• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Định giá đất trong CPH: Không có chuyện đúng quy trình nhưng lại “quân xanh, quân đỏ”

Kinh tế 26/11/2018 08:21

(Tổ Quốc) - Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng: Không có chuyện đúng quy trình nhưng lại “quân xanh, quân đỏ”. Nếu có tình trạng “quân xanh, quân đỏ” trong định giá đất của doanh nghiệp Nhà nước sau CPH thì chắc chắn là mập mờ thông tin.

Định giá đất trong CPH: Không có chuyện đúng quy trình nhưng lại “quân xanh, quân đỏ”   - Ảnh 1.

Ông Đặng Quyết Tiến: Không có chuyện đúng quy trình nhưng lại "quân xanh, quân đỏ" (Nguồn: Vietnam+)

-Định giá đất đai trong cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đang là vấn đề khá "đau đầu", làm thế nào để định giá sát với giá trị thực thưa ông?

+ Trong quy định của Chính phủ, chúng ta phải sắp xếp lại phương án sử dụng đất, trong đó các DNNN hơn ai hết phải chủ động. Điều này Thủ tướng đã chỉ đạo từ rất lâu rồi, căn cứ theo QĐ 80 trước đây và QĐ 09 nhằm đảm bảo việc sử dụng đất.

Trong định hướng của TƯ khóa 12 cũng như Nghị định 126, Nghị định 32 cũng quy định rõ việc DNNN phải sắp xếp lại đất đai.

Khi CPH, với phương án sắp xếp đã được DN lập và có ý kiến từ các cơ quan chức năng thì DN phải gửi lại cho UBND các tỉnh, thành phố để UBND rà soát lại mảnh đất và giá đất tại thời điểm CPH xem đã phù hợp với giá thành phố công bố chưa? Đặc biệt, đối với đất thuê, đất sử dụng thì phải xác định phù hợp với giá thị trường mà thành phố công bố. Đây là định giá cụ thể. Ngoài ra, với các trường hợp những mảnh đất nào được tiếp tục sử dụng cho công ty cổ phần thì lúc đó doanh nghiệp mới đủ cơ sở để làm cơ sở xác định giá trị doanh nghiệp...

Đây cũng là giải pháp để các công ty tư vấn xác định rõ đất đai của doanh nghiệp được sử dụng thế nào. Trong CPH còn có quy định tiếp là sau khi DNNN chuyển sang công ty cổ phần thì nếu đất đai không sử dụng đúng mục đích, đúng phương án được duyệt trong CPH thì Nhà nước, chính quyền địa phương sẽ có trách nhiệm thu lại để sử dụng theo đúng quy định đất đai. Chính vì vậy, từ khâu chuẩn bị CPH đến khâu sau đó đều được quy định rất chặt chẽ.

Cái vướng ở đây là ở chỗ các DNNN đã CPH trước Nghị quyết 12, trước Nghị định 126. Bây giờ chúng ta đang phải sắp xếp lại.

Theo quy định, các doanh nghiệp sau CPH mà chưa xác định được đất đai thì phải tiến hành sắp xếp lại theo đúng quy định của Luật quản lý tài sản công và Nghị định 167.

Các doanh nghiệp khi sắp xếp lại cũng được rà soát kỹ, chặt chẽ với mục đích sử dụng đất để làm gì? Nếu mục đích đang từ nhà xưởng chuyển sang làm nhà ở, cao ốc thì "anh" phải tiến hành định giá lại, đấu giá lại trả tiền chuyển đổi giá trị mục đích sử dụng đất theo đúng thị trường.

Ví như với trường hợp Tổng Công ty Lương thực miền Nam, hiện Thành phố HCM đang sắp xếp lại, mảnh nào mà không phù hợp với mục tiêu sử dụng của Tổng Công ty Lương thực miền Nam sau CPH thì sẽ thu hồi lại để đấu giá. Tiền đấu giá này sẽ nộp vào ngân sách.

-Quy định là thế nhưng tại sao vẫn có sự nhập nhằng, thưa ông?

+ Nhập nhằng ở đây chúng ta phải nói về trách nhiệm của những người quản lý đất đai ở các địa phương trong việc thực hiện theo đúng Luật Đất đai 2003 đã quy định, Luật Đất đai 2013 lại quy định một lần nữa trách nhiệm công bố, xác định sử dụng đất quy hoạch của các DNNN và các DNNN trên địa bàn phải làm. Nếu không làm thì địa phương phải có ý kiến. Mà địa phương không làm thì doanh nghiệp sẽ lợi dụng.

Tôi cho rằng, việc xác định giá trị đất đai là cần phải làm. Chậm tiến độ CPH nhưng làm tốt hơn, chất lượng tốt hơn và tránh để thất thoát, bỏ sót tài sản. Đây là việc mà hiện nay, Đảng, Nhà nước, các bộ ngành... quyết tâm làm.

-Có trường hợp xác định giá trị mảnh đất đúng quy trình nhưng lại "quân xanh, quân đỏ" đấu giá nhập nhằng, từ đó dẫn tới việc giá trị mảnh đất không sát với giá thị trường. Quan điểm của ông về những trường hợp này như thế nào?

+ Không thể nào đúng quy trình mà lại xảy ra vấn đề đó. Đúng quy trình nghĩa là phải công khai minh bạch thông tin. Nếu công khai rộng rãi thì  quân xanh, quân đỏ có, nhưng các nhà đầu tư khác họ thấy đúng bản chất thì sẽ vào mua. Mập mờ thông tin thì mới làm được quân xanh, quân đỏ.

Như trường hợp Tổng Công ty bia rượu nước giải khát Sài gòn (Sabeco), nếu chúng ta minh bạch hết, rõ ràng hết thì mới được giá cao như thế. Có rất nhiều nhà đầu tư châu Âu, Đông Bắc Á họ đều muốn đầu tư và ai trả giá cao thì chúng ta bán. Vấn đề là phải công khai, minh bạch và giám sát chặt chẽ, có cả cơ quan an ninh, cơ quan kiểm toán giám sát cùng, hồ sơ đất đai chính quyền địa phương đứng ra làm... thì không có chuyện quân xanh, quân đỏ.

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ