• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thủ tướng: “Tâm lý sợ mất vị trí, vai trò sau cổ phần hoá, thoái vốn và tư tưởng yên vị đã, đang kìm hãm tiến độ đổi mới”

Kinh tế 21/11/2018 13:32

(Tổ Quốc) - “Còn tư tưởng e ngại, nhận thức chưa thông trong vấn đề đổi mới khi cổ phần hóa, thoái vốn, vẫn "bình mới, rượu cũ"; tâm lý sợ mất vị trí, vai trò sau cổ phần hoá, thoái vốn; tư tưởng yên vị đã và đang kìm hãm tiến độ đổi mới; lợi ích nhóm, tham nhũng trong cổ phần hóa, thoái vốn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng: “Tâm lý sợ mất vị trí, vai trò sau cổ phần hoá, thoái vốn và tư tưởng yên vị đã, đang kìm hãm tiến độ đổi mới”  - Ảnh 1.

Thủ tướng: "Tâm lý sợ mất vị trí, vai trò sau cổ phần hoá, thoái vốn và tư tưởng yên vị đã, đang kìm hãm tiến độ đổi mới". Ảnh: Hà Giang

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị về đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Thủ tướng cho rằng, sau hơn 20 năm đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, đặc biệt là từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, khóa IX về "Tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN", nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty, DNNN, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Theo người đứng đầu Chính phủ, DNNN là công cụ quan trọng thực hiện có hiệu quả các chính sách ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đối phó với những biến động thị trường, bảo đảm nguồn thu lớn cho NSNN; góp phần quan trọng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng KTXH và thực hiện các nhiệm vụ an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh.

Cơ cấu lại DNNN được đẩy mạnh, số lượng được thu gọn hơn (từ trên 12 nghìn xuống còn dưới 600 DN), tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt. Cơ chế hoạt động đổi mới theo hướng tự chủ kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch hơn. Hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh được nâng lên.

Tuy nhiên, hiệu quả SXKD và đóng góp của nhiều DNNN còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực; còn nợ xấu, thua lỗ, thất thoát lớn. Cơ chế quản trị chậm được đổi mới, kém hiệu quả, chưa phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế; tính công khai, minh bạch còn hạn chế. Việc cơ cấu lại, CPH, thoái vốn chậm, còn khó khăn, vướng mắc, nhất là thể chế định giá đất đai, tài sản. Công tác cán bộ, chính sách tiền lương; cơ chế quản lý, giám sát còn nhiều bất cập...

Thủ tướng cho hay, những hạn chế, yếu kém này do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Đó là kỷ cương, kỷ luật trong thực thi chính sách, pháp luật chưa nghiêm.

"Nhiều cấp, nhiều ngành còn chưa tích cực, chủ động triển khai nhiệm vụ. Còn tình trạng lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cơ cấu lại, CPH, thoái vốn, gây bức xúc dư luận. Trong đó, tôi đặc biệt nhấn mạnh về: kỷ luật chấp hành chỉ đạo của cấp trên, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa được thực hiện nghiêm; còn tư tưởng e ngại, nhận thức chưa thông trong vấn đề đổi mới khi cổ phần hóa, thoái vốn, vẫn "bình mới, rượu cũ"; tâm lý sợ mất vị trí, vai trò sau cổ phần hoá, thoái vốn; tư tưởng yên vị đã và đang kìm hãm tiến độ đổi mới; lợi ích nhóm, tham nhũng trong cổ phần hóa, thoái vốn.

Tôi yêu cầu từng Bộ ngành, địa phương, từng tập đoàn, tổng công ty, DNNN và người đứng đầu cần nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc để làm quyết liệt hơn, hiệu quả hơn nhiệm vụ này trong thời gian tới", Thủ tướng nhắc nhở.

Về mục tiêu, yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, cần phải tập trung đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và khả năng chống chịu của nền kinh tế. Nếu không thì chúng ta sẽ tụt hậu so với thế giới, khu vực, rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

"Chúng ta phải tận dụng tốt cơ hội của CMCN 4.0; vượt qua và biến khó khăn, thách thức thành cơ hội để vươn lên, thu hẹp khoảng cách phát triển. Do đó, nhiệm vụ đặt ra đối với các ngành, các cấp, cộng đồng DN, đặc biệt là hệ thống DNNN là rất nặng nề", Thủ tướng nói.

Thủ tướng: “Tâm lý sợ mất vị trí, vai trò sau cổ phần hoá, thoái vốn và tư tưởng yên vị đã, đang kìm hãm tiến độ đổi mới”  - Ảnh 3.

Thủ tướng cho rằng, cần phải nâng cao tính cạnh tranh cần thiết trong quá trình đổi mới. Ví dụ về doanh nghiệp tư nhân, Thủ tướng cho rằng, Vinfast vừa sản xuất xe hơi - Thể hiện tính đổi mới sáng tạo rất cao.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu Nghị quyết số 12-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã đề ra mục tiêu cụ thể của đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trong đó mục tiêu tổng quát là: Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế, nhằm huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp để DNNN giữ vững vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội".

Cùng với đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2020 là phải cơ cấu lại, đổi mới DNNN trên cơ sở các tiêu chí phân loại DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc các ngành, lĩnh vực. Bên cạnh đó, phải phấn đấu hoàn thành thoái vốn tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ, tham gia góp vốn. Tập trung xử lý dứt điểm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các dự án, công trình đầu tư của DNNN kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài. Phấn đấu đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp; nâng cao một bước quan trọng hiệu quả sản xuất kinh doanh, chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh của DNNN.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Thủ tướng nhấn mạnh, các yêu cầu cụ thể đặt ra đối với các cấp, các ngành, tập đoàn, tổng công ty, DNNN là phải nghiêm túc quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN theo Nghị quyết số 12-NQ/TW, Nghị quyết số 60/2018/QH14 và các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bảo đảm thực hiện cơ cấu lại, CPH, thoái vốn theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, không làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

Bên cạnh đó, phải hoàn thành việc xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành Quyết định phê duyệt phương án cơ cấu lại các DNNN trực thuộc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 707/QĐ-TTg làm cơ sở để các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện.

"Đẩy nhanh công tác cổ phần hóa, phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra. Đối với các doanh nghiệp có khả năng không hoàn thành kế hoạch do lý do khách quan, cần kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ các khó khăn, vướng mắc để xem xét, giải quyết. Đẩy nhanh lộ trình, thời gian cụ thể để triển khai việc thoái vốn tại doanh nghiệp... Rà soát, điều chỉnh lại danh sách các đơn vị thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2018-2020, đảm bảo khả năng thực hiện. Rà soát các đơn vị thoái vốn chưa thực hiện được trong giai đoạn 2016-2018 để chuyển giao sang SCIC để thực hiện thoái vốn trong giai đoạn 2019-2020", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng yêu cầu Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại DN khẩn trương ổn định cơ cấu tổ chức, bộ máy, thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty được chuyển giao. Đối với các DN còn lại thuộc diện bàn giao về SCIC (thuộc UB quản lý vốn), thực hiện nghiêm việc chuyển giao theo quy định…

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ