• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Điện ảnh là di sản đặc biệt cần được bảo vệ

Văn hoá 11/08/2023 08:55

(Tổ Quốc) - Ngày 10/8, tại Hà Nội, đã diễn ra sự kiện chiếu phim và tọa đàm "Điện ảnh mà là di sản á?" do đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp phối hợp với Ơ kìa Hà Nội tổ chức.

Sự kiện nằm trong khuôn khổ dự án 'Mobilizing film professionals for regional cooperation in Asia' của UNESCO và chuỗi hoạt động "Di sản kể chuyện". Thông qua sự kiện nhằm kết nối các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các nhà làm phim, công chúng trong cộng đồng điện ảnh. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức về lưu trữ, bảo tồn, phục chế phim nhựa với tư cách là một di sản tư liệu đặc biệt cần được bảo vệ khẩn cấp.

Chia sẻ tại tọa đàm, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho biết: Phim nhựa là thứ vật liệu vừa kì diệu vừa mong manh, tuổi thọ có giới hạn, đòi hỏi sự chăm sóc "tận tình, khắt khe, nghiêm cẩn", đòi hỏi sự đầu tư không giới hạn, cả tiền của lẫn sức người...Điện ảnh của một thời phim nhựa vàng son hiện đang sống cuộc đời khá lạ thường, có những cuốn phim nằm trên ngai - được cung phụng như vua, có những cuốn phim lắt lay hồi sức cấp cứu, có những cuốn phim già nua chịu phận hẩm hiu mốc meo mòn mỏi không ai muốn nhận, lại có những cuốn phim hóa thành cát bụi theo đúng nghĩa đen.

Trên thế giới và tại Việt Nam những người làm phim tiếp tục làm phim, những nhà lưu trữ - bảo tồn điện ảnh tiếp tục cứu sống những cuốn phim. Đôi khi chúng ta không thể tưởng tượng được số phận ly kỳ của các cuốn phim trong hành trình giải cứu - giành giật sự sống mong manh.

Điện ảnh là di sản đặc biệt cần được bảo vệ - Ảnh 1.

Ban chủ tọa

"Cách đây 3 năm, một câu hỏi rất lớn đặt ra trong tôi là "những thứ điện ảnh đẹp đẽ, nguyên bản, tinh tế mà mình đã từng tiếp cận ngày nay nó đang ở đâu?", câu hỏi này đã được tôi tìm ra khi tôi học về di sản, làm việc trực tiếp với những chuyên gia, nhà nghiên cứu. Chúng ta đều biết, trên sự thật đời sống, khi điện ảnh ra đời chưa được coi là một bộ môn nghệ thuật và phải mất rất nhiều thời gian sau đó, các nhà làm phim, các nhà nghiên cứu… họ mới tìm được cách để phủ một lớp nghĩa lên trên hai chữ "điện ảnh". Tương tự như vậy, phải mất một quãng đường dài sau đó, chúng ta mới có thể nhìn nhận điện ảnh là một di sản cần phải được lưu trữ, phục chế và bảo tồn cũng như phát huy những giá trị của nó, trong đó có phần liên quan đến giá trị kinh tế" – đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ thêm.

Chia sẻ tại Tọa đàm, TS Trần Hoài - giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, hơn 4 thập kỷ trước, điện ảnh đã được coi là di sản. Bởi từ những năm 1980, UNESCO đã có những động thái bảo tồn, gìn giữ những giá trị, sản phẩm hình ảnh động, trong đó có coi điện ảnh là di sản cần phải giữ gìn. Năm 1992, UNESCO chính thức phát triển chương trình "Ký ức thế giới", đưa ra những khái niệm ký ức và có các tác phẩm điện ảnh được ghi danh tại chương trình đó. Như vậy, thời đó đã có chương trình ghi danh một cách chính thức các giá trị loại hình di sản tư liệu, không chỉ có chữ viết, ghi âm mà còn có những bộ phim. Các giá trị của bộ phim không chỉ ở khía cạnh vật chất mà còn nhấn mạnh về ký ức, giá trị đó nằm ở ký ức của dân tộc, gia đình và ký ức của bản thân bộ phim làm ra nó, đồng thời các bộ phim cũng phản ánh từng thời kỳ biến động xã hội, kinh tế, văn hóa của đất nước. Chính vì thế, tính giá trị ký ức ấy đã thể hiện và nâng cao nội hàm giá trị của di sản điện ảnh.

Điện ảnh là di sản đặc biệt cần được bảo vệ - Ảnh 2.

Không gian tọa đàm

Coi điện ảnh là di sản thì cần phải có trách nhiệm bảo tồn, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân chia sẻ: Việt Nam chúng ta vẫn còn đang rất lúng túng trong việc định vị về điện ảnh và di sản điện ảnh. Di sản là những giá trị vật chất tinh thần, con người, truyền thống của thế hệ trước để lại cho thế hệ sau. Với định nghĩa như vậy, thì đương nhiên điện ảnh chắc chắn là di sản vì nó cũng do các thế hệ trước tạo ra cho thế hệ sau xem. Qua đó, chúng ta có thể thấy, trách nhiệm để bảo quản lưu trữ các bộ phim là trách nhiệm của rất nhiều đơn vị, con người, các hãng phim… chứ không chỉ một đơn vị. Và tôi vẫn hy vọng, với tình yêu dành cho điện ảnh và sự hiểu biết, tận tâm của những nhà quản lý, nhà làm phim, nhà văn hóa cùng với nhiều tổ chức cá nhân, các di sản điện ảnh sẽ được gìn giữ, bảo quản, số hóa tốt nhất. Để các thế hệ khán giả tương lai có cơ hội được thưởng thức và tự hào về lịch sử, văn hóa dân tộc thông qua những bộ phim từ quá khứ.

Di sản điện ảnh là câu chuyện rộng lớn mà các quốc gia trên toàn cầu đều đã - đang và sẽ tiếp tục viết theo nhiều cách khác nhau. Điểm chung của nó là đặt điện ảnh vào vị trí xứng đáng trong dòng chảy lịch sử và coi điện ảnh là di sản văn hóa - là tài sản quý giá không thể thay thế của quốc gia - cần được bảo vệ, phát triển.

Và tại Việt Nam cũng thế, dù du nhập muộn nhưng điện ảnh được nhìn nhận như một di sản văn hóa, vì ở đó chứa đựng những thông tin, tư liệu lịch sử về từng thời đại dân tộc đã đi qua. Tuy nhiên, công việc bảo quản, phục chế, giữ gìn các bộ phim điện ảnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Vì thế, để có thể bảo tồn các bộ phim một cách hiệu quả, không chỉ cần sự nỗ lực của các cơ quan chuyên môn trong các vấn đề về đầu tư, cập nhật công nghệ mới, đào tạo nhân lực…mà còn cần sự chung tay của cả cộng đồng../.

Thương Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ