• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Diễn đàn “Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”

Kinh tế 06/12/2024 22:56

(Tổ Quốc) - Ngày 6/12/2024 tại Hà Nội, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật tổ chức Diễn đàn “Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Chủ trì Diễn đàn có Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy; PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương; PGS.TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật; TS. Nguyễn Công Dũng, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Diễn đàn “Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” - Ảnh 1.

Các đại biểu chủ trì Diễn đàn

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Nguyễn Công Dũng, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh, Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII, chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Diễn đàn không chỉ nhằm đánh giá kết quả gần 5 năm thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, mà còn nhằm thúc đẩy nhận thức sâu rộng hơn trong các cấp lãnh đạo, doanh nghiệp và xã hội về sự cần thiết phải phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh minh bạch, đáp ứng các yêu cầu tăng trưởng kinh tế - xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ.

Thị trường năng lượng cạnh tranh không chỉ giúp tối ưu hóa nguồn lực quốc gia mà còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư, phát triển. Việc minh bạch hóa các chính sách và quy định, cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Nhà nước, sẽ là chìa khóa để xây dựng một thị trường năng lượng hiệu quả, bền vững.

Diễn đàn là minh chứng cụ thể cho sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và các cơ quan hữu quan đối với lĩnh vực năng lượng – lĩnh vực có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển bền vững của đất nước.

“Các ý kiến đóng góp tại Diễn đàn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống chính sách, đồng thời thúc đẩy triển khai hiệu quả chiến lược phát triển năng lượng quốc gia,” TS. Nguyễn Công Dũng nhấn mạnh.

Diễn đàn cũng được kỳ vọng với sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia và doanh nghiệp sẽ mang lại nhiều ý tưởng mới, những giải pháp đột phá, góp phần xây dựng một thị trường năng lượng không chỉ bền vững mà còn có khả năng cạnh tranh cao, phù hợp với xu thế quốc tế.

PGS.TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật nhấn mạnh, phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh không chỉ là một yêu cầu kinh tế mà còn là nhiệm vụ chiến lược để bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững quốc gia. Theo PGS.TS Vũ Trọng Lâm, trong gần 5 năm qua, ngành năng lượng Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể.

Thứ nhất, năng lượng tái tạo được quan tâm phát triển, tạo đột phá trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo tồn tài nguyên năng lượng, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường và biến đổi khí hậu trong sản xuất điện. Điều này không chỉ đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á về năng lượng tái tạo mà còn khẳng định vai trò của chúng ta trong công cuộc chuyển đổi năng lượng toàn cầu.

Diễn đàn “Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” - Ảnh 2.

TS. Nguyễn Công Dũng, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn

Thứ hai, ngành năng lượng đang từng bước chuyển đổi sang hoạt động theo cơ chế thị trường cạnh tranh có sự điều tiết của Nhà nước, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, không phân biệt đối xử, thu hút và đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng; đồng thời khai thác và sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước.

Thứ ba, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng đã được đẩy mạnh, giúp Việt Nam thu hút nhiều nguồn vốn và công nghệ hiện đại từ các đối tác quốc tế. Các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn, ứng dụng công nghệ tiên tiến đã mang lại những hiệu quả rõ rệt, góp phần giảm áp lực về an ninh năng lượng và thúc đẩy phát triển bền vững.

Cũng theo PGS.TS Vũ Trọng Lâm, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, thị trường năng lượng của Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Kết cấu hạ tầng ngành năng lượng chưa theo kịp tốc độ phát triển, đặc biệt là hạ tầng truyền tải điện.

Các dự án năng lượng tái tạo phát triển nhanh nhưng hệ thống truyền tải chưa được nâng cấp đồng bộ, dẫn đến tình trạng quá tải ở một số khu vực, gây ra sự lãng phí lớn. Dù có tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo, Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào năng lượng hóa thạch, đặc biệt là nhiệt điện than. Điều này không chỉ làm gia tăng phát thải khí nhà kính mà còn tạo ra áp lực lớn đối với môi trường.

Đặc biệt, thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ, thiếu liên thông giữa các phân ngành, giữa phát điện với truyền tải điện; chính sách giá năng lượng còn bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường, chưa tách bạch với chính sách an sinh xã hội. Một số dự án năng lượng do doanh nghiệp nhà nước đầu tư còn thua lỗ; một số dự án năng lượng đầu tư ra nước ngoài tiềm ẩn nhiều khả năng mất vốn.

Khung pháp lý cho thị trường năng lượng vẫn chưa thực sự đồng bộ. Việc triển khai các chính sách khuyến khích đầu tư còn chậm, nhiều nhà đầu tư e ngại về tính ổn định, khung pháp lý, môi trường kinh doanh năng lượng cạnh tranh.

Thực tiễn cho thấy, nhận thức rõ được khó khăn và thách thức cũng là một cơ hội, để từ đó đưa ra định hướng chiến lược phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh như: Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo đảm giữ vững an ninh, quốc phòng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ của đất nước; cung cấp đầy đủ năng lượng với chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông giữa các phân ngành than, khí và điện lực; bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định…

PGS.TS Vũ Trọng Lâm cho rằng, để giải quyết những thách thức trên, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, bao gồm xây dựng khung pháp lý đồng bộ, khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo, nâng cấp hạ tầng truyền tải điện, và tăng cường hợp tác quốc tế để tiếp cận công nghệ tiên tiến.

Diễn đàn cũng đề xuất các giải pháp cụ thể, giúp ngành năng lượng Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ