• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Diễn viên Chèo vẫn sống được bằng nghề

Giải trí 14/11/2013 18:04

(Toquoc)- Những diễn viên của nghệ thuật truyền thống, trong đó có Chèo Hà Nội vẫn sống được bằng nghề một cách đúng nghĩa.

(Toquoc)- Những diễn viên của nghệ thuật truyền thống, trong đó có Chèo Hà Nội vẫn sống được bằng nghề một cách đúng nghĩa.

Lần đầu tiên sau 30 năm, Nhà hát Chèo Hà Nội mới có một vở diễn đoạt Huy chương vàng trong một Cuộc thi chuyên nghiệp của Chèo - Vở Vương nữ Mê Linh, xóa đi “thành kiến” là Chèo Hà Nội sang trọng nhưng ít “chất Chèo” mà đôi khi đồng nghiệp đoàn bạn vẫn đánh giá. Vương nữ Mê Linh thực sự là một tác phẩm nghệ thuật hoành tráng, đồ sộ cả nội dung thông điệp lẫn hình thức thể hiện, một vở lịch sử vừa đanh thép, hào hùng, bi tráng vừa đậm chất thi ca và đặc biệt được đánh giá rất “Chèo”. Điều đáng nói là vở diễn được thể hiện bởi đa số dàn diễn viên trẻ của Nhà hát. Điều này chứng tỏ, Chèo Hà Nội đang có đội ngũ kế cận vững vàng.

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nữ diễn viên Thảo Quyên- người vào vai Trưng Nhị- vai diễn để lại khá nhiều ấn tượng tốt trong lòng khán giả.

+ Vai diễn Trưng Nhị đem lại Huy chương Bạc cho Thảo Quyên tại Liên hoan Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2013 hẳn không phải là giải thưởng đầu tiên của Thảo Quyên. Nhưng chắc chắn giải thưởng này vẫn có ý nghĩa nào đó bởi Trưng Nhị là một vai diễn hoàn toàn khác với Quyên trước đây?

- Vâng đúng vậy. Với lần đoạt Huy chương Bạc với vai Trưng Nhị thì đây là lần thứ 4 Quyên đoạt giải thưởng rồi. Lần đầu tiên là năm 18 tuổi, khi còn ở Đoàn nghệ thuật Ninh Bình, Quyên đoạt Huy chương Vàng cho vai diễn của vở kịch Em về đâu. Huy chương thứ hai là Huy chương Vàng Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp về về tài hiện đại tại Thái Bình năm 2011 trong vai Vân- Chuyện tình người mất tích. Cuộc thi Tài năng sân khấu trẻ Quyên đoạt giải Ba với vai Xúy Vân giả dại.



Thảo Quyên trong Vương nữ Mê Linh (Ảnh cung cấp)

Nhưng vai diễn Trưng Nhị là vai diễn nhiều băn khoăn nhất, cũng tốn nhiều công sức nhất. Trước đến giờ toàn vào vai công chúa, tiểu thư, mềm mại như Kiều (trong vở Kiều), Mỵ Châu (Hận thành Loa)… Các vai nữ chính, nữ lệch. Lần đầu tiên đóng nữ tướng, cũng là lần đầu tiên phá cách. Được giải thưởng là một niềm vui lớn, một sự động viên để Quyên tiếp tục phấn đấu cho sự nghiệp.

+ Lần đầu tiên vào vai diễn tướng bà, khác hẳn những vai tiểu thư, công chúa, lại là nhân vật lịch sử, có thật, hẳn Quyên phải chịu nhiều áp lực tập luyện?

- Ban đầu được giao vai, Quyên cũng rất băn khoăn. Liệu mình có diễn được ra tướng bà không hay lại vẫn yểu điệu. Khi nhận vai, có tìm hiểu trên mạng, đọc các cuốn tài liệu lịch sử nói về hai Bà. Thấy rằng Việt Nam có nhiều nữ tướng qua các thời kỳ lịch sử, nhưng hai nữ tướng Trưng Trắc, Trưng Nhị là những nhân vật nổi bật, tài giỏi. Chính vì vậy, áp lực khi đóng vai của Quyên cũng rất lớn. Thời gian luyện tập được đạo diễn Thúy Mùi phân tích các động tác, dáng đứng, điệu đi, đài từ…rất kỹ lưỡng. Quyên đặt ra nỗ lực phải hoàn thiện bản thân qua từng đêm diễn. Ví dụ đêm trước tập luyện còn bị nhắc nhở chỗ nào, thì đêm sau phải khắc phục. Diễn xong phải hỏi đạo diễn, bạn diễn xem thế nào, có chỗ nào chưa được, để hoàn thiện dần sau từng đêm.

Trong lịch sử cũng được học, được hiểu về hai Bà, nhưng khi nhập vai, Quyên cũng phải luôn luôn cố gắng tạo thần thái của tướng Bà. Nhất là trong những màn diễn: Lời thề, Tuyên lời thề, Ra trận… Đó là những màn thể hiện được cá tính của hai nữ tướng nhất. Hy vọng, nhờ cách diễn của mình mà nhân vật lịch sử trở nên gần gũi hơn, sống động hơn.

Vai Trưng Trắc có nhiều mảng diễn, có tính kịch, vai dày dặn, bề thế. Còn vai Trưng Nhị chỉ là vai nữ thứ. Nhưng Quyên vẫn vui vì đã để lại ấn tượng trong lòng bạn nghề.

+ Giữa thời sân khấu truyền thống khó khăn, có nhiều lựa chọn cho những nghệ sỹ có thanh, có sắc như Quyên, vì sao chị vẫn chọn sân khấu Chèo?

- Vì niềm đam mê với Chèo. Nhưng trong thời buổi khó khăn của nghệ thuật truyền thống, Quyên lại thấy rất may mắn được làm việc tại Nhà hát Chèo Hà Nội- nơi có những người lãnh đạo tâm huyết, luôn dành cho các nghệ sỹ trẻ có đất diễn, có cơ hội thể hiện mình. Trong thời kỳ khó khăn của xã hội như hiện nay, Chèo cũng khó khăn, Quyên cũng như các nghệ sỹ càng phải cố gắng góp sức mình vào sự giữ gìn và phát triển nghệ thuật Chèo.

+ Như vậy, Quyên khẳng định mình có thể sống được nhờ Chèo?

- Diễn viên của Nhà hát Chèo Hà Nội đều sống được bằng nghề. Đây là điều ai cũng thừa nhận.

Anh em nghệ sỹ Nhà hát Chèo Hà Nội đều biết, đạo diễn, giám đốc NSƯT Thúy Mùi là người hướng tạo và có những chiến thuật, chiến lược tạo nguồn diễn viên rất rõ ràng, rất quan tâm đến thế hệ diễn viên trẻ kế cận. Nhờ đó, Quyên cũng như một số nghệ sỹ, diễn viên trẻ khác có được những cơ hội thể hiện bản thân mình. Bởi vậy, các nghệ sỹ trẻ như Quyên càng tâm huyết với nghề hơn. Niềm vui của chúng tôi là anh chị em đều sống được bằng nghề một cách đúng nghĩa. Từng khó khăn, nhưng lấy ngắn nuôi dài, lấy những chương trình cho thiếu nhi để làm những chương trình lịch sử, những vở Chèo…tiền tỷ như báo chí đưa tin. Vấn đề là vẫn có thu và thu đủ chi. Đó là niềm tin mà chúng tôi sẽ còn phấn đấu theo Chèo.

+ Theo chị, vì sao vở diễn lịch sử Vương nữ Mê Linh được giải cao nhất Liên hoan, trong khi, dàn diễn viên hầu hết đều là diễn viên trẻ?

- Thành công của vở diễn phải nhìn vào tổng thể. Vì sao vở diễn lại được giải Vàng (chỉ ba vở được giải Vàng) tại Liên hoan trong khi dàn diễn viên không mạnh, vở diễn là có sức nặng bởi đề tài lịch sử. Đây là cái tài của người đạo diễn, của hướng đi đúng, đã sáng tạo, đầu tư kỹ lưỡng.

+ Xin cám ơn chị về cuộc trò chuyện!

Hồng Hà (thực hiện)

NỔI BẬT TRANG CHỦ