(Tổ Quốc) - Vụ việc thỉnh vong, giải oan gia trái chủ thu lượng tiền lớn gây xôn xao dư luận tuần qua. Tuy nhiên, với những nhà nghiên cứu, họ không ngạc nhiên.
Rối loạn nhận thức
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam chia sẻ rằng, ông không ngạc nhiên khi báo chí thông tin về câu chuyện chùa Ba Vàng. Ông nói: "Sự việc không xảy ra ở chùa Ba Vàng thì nó sẽ xảy ra ở nơi khác. Đây chỉ là hệ quả biến tướng của rất nhiều việc thôi. Trước đây chúng ta đã thấy việc "dâng sao giải hạn" diễn ra ở nhiều chùa rồi. Chuyện ở chùa Ba Vàng chỉ là chuyển hình thức "dâng sao giải hạn" sang hình thức mê tín dị đoan khác. Chuyện "dâng sao giải hạn" hay chuyện ở chùa Ba Vàng đang cho thấy bản chất sự thay đổi của tôn giáo, cụ thể ở đây là Phật giáo. Nó thể hiện một nhu cầu hoặc rối loạn nhận thức của người dân trong những vấn đề liên quan đến xã hội, đến văn hóa".
Trục lợi từ tín ngưỡng ở chùa Ba Vàng (laodong.com)
Sự việc được phát hiện ở chùa Ba Vàng, nhiều người đã tin, cúng dường rất nhiều tiền vào chùa để giải oan gia trái chủ. Thậm chí, có những người, một lần giải oan gia trái chủ cả tỉ đồng. Cúng vong, giải oan gia trái chủ, họ mong muốn sẽ vô bệnh vô tật, sẽ làm ăn phát đạt. Mong muốn thì đúng nhưng thực hiện lại sai.
Lý giải về niềm tin mù quáng đang tồn tại trong xã hội, ông Bùi Hoài Sơn cho rằng: "Trong bối cảnh hiện nay, nhiều khi người ta thiếu niềm tin. Cảm thấy bất an. Khi bệnh tật ngày một nhiều, khi làm ăn khó khăn…họ không nghĩ đến những điều tác động, đem đến những việc đó. Mà họ đi tìm một niềm tin khác mà tôn giáo hay tín ngưỡng có thể cung cấp cho người ta niềm tin đó. Người ta tìm đến sự cứu rỗi của tôn giáo, tín ngưỡng. Các tôn giáo, tín ngưỡng trong thời gian vừa qua phát triển mạnh lên, đặc biệt là Phật giáo hay các tín ngưỡng dân gian khác. Mặt tích cực là cho người ta niềm tin, việc này giúp cho một bộ phận người dân sống tốt hơn".
Đồng quan điểm này, PGS.TS Chu Văn Tuấn- Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo cho biết: "Người dân Việt Nam có niềm tin rất lớn đối với Phật giáo, việc thực hành các nghi lễ Phật giáo là một nhu cầu và mang lại ý nghĩa quan trọng đối với họ".
Nhưng niềm tin tôn giáo không đồng nghĩa với niềm tin mù quáng. Đạo Phật hay bất cứ tôn giáo nào, cũng hướng con người tới việc sống thiện, sống đúng pháp luật. Do vậy, rất cần hướng dẫn người dân có niềm tin và thực hành theo đúng giáo lý của các tôn giáo. Đây là trách nhiệm của các nhà tu, các vị chức sắc trong các tôn giáo.
Bản chất của Phật giáo là vô thần, từ bi và thoát tục. Khi người ta đi theo Phật giáo thì sẽ chịu ảnh hưởng những giá trị tốt đẹp của Phật giáo, làm con người ta sống tốt hơn, lương thiện hơn. Ở các cộng đồng tôn giáo ở bất cứ đâu, bao giờ người ta cũng làm được những việc tốt, việc thiện.
Nhưng cũng có mặt chưa tích cực. Không phải tất cả nhưng thường khi người ta tìm đến niềm tin tôn giáo nghĩa là người ta bị bế tắc trong cuộc sống. Niềm tin tôn giáo của dân chúng lại được tiếp sức bởi những người đề cao lợi ích của tôn giáo, đặc biệt là lợi ích kinh tế. Họ lợi dụng niềm tin tôn giáo để làm ăn kinh tế. Chính nó đã làm tôn giáo, tín ngưỡng bị méo mó. Hiện nay, vấn đề này tương đối trầm trọng. Những người lợi dụng tôn giáo đã biến niềm tin tự thân mỗi người trở thành một nhu cầu "khách quan".
Đáng ngại là, một bộ phận không nhỏ người dân, đã bị dẫn dắt bởi những kẻ lợi dụng tôn giáo để trục lợi.
Ông Bùi Hoài Sơn
Tổ chức mô hình mối quan hệ giữa chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo
Theo PGS - TS Chu Văn Tuấn, sau những vụ việc xảy ra tại chùa Ba Vàng, cần có những biện pháp hạn chế, cũng như ngăn chặn những hoạt động không đúng với nghi lễ Phật giáo. "Cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo", PGS - TS Chu Văn Tuấn nhấn mạnh.
Ông Tuấn cho rằng: "Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhất là Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố, cũng cần tăng cường các hoạt động quản lý, giám sát với các cơ sở Phật giáo, kịp thời phát hiện những hoạt động không đúng với giáo lý Phật giáo và chủ trương của giáo hội để chấn chỉnh".
Cùng với đó, ông Tuấn cũng cho rằng, cần nghiên cứu xây dựng, tổ chức mô hình mối quan hệ giữa chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo, khu dân cư với các ngôi chùa.
Bên cạnh đó, mỗi người dân cần tránh niềm tin mù quáng. "Nên thực hành theo sự chỉ dạy của các bậc tu hành có trách nhiệm, không tu tập theo hướng dẫn của những người không có thẩm quyền (chẳng hạn như bà Phạm Thị Yến ở chùa Ba Vàng), cũng không nên tu tập theo những hướng dẫn trên mạng mà chưa được kiểm chứng rõ ràng"- PGS. TS Chu Văn Tuấn cho hay./.