(Tổ Quốc) - Có thể nói, hầu hết chuyên gia, nhà quản lý, đặc biệt là các hãng sữa…đều đồng tình với việc thay đổi khái niệm về sữa lần này, dù không hẳn là dễ dàng, đặc biệt là các nhà sản xuất sữa dạng lỏng từ sữa bột.
Theo nguồn tin riêng của báo Điện tử Tổ Quốc, ngày 4/7, Bộ Y tế đã chính thức ký ban hành Quy chuẩn mới về việc thay đổi khái niệm “sữa tiệt trùng” bằng “sữa hoàn nguyên” và “sữa hỗn hợp” nhằm đem lại sự minh bạch cho thị trường sữa. Với sự thay đổi này, Bộ cũng quy định thời gian để doanh nghiệp chuẩn bị cho việc chuyển đổi.
Ảnh minh hoạ: Minh Khánh |
Trên thực tế, trong tiêu chuẩn của Uỷ ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế, đối với sữa dạng lỏng (Codex 206 – 1999) cũng không sử dụng khái niệm “sữa tiệt trùng” mà sử dụng hai khái niệm, gồm: “sữa hoàn nguyên” và “sữa pha lại”. Trong khi đó, tại Việt Nam, việc sử dụng khái niệm “sữa tiệt trùng” đã gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, bất lợi cho doanh nghiệp sản xuất sữa dạng lỏng từ sữa tươi (vì giá nguyên liệu sữa tươi cao hơn sữa bột).
Chia sẻ quan điểm về sự thay đổi này với Báo Điện tử Tổ Quốc, đại diện Công ty Sữa Việt Nam Vinamilk cho rằng, từ trước đến nay, doanh nghiệp này luôn thực hiện theo các quy định của Bộ Y tế. Lần này, Bộ Y tế đổi khái niệm “sữa tiệt trùng”, Vinamilk cũng sẽ thực hiện theo.
“Trên bao bì, chúng tôi cũng sẽ in đúng theo quy định của Bộ Y tế”, đại diện doanh nghiệp này cho biết.
Trước đó, ngày 13/4/2016, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã tổ chức cuộc Hội thảo lấy ý kiến về việc sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng QCVN 5-1:2010/BYT.
Tại Hội thảo này, bà Thái Hương- Chủ tịch Tập đoàn TH cho rằng, không thể nhập nhèm mãi khái niệm sữa được nữa mà phải gọi cho đúng.
Theo bà Hương, sữa tươi nguyên chất là sữa tươi 100%, còn sữa tươi có bổ sung các chất khác thì phải ghi rõ là sữa tươi có bổ sung tên các loại chất đó, nhưng phải đảm bảo tỷ lệ sữa tươi tối thiểu trong sản phẩm từ 95% trở lên.
“Chúng ta phải có lộ trình áp dụng theo các tiêu chuẩn của Codex để cho người dân hiểu thế nào là sữa tươi”, bà Hương nói.
Cũng tại cuộc họp này, ông Trần Bảo Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Sữa quốc tế (IDP), cho biết, doanh nghiệp của ông ủng hộ việc thay đổi khái niệm “sữa tiệt trùng”. Việc gọi “sữa tiệt trùng” là sữa hoàn nguyên thực chất là "trả lại tên cho em".
Theo đại diện này, người tiêu dùng cần biết nguồn gốc nguyên liệu sản phẩm mình mua là sữa tươi hay sữa hoàn nguyên. Còn quyết định mua loại nào là quyền của người tiêu dùng.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng từng chia sẻ, cần phải làm rõ các khái niệm sữa tươi nguyên chất, sữa tươi có bổ sung một số chất khác và sữa hoàn nguyên… để đảm bảo quyền được thông tin cho người tiêu dùng”.
Có thể nói, hầu hết chuyên gia, nhà quản lý, đặc biệt là các hãng sữa…đều đồng tình với việc thay đổi khái niệm về sữa lần này, dù không hẳn là dễ dàng, đặc biệt là các nhà sản xuất sữa dạng lỏng từ sữa bột.
Là cơ quan quản lý chịu trách nhiệm chính về vấn đề này, Bộ Y tế đã lấy ý kiến để sửa đổi từ tháng 6/2015. Không những thế, vấn đề này từng được Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội vào cuộc giám sát và kết luận cần sửa đổi. Đoàn giám sát của Quốc hội về An toàn thực phẩm cũng nêu vấn đề này tại kỳ họp Quốc hội trước đây.
Hy vọng, sự thay đổi khái niệm “sữa tiệt trùng” sẽ giúp cho thị trường sữa minh bạch hơn, để từ đó, người tiêu dùng lựa chọn loại sữa xứng đáng với túi tiền mà mình bỏ ra./.
Hà Giang