(Tổ Quốc) - Sau khi thực hiện cắt cơn, phục hồi thể chất, người nghiện sẽ bước vào giai đoạn chống tái nghiện bằng phương pháp tâm lý. Đây được xem là giai đoạn quan trong trong việc chống tái nghiện cho những người từng sử dụng ma túy ở nước ta hiện nay.
- 16.10.2017 Thủ đô Hà Nội: Biệt thự chục tỷ biến thành tụ điểm tiêm chích ma túy
- 15.10.2017 Hà Tĩnh: Bắt nóng đối tượng vận chuyển 10kg “đá”, 20.000 viên hồng phiến
- 15.10.2017 Nghệ An: Bắt quả tang 2 đối tượng tàng trữ 20 bánh heroin
- 16.10.2017 Hà Nội: Bất ngờ kiểm tra, 141 bắt quả tang đối tượng ôm hàng đá
- 16.10.2017 Không có tiền, con nghiện liều mình gieo rắc 'cái chết trắng'
Vì sao phải điều trị bằng phương pháp tâm lý?
Theo chuyên gia tâm lý Phan Thị Mai Thương – Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy PSD, quá trình người nghiện sử dụng ma túy trong một thời gian dài, lặp đi lặp lại với nhiều nguyên nhân khác nhau khiến họ lệ thuộc vào ma túy. Một số công trình nghiên cứu khoa học của Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy PSD đã lý giải cơ chế tác động của các chất gây nghiện lên cơ thể con người, khiến họ nghiện và tái nghiện.
Cơ chế nghiện và tái nghiện có thể được hiểu một cách đơn giản như sau: một người bình thường khi chưa sử dụng ma túy, các chức năng trong cơ thể của họ là một hệ thống thống nhất, có khả năng tự điều chỉnh, tự phục hồi, bù trừ lẫn nhau… nhằm đảm bảo cơ thể luôn ở trong trạng thái khỏe mạnh nhất.
Khi họ sử dụng ma túy lặp đi lặp lại sẽ dẫn đến 2 hệ quả: thứ nhất, hệ thống chức năng tự điều chỉnh của con người bị thay đổi và trở thành hệ thống bệnh lý thể hiện rõ khi họ ngưng dung nạp ma túy vào cơ thể thì hội chứng cai xuất hiện như: ăn không ngon miệng, mất ngủ, cơ thể mệt mỏi, vật vã…, khi này, cơ thể họ phụ thuộc vào ma túy, chỉ có ma túy mới có thể đem lại những cảm giác thoải mái và có vẻ khỏe khoắn mà họ mong muốn; thứ 2, ảnh hưởng đến quá trình vận hành tâm lý – thần kinh khiến tâm lý người sử dụng ma túy dần trở nên bất ổn, dễ kích động, những triệu chứng rối loạn tâm thần đồng diễn xuất hiện: trầm cảm, hoang tưởng, ảo giác…
Bên cạnh đó, quá trình sử dụng ma túy và những cảm giác thoải mái mà nó mang lại cùng những yếu tố liên quan như: nơi sử dụng ma túy, người bạn sử dụng cùng, chất ma túy sử dụng… tự động được ghi nhớ vào não bộ. Mối liên hệ liên quan đến 2 trung khu hưng phấn trên não bộ mà ở đây gọi là đường liên hệ thần kinh tạm thời liên quan đến ma túy được thiết lập. Điều này cũng lý giải cho việc, tại sao có một vài người, đã ngừng sử dụng ma túy 2 năm, 5 năm thậm chí là 10 năm, khi vô tình đi qua nơi ngày xưa anh ta sử dụng hoặc vô tình ngửi thấy mùi thuốc na ná như mùi chất gây nghiện ngày trước, thì ham muốn sử dụng ma túy lại bị kích hoạt, quay trở lại hành vi tìm và sử dụng ma túy.
Khi người nghiện tham gia quá trình cắt cơn, họ mới chỉ giải quyết được sự lệ thuộc về mặt thể chất và vẫn còn sự lệ thuộc về tâm lý – trí nhớ chưa được giải quyết. Cho nên, người sử dụng ma túy có thể ngừng sử dụng ma túy trên 2 năm, 5 năm, họ cũng mới chỉ đơn thuần là kéo dài thời gian cắt cơn để ngừng sử dụng ma túy. Quy trình trị liệu tâm lý, với mục đích tác động trực tiếp đến những cơ chế gây nghiện, cơ chế gây tái nghiện và trang bị củng cố cho người nghiện những kỹ năng để họ có thể chủ động đối phó với những cơn thèm nhớ ma túy nảy sinh khi bị kích hoạt bởi các nhóm nguyên nhân liên quan đến việc kích hoạt những ham muốn sử dụng ma túy.
Quá trình điều trị tâm lý diễn ra như thế nào?
Chuyên gia tâm lý Mai Thương cũng chia sẻ, Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy PSD đang ứng dụng phương pháp trị liệu tâm lý chống tái sử dụng ma túy ở người nghiện, phương pháp trị liệu này bao gồm 4 bước:
Bước 1: Tư vấn và tiếp nhận tại Viện. Đến đây, học viên sẽ được các chuyên viên tư vấn ban đầu để hoàn thiện hồ sơ cá nhân gồm các thông tin cơ bản, bối cảnh gia đình, quá trình sử dụng ma túy, lý do tái nghiện, loại ma túy sử dụng, mong muốn của bản thân, động cơ cũng như quyết tâm cai nghiện…
Ảnh minh họa: baohagiang.vn |
Bước 2: Hỗ trợ phục hồi thể chất tại Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ tâm lý cho người nghiện ma túy – Nẻo về. Tại trung tâm, học viên sẽ được các chuyên gia chăm sóc sức khỏe kiểm tra, đánh giá tình trạng sức khỏe... Sau đó, chuyên viên lên phác đồ hỗ trợ y tế cho học viên trong quá trình không sử dụng ma túy, tiến hành điều trị hoặc chuyển gửi nếu học viên có gặp những rối loạn đồng diễn như: tâm thần phân liệt, trầm cảm… Thời gian cho quá trình phục hồi thể chất kéo dài từ 20 ngày đến 2-3 tháng, phụ thuộc tình hình sử dụng chất gây nghiện của học viên, phụ thuộc vào loại ma túy, liều lượng sử dụng ma túy cũng như thể trạng của từng người.
Bước 3: Hỗ trợ, phục hồi tâm lý chống tái nghiện ma túy tại Viện PSD. Quy trình này được thực hiện qua ba liệu trình chính: loại bỏ các ham muốn ma túy từ tác nhân kích thích bên ngoài; loại bỏ các ham muốn ma túy từ tác nhân kích thích bên trong; loại bỏ tác nhân kích thích ham muốn sử dụng ma túy đến từ những tình huống nguy cơ. Học viên được bổ sung nâng cao kỹ năng tự nhận thức về bản thân, kỹ năng giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, kỹ năng quan sát, lắng nghe…
Bước 4: Giai đoạn đồng hành, giới thiệu việc làm và hỗ trợ phục hồi các chức năng xã hội. Đây là giai đoạn mang tính quyết định trong quá trình chống tái nghiện bền vững. Giai đoạn này, học viên tiếp tục nhận được hỗ trợ của Viện thông qua hình thức tham gia sinh hoạt câu lạc bộ những người cai nghiện thành công. Các học viên tham gia sinh hoạt sẽ được chia sẻ, tư vấn tâm lý về những vấn đề phát sinh trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng, được tư vấn và giới thiệu việc làm cũng như các chương trình đào tạo nghề…
Hiện nay, rất nhiều người đã thành công trong việc kiểm soát cơ thể và tâm lý cân bằng, không xuất hiện căng thẳng khi tiếp xúc với những tác nhân kích thích ham muốn sử dụng ma túy, chống tái nghiện có hiệu quả… bằng phương pháp này./.
Ngọc Ánh