Lần đầu tiên đón Tết Việt trên đất Mỹ, Diệu Hương thú nhận rất nhớ không khí rộn ràng những ngày xuân quê nhà. Bởi lẽ đó mà cả gia đình cô cố gắng để có được những không khí đậm đặc hồn Việt nhất nơi xứ người trong 3 ngày Tết.
Hồi cuối tháng 12/2019, gia đình diễn viên Diệu Hương qua Mỹ định cư. Tuy nhiên, vì không muốn ồn ào nên cô lặng lẽ chuẩn bị mọi thứ. Chỉ khi đã qua Mỹ được 2 ngày cô mới thông báo khi đã ổn định. Cô cũng sợ cảnh chia tay, nên không tâm sự cho nhiều người biết.
Theo nữ diễn viên “Hoa hồng trên ngực trái”, gia đình cô phải mất vài năm để ổn định cuộc sống tại Mỹ. Nếu còn duyên, có thể cô sẽ vẫn quay lại đóng phim vào thời điểm thích hợp.
Bộ phim “Hoa hồng trên ngực trái” là bộ phim cuối cùng Diệu Hương tham gia trước khi sang nước ngoài định cư. Dù biết chắc chắn lịch bay cuối năm và lịch quay phim sát nhau, cô vẫn nhận vai vì mong muốn lưu giữ kỷ niệm đẹp. Cô cảm thấy vui vì vai diễn San được khán giả đón nhận.
Mới đây, nữ diễn viên chia sẻ, cô có cảm giác rất lạ khi nhận được áo dài, giày dép, phong bao lì xì... từ Việt Nam gửi qua đúng vào ngày tiễn ông Công ông Táo về trời. Và mặc dù Mỹ và Việt Nam lệch nhau những 13 tiếng đồng hồ, lại lần đầu tiên đón Tết xa nhà nhưng cô vẫn sắm sửa đủ hương vị quê nhà cho mâm cơm cúng theo tục lệ truyền thống.
“Nhà ở Việt Nam vẫn để đấy, nhờ các cô các chú chuẩn bị cúng lễ. Các cô chiều cháu dâu nên vẫn chọn đúng ý cháu từ cách chọn hoa đến mâm cỗ cúng.
Xe cộ vẫn nguyên đó nhờ các bác bãi xe thỉnh thoảng nổ máy chạy cho vài vòng. Gia đình vẫn đó vẫn hàng ngày thông báo chi tiết như mình ở nhà. Nay bên này mình bắt đầu gói nem. Một câu nói “Đúng đây là vị Tết rồi” mà mẹ con thay nhau nhắc đi nhắc lại. Bao nhiêu tuổi mình vẫn thích tết”, nữ diễn viên gốc Nam Định chia sẻ.
Ngày 28 Tết, khi ở cách xa Việt Nam nửa vòng trái đất, Diệu Hương vẫn tất bật sắm sửa để có chút không khí cho đỡ nhớ nhà.
“Chuyện của mình trong năm, tôi muốn kể hơn bao giờ hết. Kể rằng mình đã sống yêu đời thế nào. 27 Tết, mọi công việc ở nhà đã hoàn tất, những chuyến hàng cuối cùng đã giao đến tay khách hàng đúng lịch hẹn, nhiều món quà nhỏ xinh được gửi trao, những tất bật mùa Tết rồi cũng xong xuôi.
28 tết ở bên này gia đình nhỏ túc tắc mỗi ngày làm một món: bánh chưng, bánh tét, nem chua, giò xào, nem rán, hành muối... thế rồi cũng đủ đầy món tết truyền thống. Ông nội bọn nhỏ cắt một cành đào bên vườn nhà chị về cắm. Hy vọng hoa kịp khoe sắc đúng tiết xuân. Chiều nay mẹ vẫn rộn ràng: “Hương ơi! Con nếm cho mẹ xem vừa chưa để mẹ cho giò vào khuôn. Là Tết đấy!
Trước đó, nhận được áo dài từ Việt Nam gửi sang, nhờ chồng kéo hộ cái khoá áo. Chồng ngắm vợ một hồi rồi lẳng lặng ra mở nhạc xuân, thổn thức nghe tiếng hát của Văn Mai Hương: “Dù có đi bốn phương trời lòng vẫn nhớ về Hà Nội”. Mỗi ngày mỗi ngày, đều đặn những tin nhắn “San ơi! San ơi ở bên đó thế nào, nhớ “Hoa hồng trên ngực trái”, nhớ San” – một thứ mạch ngầm hạnh phúc.
Vậy đó, mỗi ngày trôi qua là những trải nghiệm, chắt chiu từng giọt cảm xúc để cảm nhận một mùa xuân dịu hiền. Mùa xuân đầu tiên. Mùa xuân xa nhà”.