(Tổ Quốc) - Đông đảo người dân và các nghệ nhân của huyện Minh Hoá (tỉnh Quảng Bình) rất vui mừng khi điệu "Hò thuốc cá" được Bộ VHTT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Người Nguồn ở huyện Minh Hóa – Quảng Bình được biết đến bởi vùng đất khó khăn về kinh tế xã hội. Tuy nhiên ở vùng đất này, người dân luôn lưu giữ được nhiều nét văn hoá truyền thống lâu đời. Đối với Quảng Bình, ở đây là một trong những cái nôi của những câu dân ca, ra đời từ trong lao động, trong cuộc sống sinh hoạt của người dân ở các bản, làng.
Trải qua thời gian, nhiều địa phương trên địa bàn huyện vẫn gìn giữ và trao truyền nhiều thể loại dân ca như hò thuốc, hát đúm, ví, hát nhà trò, hát ru,…đó là kho tàng văn hóa đặc sắc, thể hiện lẽ sống, đạo đức, tình cảm trong sáng thủy chung của con người nơi đây. Trong đó, làn điệu Hò thuốc cá (hò thuốc) được xem là làn điệu dân ca đặc trưng của người Nguồn.
Hò thuốc cá ra đời từ bao giờ, không ai còn nhớ. Hò thuốc cá có liên quan mật thiết đến lao động sản xuất, mang đậm nét riêng của người Nguồn. Hò thuốc cá bắt nguồn từ nghề thuốc cá tập thể khi giã, hoặc đâm nhỏ rễ cây "tèng" rồi chế thành thuốc thả xuống khe, suối để bắt cá.
Cuộc sống của người Nguồn chủ yếu dựa vào săn bắt, phát rừng làm nương rẫy, đánh ong lấy mật. Thịnh hành nhất là nghề thuốc cá, người dân đi thuốc cá tập thể chứ không đi riêng lẻ. Mùa đông và mùa xuân thì họ kéo nhau đi từng đoàn lên rừng bới rễ cây Tèng (loại cây thuộc họ dây leo, rễ thuộc dạng củ, có chứa độc tố). Sau đó, họ mang ra suối, khe, tìm chỗ nào có nhiều cá nhất, rồi chọn một chỗ cao ở đầu suối, khe, lấy đá xếp vòng tròn để tạo thành một cái cối.
Họ giã cho nước rễ cây tèng chảy ra, hòa vào dòng nước, làm cho cá bị mờ mắt mà chết, nổi lên mặt nước để họ có thể bắt cá dễ dàng. Rễ cây Tèng tuy có độc tố nhưng chỉ làm cho riêng một số loài cá bị say, bị chết, nhưng lại vô hại đối với các loài thủy sản khác (như cá lóc, cá chạch, lươn, ốc…), kể cả con người khi ăn cá cũng không hề bị ảnh hưởng gì. Khi cá bị bắt hết, thì độc tố của rễ cây cũng không còn ảnh hưởng gì dòng nước nữa…
Từ việc làm hàng ngày của người dân, họ đã sáng tác ra điều "Hò thuốc cá" và lưu truyền bao đời nay. Điệu hò này được diễn xướng trong các cuộc hội hè, đình đám như lễ hội, đám cưới và cả khi ru con. Phần hò và xô vẫn được diễn xuất như khi hò trong lao động, chỉ khác động tác giã tèng được thay bằng nhịp vỗ tay của mọi người trong cuộc vui.
Ông Nguyễn Bắc Việt, Chủ tịch UBND huyện Minh Hoá khẳng định: Việc điệu "Hò thuốc cá" của huyện Minh Hoá được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia là niềm tự hào của người dân Minh Hoá. Hò thuốc cá là loại hình nghệ thuật truyền thống có từ lâu đời, ra đời và gắn liền với quá trình sản xuất của nhân dân địa phương.
Đây là sản phẩm văn hóa dân gian thể hiện quá trình lao động sáng tạo, bản sắc văn hóa của cư dân vùng đất này. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, Hò thuốc cá vẫn chứng tỏ được sức sống mãnh liệt, vẫn hiện diện trong đời sống tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên, do tác động của nền kinh tế thị thường, do một thời gian chúng ta chưa thực sự coi trọng, chưa đầu tư thỏa đáng cho loại hình nghệ thuật này nên việc trao truyền, tiếp nhận , bảo tồn và phát huy tác dụng trong đời sống ngày càng bị mai một dần.
"Để bảo tồn và phát triển, huyện sẽ có chủ trương tăng cường quảng bá, khai thác giá trị của Hò thuốc cá để phục vụ phát triển du lịch, nâng cao đời sống cộng đồng. Chúng tôi mong muốn rằng, sẽ có nhiều sự hỗ trợ thiết thực và sâu sát để bảo tồn, phát huy giá trị của Hò Thuốc cá Minh Hóa trong thời gian tới", ông Nguyễn Bắc Việt chia sẻ.
"Hiện nay, điệu Hò thuốc cá đã được đưa vào giảng dạy trong tất cả các trường học ở huyện Minh Hóa và nhiều trường học, cấp học trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Nhiều địa phương, cơ quan, trường học ở Quảng Bình đã đưa Hò thuốc cá vào chương trình tổ chức liên hoan, hội thi, hội diễn dân ca"… ông Nguyễn Bắc Việt, Chủ tịch UBND huyện Minh Hoá.