(Tổ Quốc) - Sáng ngày 26/3, tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) phối hợp với Cơ quan bảo vệ Bản quyền Hàn Quốc (KCOPA) tổ chức Diễn đàn Bản quyền Việt Nam - Hàn Quốc năm 2024.
- 29.02.2024 Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa Việt Nam và Nhật Bản trong bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ
- 06.12.2023 Lần đầu tiên Việt Nam sở hữu trọn vẹn bản quyền phát sóng UEFA Euro
- 05.12.2023 Sở hữu bản quyền EURO 2024: Cuộc đua không khoan nhượng
- 22.11.2023 Sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý về bảo hộ bản quyền để phát triển công nghiệp điện ảnh
- 22.11.2023 Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh
Tham dự diễn đàn có Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng; Trưởng phòng Hợp tác Thương mại văn hóa (Bộ VHTTDL Hàn Quốc) Lee Young Ah; Chủ tịch Cơ quan bảo vệ bản quyền Hàn Quốc Park Jung Youl; cùng đại diện của Cục Bản quyền tác giả Việt Nam, một số cơ quan nhà nước có liên quan; đại diện của Cục Bản quyền tác giả Hàn Quốc, đại diện Cơ quan bảo vệ Bản quyền Hàn Quốc; các tổ chức quản lý tập thể về quyền tác giả, quyền liên quan, các Hiệp hội, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp âm nhạc…
Phát biểu khai mạc, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng cho biết, Diễn đàn bản quyền Việt Nam - Hàn Quốc là một trong những hoạt động thường niên để triển khai Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ VHTTDL Việt Nam và Bộ VHTTDL Hàn Quốc được ký kết năm 2013.
Năm nay, Diễn đàn được tổ chức với Chủ đề "Chính sách bản quyền trên môi trường số và phương án hợp tác giữa hai quốc gia", đặc biệt tập trung vào nội dung bảo hộ quyền tác giả âm nhạc.
Thông tin về đóng góp kinh tế của các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên bản quyền, Cục trưởng Trần Hoàng cho biết, theo số liệu khảo sát của WIPO thì tại các nước phát triển như Hoa Kỳ đóng góp này chiếm khoảng 11,99% GDP, Hàn Quốc là 9,89% GDP; các nước đang phát triển như Trung Quốc đóng góp này chiếm khoảng 7,35% GDP, Malaysia là 5,7% và Thái Lan là 4.48% GDP.
"Những số liệu này cho thấy việc bảo hộ hiệu quả quyền tác giả, quyền liên quan có vai trò quan trọng, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia", ông Trần Hoàng khẳng định.
Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cũng cho biết thêm, tại Việt Nam, qua số liệu ước tính, giá trị tăng thêm của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 ước đạt 5,82%; năm 2019 ước đạt 6,02%; năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của đại dịch nên số liệu có sự sụt giảm chỉ còn khoảng 4,32% và 3,92%; đến năm 2022 các ngành đã bắt đầu phục hồi và giá trị đóng góp có sự tăng trưởng ước đạt 4,04%.
Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD). Trong đó, hoạt động nghệ thuật biểu diễn trong giai đoạn 2018-2022 có sự tăng trưởng, giá trị sản xuất bình quân tăng 5,59%/năm, giá trị gia tăng của lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn bình quân tăng 5,67%/năm.
Việt Nam có tiềm năng phát triển thị trường âm nhạc, có đủ điều kiện và cơ sở vật chất để thực hiện các chương trình biểu diễn âm nhạc lớn, quy mô quốc tế.
Nhấn mạnh tới tinh thần Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam, hướng tới mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam sẽ xây dựng được nền công nghiệp văn hóa phát triển lành mạnh, đủ sức cạnh tranh, đóng góp khoảng 7% GDP của đất nước. Cục trưởng đồng thời cho rằng, kỷ nguyên số và Internet đã và đang cho chúng ta nhiều cơ hội tiếp cận đến tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng vào bất kỳ thời gian, địa điểm nào nhưng cũng đặt ra những thách thức để bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội, trong đó có việc bảo hộ quyền tác giả tác phẩm âm nhạc trên môi trường số, tác động không nhỏ đến ngành công nghiệp âm nhạc của mỗi quốc gia.
Cũng theo Cục trưởng Trần Hoàng, việc khai thác, sử dụng tác phẩm âm nhạc hiện nay, đặc biệt là việc cấp phép sử dụng xuyên biên giới trên không gian mạng đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Nhiều hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc được thực hiện thông qua các hành vi chiếm đoạt, mạo danh tác giả, chủ sở hữu quyền; sao chép, công bố, phân phối tác phẩm, sửa chữa tác phẩm mà không có sự đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu, gây thiệt hại đáng kể cho các chủ thể quyền, đồng thời cũng gây nhiều khó khăn cho các cơ quan quản lý, thực thi trong việc phát hiện và xử lý.
Ông Trần Hoàng cũng bày tỏ, "Tại Diễn đàn này, bên cạnh việc trao đổi thông tin và kinh nghiệm về bảo hộ quyền tác giả giữa Việt Nam và Hàn Quốc, trong đó có vai trò quan trọng của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, các nhà cung cấp dịch vụ trung gian của 2 quốc gia, tôi mong rằng các báo cáo viên và các đại biểu sẽ có những đề xuất giải pháp cụ thể về mặt pháp lý cũng như công nghệ để góp phần thực hiện có hiệu quả các nội dung về quyền tác giả nói chung, quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc nói riêng. Đặc biệt, tôi rất mong nhận được những bài học kinh nghiệm quý báu từ các bạn Hàn Quốc trong việc quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan và phát triển công nghiệp văn hóa nói chung, công nghiệp âm nhạc nói riêng".
Diễn đàn này cũng là một cơ hội tốt để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp của Việt Nam và Hàn Quốc trong ngành công nghiệp âm nhạc trao đổi thông tin, kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong thời gian tới, Cục trưởng nhấn mạnh.
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Cơ quan bảo vệ bản quyền Hàn Quốc Park Jung Youl cho biết, đây là cơ hội quý để các chuyên gia về bản quyền của 2 nước cùng "ngồi lại" với nhau, trao đổi về sự hiểu biết giữa 2 quốc gia. Với Chủ đề diễn đàn lần này "Chính sách bản quyền trên môi trường số và phương án hợp tác", ông Park Jung Youl khẳng định, đây là một thời kỳ cần nhiều sự hợp tác, đặc biệt trong kỷ nguyên AI có rất nhiều vấn đề liên quan đến bản quyền cần bàn. Thời kỳ này cần nhiều hơn nữa những nỗ lực của cả người sáng tạo lẫn người tiêu dùng, đặc biệt là trong những vấn đề về bản quyền tác giả.
Cũng theo ông Park Jung Youl, hiện nay, việc vi phạm bản quyền được phát hiện nhiều trên các nền tảng, nếu chúng ta có thể chia sẻ các kinh nghiệm thì sẽ góp phần nâng cao nhận thức về giá trị của tác quyền của người dân. Ông cho rằng, chúng ta cần tích cực hơn nữa trong việc hợp tác với nhau để bảo vệ những gì chúng ta đang có. Đồng thời tin rằng, "chúng ta sẽ mở ra một thời kỳ mới trong tương lai, cho các mối quan hệ giữa 2 nước tập trung vào phát triển các vấn đề về kỹ thuật, đây là cơ hội rất là tốt", ông Park Jung Youl nhận định.
Trong khuôn khổ Diễn đàn bản quyền Việt Nam - Hàn Quốc 2024: Chính sách bản quyền trên môi trường số và phương án hợp tác giữa hai quốc gia, đại biểu tham dự sẽ được cung cấp thông tin và tham gia trao đổi, bàn thảo về các chính sách và xu hướng bản quyền trên môi trường số, phương án hợp tác giữa hai quốc gia để phát triển bản quyền và công nghiệp văn hóa.
Cụ thể, các nội dung được trao đổi tại diễn đàn ở 2 phần chính gồm: Chính sách bản quyền với trí tuệ nhân tạo AI (Nội dung chính là hướng dẫn về bản quyền-AI do bà Lee Ha Young - Phòng hợp tác Thương mại Văn hóa- Bộ VHTTDL Hàn Quốc), sự phát triển của bản quyền trên môi trường số, chính sách gần đây và xu hướng (ông Phạm Thanh Tùng- Phòng quản lý quyền tác giả, quyền liên quan và hợp tác quốc tế- Cục Bản quyền tác giả, Bộ VHTTDL Việt Nam).
Phần 2, phương án hợp tác song phương để phát triển bản quyền và ngành công nghiệp văn hoá: Tình hình của các tổ chức quản lý tập thể về âm nhạc của Hàn Quốc và phương án mở rộng quản lý (ông Park Soo Ho - Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế Hiệp hội bản quyền âm nhạc Hàn Quốc), Sự phát triển của công nghiệp văn hóa Hàn Quốc và phương án hợp tác giữa các doanh nghiệp nội dung của hai quốc gia (ông Seong Im Gyeong-Trưởng đại diện Văn phòng Kocca tại Việt Nam), Bảo vệ bản quyền tác phẩm âm nhạc trên môi trường số tại Việt Nam (Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), Bản quyền âm nhạc trên môi trường số tại Việt Nam (Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam).