• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trung Quốc, Nga đồng loạt chĩa mũi nhọn khoét sâu "nứt vỡ" Mỹ, EU

Thế giới 18/02/2019 07:49

(Tổ Quốc) - Trang Bloomberg "ví von", nếu Trung Quốc và Mỹ đang trong một cuộc ly hôn, thì các nước châu Âu ngày càng giống như những đứa trẻ bị kẹt giữa tranh chấp của bố mẹ.

Đó đại khái là những gì mà người ta có thể cảm nhận được sau những lần xuất hiện hôm thứ Bảy (16/2) tại Hội nghị an ninh Munich của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, Uỷ viên Bộ chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Các bài phát biểu thể hiện cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc, mà trong đó, vai trò tham gia của châu Âu dường như đang trở nên khá mờ nhạt.

Trung Quốc, Nga đồng loạt chĩa mũi nhọn khoét sâu nứt vỡ Mỹ, EU - Ảnh 1.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence gặp gỡ Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) tại hội nghị an ninh Munich (ảnh: getty)

Với việc chỉ ra những khác biệt xuyên đại tây dương về chủ nghĩa đa phương và đầu tư công nghệ, giới quan sát nhận định, ông Dương Khiết Trì đang cố gắng khoét sâu hơn mâu thuẫn giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu. Hầu hết bài nói của Uỷ biên Bộ chính trị Trung Quốc đều ca ngợi những ưu điểm của hợp tác, các tổ chức quốc tế và tự do thương mại – vốn rất quen thuộc tại châu Âu; trong khi chỉ trích những hiểm họa của "chủ nghĩa bảo hộ", cũng như "chính trị bá quyền". Mỹ không bị trực tiếp đề cập tới, nhưng đích nhắm thì lại rất rõ ràng.

Ông Dương Khiết Trì cũng bác bỏ cảnh báo của Phó thủ tướng Pence rằng, tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei có thể khiến mạng 5G châu Âu bị gián điệp thâm nhập; và khẳng định, châu Âu xứng đáng nhận được sự tôn trọng nhiều hơn từ đồng minh truyền thống của mình.

"Tôi nghĩ một vài người Mỹ sẽ tự tin hơn một chút vào bản thân mình và tôn trọng người khác hơn một chút, những người đến từ cái gọi là thế giới cũ", ông Yang sử dụng một thuật ngữ mà người Mỹ thường nhắc tới châu Âu. "Mọi người đều biết lợi ích của họ ở đâu, vì vậy không cần phải có quá nhiều thuyết giáo".

Tôi nghĩ một vài người Mỹ sẽ tự tin hơn một chút vào bản thân mình và tôn trọng người khác hơn một chút, những người đến từ cái gọi là thế giới cũ.

Uỷ viên BCT Trung Quốc Dương Khiết Trì

Căng thẳng với Mỹ

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Lavrov một mặt ngỏ lời mời Liên minh châu Âu thiết lập một không gian kinh tế tích hợp tại khu vực Âu-Á với Nga; mặt khác, ông nhắc lại sự ủng hộ của Tổng thống Nga Vladimir Putin với kế hoạch do Pháp dẫn đầu, nhằm xây dựng một quân đội châu Âu.

Nhưng "liệu EU có được phép làm điều đó không thì lại là một vấn đề khác", ông Lavrov bổ sung một cách thận trọng.

Mối quan hệ hiện tại giữa hai đồng minh truyền thống EU và Mỹ không hề thiếu những bất đồng mà các đối thủ tiềm tàng có thể lợi dụng.

Ông Pence lại một lần nữa nhắc tới yêu cầu châu Âu đồng ý với chính sách cứng rắn của Mỹ với Iran. Ông cũng cáo buộc EU phá hoại những nỗ lực của Mỹ muốn cô lập chính quyền Tehran, với việc xây dựng một cơ chế tài chính giúp các nhà đầu tư tránh các lệnh trừng phạt từ Washington. Phó Tổng thống Mỹ còn đưa ra một so sánh giữa Iran và phát xít Đức sau chuyến thăm tới trại tập trung Auschwitz hôm thứ Sáu (15/2).

"Một bài học trong chương đen tối của lịch sử loài người là khi các chính quyền đưa ra các lời lẽ thù địch bài người Semit và đe dọa bạo lực, chúng ta phải nghiêm túc xem xét những gì họ nói", ông Pence khẳng định.

Rút quân khỏi Syria

Không lâu trước bài phát biểu của ông Pence, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã một lần nữa nhấn mạnh sự ủng hộ của Đức đối với thỏa thuận hạt nhân Iran. Bà cũng kêu gọi Mỹ tư vấn ý kiến của các đồng minh trước khi đưa ra bất kỳ quyết định mới nào về triển khai quân tại Afghanistan – nơi Đức đang có hơn 1.000 binh lính. Các quan chức châu Âu tỏ rõ sự không hài lòng vì Tổng thống Mỹ Donald Trump đã "bỏ qua" họ khi tuyên bố rút quân Mỹ khỏi Syria.

"Liệu có phải là điều tốt khi rút quân ngay lập tức khỏi Syria, hay nó sẽ chỉ làm tăng sức mạnh cho Iran và Nga?", bà Merkel đặt câu hỏi. "Chúng ta cần thảo luận về điều đó".

Liệu có phải là điều tốt khi rút quân ngay lập tức khỏi Syria, hay nó sẽ chỉ làm tăng sức mạnh cho Iran và Nga? Chúng ta cần thảo luận về điều đó.

Thủ tướng Đức Angela Merkel

Tuy nhiên, bà Merkel thể hiện một giọng điệu u ám nhất khi đề cập tới khả năng Mỹ áp thuế nhập khẩu lên các sản phẩm và linh kiện ô tô từ châu Âu. Bà cho biết, mình cảm thấy "sốc" khi nghe thấy ý kiến rằng, ô tô của Đức là mối đe dọa cho an ninh quốc gia Mỹ. Thủ tướng Đức cũng lưu ý, nhà máy sản xuất lớn nhất của hãng BMW nằm tại South Carolina, Mỹ.

Sự lãnh đạo của Mỹ

Sau tất cả những bất đồng trên, theo Bloomberg, hầu như không có dấu hiệu cho thấy Mỹ hay châu Âu sẵn sàng phá vỡ mối liên minh đã kéo dài 70 năm xung quanh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO). Mỹ cam kết sẽ đưa thêm quân và tham gia nhiều hơn vào hệ thống phòng thủ châu Âu, so với thời kỳ chính quyền Barack Obama. Phái đoàn Mỹ gồm các nghị sỹ từ cả hai đảng, một số cựu quan chức như cựu Phó Tổng thống Joe Biden…, muốn đảm bảo với các đồng minh rằng chính sách "Nước Mỹ là trên hết" của Tổng thống Trump, không như những gì ông thể hiện.

"Nước Mỹ mà tôi nhìn thấy không muốn quay lưng lại với thế giới hay các đồng minh", ông Biden nói. "Chúng tôi sẽ quay trở lại".

Trong bài phát biểu của mình, Phó Tổng thống Pence cũng chỉ ra, Mỹ không muốn rời đi và vẫn là một nhà lãnh đạo không thể thay thế được của phương Tây. Ông sử dụng từ "lãnh đạo" tới 19 lần, và khẳng định, việc gia tăng ngân sách quốc phòng của các thành viên NATO và quốc tế công nhận chủ tịch quốc hội Juan Guaido là Tổng thống Venezueala, vẫn theo những động cơ của Tổng thống Trump.

"Và do đó", ông Pence kết luận, "nước Mỹ lại một lần nữa đang lãnh đạo thế giới tự do".

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ