• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Doanh nghiệp du lịch Việt Nam sẵn sàng đón khách Trung Quốc trở lại

Du lịch 10/03/2023 20:15

(Tổ Quốc) - Việc Trung Quốc đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn từ 15/3 là tín hiệu đáng mừng cho ngành du lịch khi các địa phương, công ty lữ hành đều đã có sự chuẩn bị từ rất lâu và sẵn sàng để đón khách Trung Quốc quay trở lại sau Covid-19.

Chính phủ Trung Quốc vừa quyết định đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn đợt II (từ 15/3/2023). Trong đó, Việt Nam sẽ là một trong số quốc gia được ưu tiên xem xét các chuyến bay thẳng, bỏ yêu cầu cung cấp kết quả xét nghiệm PCR trước 48 giờ, du khách nhập cảnh chỉ cần cung cấp kết quả xét nghiệm nhanh hoặc tổ chức xét nghiệm xác suất 2%.

Tín hiệu đáng mừng cho ngành du lịch

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc, bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp thị - Truyền thông Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist cho rằng, việc Trung Quốc mở cửa cho tour khách đoàn vào Việt Nam là một tín hiệu đáng mừng cho ngành du lịch vì Trung Quốc là nguồn khách lớn của cả thế giới chứ không chỉ riêng gì Việt Nam.

Theo bà Thanh Trà, hầu hết các doanh nghiệp đã sẵn sàng, có chuẩn bị "từ rất lâu" với đủ phương án đón và phục vụ các đoàn khách của Trung Quốc.

Khai thác cân đối nguồn khách du lịch quốc tế từ các thị trường để phát triển ổn định, lâu dài - Ảnh 1.

Đoàn du khách Trung Quốc đầu tiên đến Nha Trang sau gần 3 năm vắng bóng vì dịch Covid-19 được đón tiếp nồng hậu - Ảnh: Báo Khánh Hòa

Đồng quan điểm, ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Công ty du lịch lữ hành Vietluxtour cho rằng, đây là một tín hiệu tốt với các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam nói chung và doanh nghiệp có thế mạnh khai thác thị trường khách Trung Quốc nói riêng.

Trung Quốc là thị trường hướng ngoại (outbound) lớn nhất thế giới, ngoài ra, chi tiêu cho du lịch của khách Trung Quốc cũng ở mức cao. Vì thế, đây luôn là thị trường nguồn quan trọng đối với mọi quốc gia điểm đến, trong đó có Việt Nam.

Theo ông Trần Thế Dũng, khi khách đoàn Trung Quốc sang Việt Nam, hoạt động du lịch, lữ hành cùng các dịch vụ khác như khách sạn, nhà hàng, bán đồ lưu niệm, vận tải...chắc chắn sẽ khởi sắc. Chưa kể doanh thu vé máy bay, lệ phí sân bay, bán hàng cho khách du lịch Trung Quốc, đặc biệt là các mặt hàng nông sản của Việt Nam cũng sẽ có cơ hội phát triển. Hiện do lượng du khách quốc tế vào Việt Nam vẫn hạn chế nên những ngành nghề này còn khá trầm lắng.

Còn theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Việt Nam đã có sự chuẩn bị để đón khách Trung Quốc, nhất là khi mở cửa từ 8/1/2023. Trong thời gian qua, các điểm du lịch đã mở lại và đáp ứng được luồng khách Trung Quốc trở lại. Năm 2019, Đà Nẵng đón 900.000 lượt khách Trung Quốc, năm nay dự kiến đón khoảng từ 200.000 đến 300.000 khách.

Quảng bá mạnh, xây dựng sản phẩm mới phù hợp với khách Trung Quốc sau dịch

Mặc dù thị trường Trung Quốc đang mở ra nhiều cơ hội lớn cho du lịch Việt Nam nhưng theo các chuyên gia, Việt Nam cũng đang chịu sự cạnh tranh rất lớn từ các thị trường đã mở cửa và đón khách Trung Quốc trước Việt Nam 1 tháng, như: Thái Lan, Malaysia, Singapore…Việc Việt Nam được đưa vào thí điểm đợt hai, chậm hơn các nước, sẽ vấp phải cạnh tranh gay gắt ngay trong khu vực. Đây cũng là thách thức lớn với du lịch Việt Nam trong việc cạnh tranh để thu hút khách.

Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các địa phương có lợi thế đón khách Trung Quốc cũng như doanh nghiệp lữ hành sớm có sự liên kết tạo dựng sản phẩm, loại bỏ những sản phẩm kém chất lượng như tour 0 đồng, tour shopping mua hàng kém chất lượng… từng tồn tại trước đây. 

Đồng thời, các đơn vị kết hợp quảng bá và xây dựng sản phẩm mới phù hợp với khách Trung Quốc sau dịch, bởi xu hướng du lịch của khách có thể đã thay đổi. Bên cạnh đó, các địa phương, doanh nghiệp cần nâng cấp, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với khách Trung Quốc.

Khai thác cân đối nguồn khách du lịch quốc tế từ các thị trường để phát triển ổn định, lâu dài - Ảnh 2.

Đoàn khách Trung Quốc được chào đón bằng tiết mục múa lân sôi động - Ảnh: Báo Khánh Hòa

Còn theo bà Đoàn Thị Thanh Trà, cần phải lựa chọn đoàn khách phù hợp với khả năng, tiêu chí kinh doanh của mình để phục vụ khách tốt nhất, nhằm nâng cao uy tín của doanh nghiệp nói riêng và uy tín của ngành du lịch Việt Nam nói chung.

"Như doanh nghiệp chúng tôi sẽ chỉ đón khách đi đường biển, tàu biển 5 sao vào Việt Nam. Việc chuẩn bị cho các nguồn khách của doanh nghiệp đã sẵn sàng và sẽ ký kết khi du khách có nhu cầu và chờ đến thời điểm hai bên thống nhất về quan hệ ngoại giao", bà Thanh Trà cho biết.

Giám đốc Tiếp thị - Truyền thông Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist cũng cho rằng, khi khai thác nguồn khách du lịch từ Trung Quốc cũng cần đảm bảo hài hòa các yếu tố, vừa có lợi cho ngành du lịch, cho phát triển kinh tế nhưng cũng không để ảnh hưởng đến các vấn đề chung khác như kiểm soát dịch bệnh.

Ngoài ra, theo ông Trần Thế Dũng, bản thân doanh nghiệp cũng cần có chiến lược khai thác cân đối nguồn khách quốc tế từ các thị trường khác nhau, tránh phụ thuộc vào chỉ một, hai thị trường sẽ gây nên sự thụ động, mất cân đối và dễ chịu ảnh hưởng nếu thị trường đó có biến động./.

Đăng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ