặc biệt thời điểm này đang là mùa lễ Tết.
Có cầu ắt có cung, một vài nhóm dịch vụ đưa người uống rượu, bia về nhà đã được lập ra. Các nhóm này cung cấp số điện thoại, địa chỉ, sẵn sàng phục vụ 24/24 giờ đối với những ai có nhu cầu, thậm chí đưa cả xe của khách về nhà. Bên cạnh đó, để giữ khách, các nhà hàng, quán nhậu cũng bổ sung thêm dịch vụ này. Khách hàng "nhậu" xong là có nhân viên chở về tận nhà bằng ô tô, xe máy... theo nhu cầu. Giá cả cũng chỉ tương đương giá taxi hoặc xe ôm.
Dù vậy, theo chia sẻ của một số tài xế, dịch vụ đưa người uống rượu, bia về nhà tưởng chừng "hái ra tiền" nhưng trên thực tế không phải như vậy. Bản chất của dịch vụ này cũng giống như lái xe taxi hoặc xe công nghệ, xe ôm... và còn phức tạp hơn bởi khách là người đã có hơi men, thậm chí còn say xỉn.
Anh Hải, một tài xế xe công nghệ cho biết, anh từng nhiều lần chở khách say xỉn về nhà và thấy không hề "dễ chịu" chút nào.
"Khách hàng người nồng nặc mùi rượu, bia. Có người thì mềm oặt ra, ngồi không vững. Có người thì nói năng lảm nhảm. Thậm chí có người còn không nhớ nổi địa chỉ nhà. Bực nhất là có khách hàng còn nôn mửa cả ra xe...", anh Hải chia sẻ.
Có thâm niên làm xe ôm 2 năm qua, anh Hưng (Thanh Nhàn, Hà Nội) cho hay anh từng trải qua nhiều tình huống "dở khóc, dở cười" khi chở khách nhậu.
Theo anh Hưng, có lần anh chở khách về đến nhà nhưng khách không chịu thanh toán tiền vì kêu mất ví. Gặp trường hợp như vậy anh đành hậm hực bỏ qua cho đỡ phiền toái.
"Có lần tôi chở khách về nhà, khách nôn ra xe nhưng không chịu trả tiền rửa xe. Với những trường hợp như vậy xem như tôi chở khách không công. Thi thoảng có khách cũng hào phóng đưa thêm tiền nhưng cũng không nhiều. Ví như tối qua có khách đi hết 180.000 đồng nhưng đưa cho tôi tròn 200.000 đồng", anh Hưng cho hay.
Có thể nói, với quy định nghiêm khắc và mức xử phạt nặng mới đối với người có hơi men, dịch vụ nói trên hứa hẹn sẽ phát triển và nở rộ ở Việt Nam.
Tuy nhiên, điều bất tiện nhất đối với dịch vụ này là do khách đã có hơi men nên thường say xỉn, không làm chủ được bản thân. Thậm chí rất khó tránh khỏi việc họ nôn mửa hoặc gây rối, làm những hành vi sai trái. Chính vì vậy, để dịch vụ này được nhân rộng và phát triển thì các tài xế xe ô tô hay xe máy đều cần phải được trang bị kỹ năng ứng phó với khách hàng.
Anh Phương, chủ một nhà hàng trên phố Trần Khát Chân (Hà Nội) cho biết: "Với những khách hàng quá chén, chúng tôi sẽ cho khách nghỉ ngơi 15 phút, cho uống nước, lau mặt, rồi cử nhân viên đưa về. Chúng tôi chỉ tính tiền dịch vụ đưa về với giá cả rất phải chăng, chỉ tương đương với giá xe ôm".
Theo anh Phương, nhà hàng còn bố trí khu vực để xe dành cho khách nếu khách say và muốn để xe lại và phí trông xe cũng rất rẻ.
Hồi năm 2017, dịch vụ có tên Bạn uống tôi lái cũng được triển khai. Dịch vụ này cho phép người uống rượu đặt trước người lái xe về, với phí từ 200.000 đồng/30 phút. Tuy nhiên, tới năm 2019 thì dịch vụ này đã ngừng hoạt động.