(Tổ Quốc) - Được mệnh danh là "Kinh đô ẩm thực", nên không lấy gì làm lạ khi vào những ngày Tết ở Huế, các món ăn, thức uống được các gia đình chuẩn bị hết sức chu đáo, kỹ càng. Món ngon trong ngày Tết không chỉ thể hiện nét tinh hoa ẩm thực Huế mà phần nào toát lên những nét văn hóa hết sức đặc trưng của vùng đất cố đô.
- 18.12.2020 Khai mạc Ngày hội Áo dài và Lễ hội Ẩm thực Huế 2020
- 29.10.2019 Ẩm thực Huế "hút hồn" du khách thập phương
- 30.06.2016 Độc đáo hương vị ẩm thực Huế
Với nhiều gia đình ở Huế, ngày Tết có thể được tính từ thời điểm trưa 30 tháng Chạp, khi đã cúng xong mâm cơm Tất niên cuối năm, mời Tổ tiên, ông bà về vui Xuân với con cháu trong ngày Tết. Nhưng trước đó, việc chuẩn bị cho những ngày Tết đã kéo dài cả tháng với rất nhiều công việc từ chạp mả dòng họ, chạp mả làng, đến việc mua các nguyên vật liệu để chế biến các món ăn thức uống để phục vụ gia đình, phục vụ khách thăm chơi Tết. Nếu có dịp ăn Tết với người Huế sẽ thấy được sự chu đáo, cần mẫn trong khâu chế biến món ăn thức uống nhân dịp Tết đến.
Từ những ngày trước Tết, phụ nữ Huế mua các nguyên vật liệu để làm các món ăn thức uống cho các ngày Tết. Đó là các món bánh, mứt như: mứt gừng, mứt me, mứt bí đao, mứt khoai, mứt dừa... hay bánh in, bánh phục linh, bánh khô, bánh sen chấy, bánh sen tán, bánh thuẫn, bánh cung đình… Các món chè có thể kể đến như: chè hạt sen, chè đậu ngự, chè đậu ván, chè đậu các loại... Những món bánh mứt này đa dạng, phong phú để vừa dùng làm quả phẩm dâng cúng ngày Xuân, vừa để mời khách dùng trà chúc mừng năm mới.
Ngoài bánh mứt và các món ăn ngọt, người phụ nữ Huế cũng khéo tay chế biến ra nhiều món ăn mặn để phục vụ gia đình trong những ngày Tết như: dưa món, heo dầm, chả thủ, nem, tré… Mỗi món ăn được chế biến tuy có thể không nhiều về số lượng nhưng thể hiện được nét tinh hoa ẩm thực cố đô và sự tâm huyết của người nội trợ. Vào dịp này, bếp nhiều gia đình có khi đỏ lửa cả mấy ngày, không khí ngày Xuân rộn ràng, vui vẻ. Nếu được tận mắt chứng kiến chắc hẳn nhiều người sẽ phải trầm trồ.
Bàn về cái hay trong ẩm thực ngày Tết ở Huế phải dành những lời ngợi khen cho sự tinh tế của người nội trợ khi biết kết hợp đan xen giữa các món ăn mặn, ngọt giúp người ăn có được khẩu vị phù hợp. Trong những ngày Tết, các món ăn tuy đa dạng nhưng người dùng vẫn thấy ngon miệng, không bị ngán, nhờ vậy mà đảm bảo được sức khỏe.
Ngoài những món ăn thì cũng có thể kể đến những thức uống trong ngày Tết của người Huế như các loại rượu hay trà, nước chè, nước lá... Riêng rượu có thể kể đến rượu làng Chuồn (xã Phú An, huyện Phú Vang) nổi tiếng xưa nay. Hay như các loại rượu thuốc dân gian có nhiều công dụng trong bổ khí huyết, chống nhức mỏi, giúp ăn ngủ ngon được các vị cao niên nhâm nhi trong 3 ngày Tết.
Đối với người Huế, thưởng trà cũng có thể xem là một nghệ thuật giàu chất trí tuệ, thẩm mỹ và biểu cảm. Những ngày Tết, gia đình nào có người già thì thường có ấm chè lá xanh tươi, thơm vị gừng được ủ trong lồng ấp cho nóng. Tiết trời se lạnh, ăn miếng mứt gừng hoặc cái bánh thuẫn, bánh in rồi uống ly nước chè nóng thì ngon miệng vô cùng.
Phổ biến trong những ngày Tết ở một số vùng thôn quê xứ Huế là uống nước lá bao gồm nhiều loại lá khác nhau như lá vằng, lá bướm bạc, lá mâm xôi, lá vối… được hợp lại để nấu chung. Làng Dạ Lê Thượng (phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy) chuyên cung cấp các loại lá để nấu nước uống như trên. Loại nước lá này dễ uống nên được người già lẫn trẻ nhỏ ưa thích, lại phù hợp với tiết trời se lạnh của mùa Xuân xứ Huế.
Ngoài ra, các loại lá kể trên còn được nấu thành các loại cao, được các gia đình mua về tiện dùng trong những ngày Tết. Mỗi nhà tự tạo cho mình một thứ thức uống vừa dân dã, vừa ngon miệng lại vừa có yếu tố "y học cổ truyền", tốt cho sức khỏe.
Người Huế có nhiều món ăn ngon, mùa nào thức nấy, và mùa Xuân được xem là phong phú món ăn thức uống hơn cả. Sự chu đáo về ẩm thực trong ngày Tết ở Huế phần nào thể hiện được nét đặc trưng văn hóa của con người vùng đất cố đô. Tạm chưa bàn về hương vị ngon dở ra sao, nhưng có thể thấy rằng khi các món ăn, thức uống được chuẩn bị đa dạng, chu đáo thì mâm cúng ngày Tết cũng thêm phần đủ đầy, ấm áp.
Qua mâm cúng cũng đã thể hiện được sự đảm đang của người nội trợ Huế. Phụ nữ Huế thạo nữ công gia chánh thì vẫn luôn mong muốn làm tròn trách nhiệm với gia đình, với dòng họ và với tổ tiên. Sự chuẩn bị chu đáo để làm nên những mâm cỗ cúng cho ông bà, tổ tiên thể hiện được những triết lý nhân nghĩa, hiếu đạo sâu sắc. Qua đó, có thể thấy được, việc bảo tồn văn hóa truyền thống của người Huế lâu nay vẫn luôn được gìn giữ một phần qua bàn tay khéo léo của những người nội trợ.