(Tổ Quốc) - Bất chấp những nỗ lực từ phía Nga, Trung Quốc vẫn tỏ ra "thờ ơ" trước sức hút của khu vực gần Bắc Kinh hơn Moscow này.
Mặt hàng sò điệp tươi sống của Alexander Lopatnikov chưa bao giờ làm thất vọng du khách và giới doanh nhân Trung Quốc tại Vladivostok, một thành phố cảng của Nga có vị trí địa lý gần với Bắc Kinh hơn là Moscow. Với sự "chống lưng" từ các nhà đầu tư Trung Quốc, sò điệp của Lopatnikov được xuất khẩu tới Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Trung Quốc.
Tháng trước trong chuyến công du tới Bắc Kinh, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với người đồng cấp Tập Cận Bình rằng, hợp tác giữa hai láng giềng khu vực đã "đạt mức cao chưa từng có và trở thành một hình mẫu về việc quan hệ giữa các quốc gia nên được xây dựng như thế nào trong thế giới ngày nay". Thương mại song phương Nga và Trung Quốc đã tăng 24,5% trong năm 2018 đạt giá trị kỷ lục 108 tỷ USD.
Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin (phải) nếm thử đặc sản địa phương tại Vladivostok trong năm 2018 (ảnh: AP)
Theo tờ Financial Times, cho dù mối quan hệ ngày càng thân thiện giữa hai nhà lãnh đạo đã giúp ký kết được một loạt các thỏa thuận trị giá nhiều tỷ USD trong lĩnh vực năng lượng và quốc phòng, nhưng những nỗ lực kêu gọi đầu tư Trung Quốc vào vùng Viễn Đông của Nga, hiện vẫn tỏ ra không hiệu quả.
Tại khu vực Cảng tự do Vladivostok (FPV), trang trại sò điệp có vốn đầu tư Trung Quốc của ông Lopatnikov là một trong những câu chuyện thành công hiếm hoi. Chỉ 3% các dự án tại FPV tiếp nhận nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc. Trong khi đó, chỉ 2% trong tổng số 140 triệu USD đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Nga trong năm 2017, là dành cho vùng Viễn Đông.
Năm 2015, Nga thành lập FPV, một đặc khu kinh tế với các ưu đãi về thuế quan được áp dụng tại 5 khu vực dọc theo bờ biển phía đông của nước này.
Chỉ 3% các dự án tại FPV tiếp nhận nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc (ảnh: Reuters)
Ông Putin kêu gọi hồi sinh vị thế của Vladivostok như một cảng biển tự do, nhằm phát triển liên kết của khu vực với một Châu Á – Thái Bình Dương đang phát triển nhanh chóng; đồng thời khuyến khích hợp tác sâu rộng hơn với nước láng giềng phía nam. Mục tiêu là thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ từ các nước châu Á, như một phần của nỗ lực của Nga hướng về phía đông trong thương mại và đầu tư, sau khi mối quan hệ Moscow với phương Tây tuột dốc từ năm 2014.
Tuy nhiên, Financial Times dẫn lời một số nguồn tin cho hay, bất chấp những ưu đãi thuế quan, giới đầu tư Trung Quốc đang bị "chùn bước" trước những vấn đề mang tính hệ thống vượt xa những gì mà FPV có thể đem tới: một thị trường địa phương nhỏ bé, sức mạnh kinh tế hạn chế của một khu vực chỉ có 6 triệu người sinh sống và sự thiếu hụt hạ tầng giao thông…
"Giá trị đầu tư từ Trung Quốc vào vùng Viễn Đông Nga hoàn toàn đúng với tình trạng thị trường và hạ tầng cơ sở trong khu vực", ông Ivan Zuenko, một học giả của Trung tâm Nghiên cứu Châu Á – TBD, Học viện Khoa học Nga – đánh giá. "Có vẻ như nó khá nhỏ bé so với những kỳ vọng mà Moscow và Bắc Kinh đã đặt ra cho hợp tác đầu tư xuyên biên giới trong những năm gần đây".
Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Nga từ năm 2003 - 2018 (nguồn: Bloomberg)
Ngoài ra, các công ty Trung Quốc cũng cảm thấy e ngại trước những quy định "không đáng tin" bên trong FPV. Đã có không ít phàn nàn rằng, các hợp đồng đầu tư với cảng luôn bị thay đổi ngoài dự kiến.
Năm 2018, sòng bạc Tigre de Cristal tại FPV đặt mục tiêu trở thành dự án tiên phong tại một khu vực dành riêng cho hoạt động đánh bạc tại vùng Viễn Đông và đã thu hút các nhà đầu tư từ Hong Kong. Tuy nhiên, công ty này gần như bị phá sản với quyết định bất ngờ tăng thuế cho các hoạt động liên quan tới đánh bạc, được Moscow đưa ra sau khi sòng bạc đã đi vào hoạt động.
Theo doanh nhân Lopatnikov, hệ thống luật pháp Nga quá phức tạp cho những nhà đầu tư Trung Quốc mới gia nhập thị trường. "Trong dự án của tôi, ưu tiên là đảm bảo mọi thứ phải tuân theo luật pháp Nga", ông kể lại, đồng thời cho biết, các doanh nhân Trung Quốc thường gặp khó khăn khi tìm hiểu luật pháp sở tại.
"FPV là một thương hiệu tốt. Đối với nhiều doanh nhân Trung Quốc, Vladivostok khá được biết tới và nó giúp quảng bá cho FPV. Tuy nhiên, FPV cần phải có một chiến lược phát triển rõ ràng", Olga Surikova, người đứng đầu bộ phận Viễn đông của công ty kiểm toán KPMG tại Nga, chỉ ra.
Tờ Financial cho rằng, chính hệ thống quy định thuế quan phức tạp của Nga đã "phá hủy" các lợi ích mà FPV hứa hẹn cung cấp cho nhà đầu tư. "Tất cả doanh nghiệp hoạt động tại FPV có thể sử dụng hệ thống hải quan đặc biệt của khu vực thương mại tự do; nhưng trong thực tế, đây không phải là một lựa chọn phổ biến bởi doanh nghiệp cần phải đáp ứng một số yêu cầu nhất định và phải thiết lập hạ tầng cơ sở hải quan bằng chi phí của mình. Chỉ có 4 trong số gần 1.200 doanh nghiệp tại FPV sử dụng hệ thống thương mại tự do", bà Surikova tiết lộ.
FPV là một thương hiệu tốt. Đối với nhiều doanh nhân Trung Quốc, Vladivostok khá được biết tới và nó giúp quảng bá cho FPV. Tuy nhiên, FPV cần phải có một chiến lược phát triển rõ ràng.
Olga Surikova
Và trong khi FPV được thiết kế để thu hút đầu tư mới, các doanh nhân Trung Quốc chia sẻ với Financial Times, họ đã hoạt động tại Viễn Đông từ rất lâu rồi.
"Từ đầu những năm 2000, người Trung Quốc đã thành công thâm nhập vào tất cả các ngành công nghiệp có lợi nhuận tại vùng Viễn Đông Nga", Denis Khlopushin, một tư vấn luật và đầu tư tại Vladivostok, nhận xét đồng thời ám chỉ, FPV chỉ đơn giản là một phần thưởng thêm cho các nhà đầu tư mà thôi.