Với xu hướng đọc sách online, độc giả 9X, 10X lên mạng tìm kiếm cho mình những người thầy sách vở để tự học hỏi và trưởng thành hơn mỗi ngày.
Cách đây hơn 10 năm, dòng sách tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc du nhập Việt Nam và lan rộng, trở thành trào lưu được độc giả trẻ khi ấy đón nhận nhiệt tình. Rất nhiều thế hệ học sinh mê đắm “soái ca” ngôn tình, những câu chuyện tình yêu đầy kịch tính, “drama”.
Thế nhưng, đến nay, độc giả 9X không còn cần những trang sách tưởng tượng về một cuộc sống màu hồng. Họ cần những dòng thủ thỉ tâm sự, an ủi, vỗ về giữa vô vàn nỗi buồn và mối suy tư trong cuộc sống.
Ngôn tình... chỉ là thời thanh xuân
Thời gian trôi, những chàng trai, cô gái của 10 năm trước giờ đã trưởng thành rất nhiều, một số lập gia đình, một số theo đuổi sự nghiệp riêng. Đam mê với những câu chuyện tình yêu ngày trước dần gác lại, thế vào đó là mối lo cơm, áo, gạo, tiền, con cái.
Mỗi khi rảnh rỗi, họ vẫn tìm đến sách như một thói quen. Nhưng, thể loại mang lại hứng thú cho họ không còn là những cuốn tiểu thuyết nhuốm phần hư ảo, xa rời thực tế.
Đó phải là sách trải nghiệm, kỹ năng và những cuốn thơ, tản văn gần gũi đời thực, để có thể trau dồi kiến thức, hoặc tìm thấy sự đồng cảm với những tâm sự người lớn sâu thẳm bên trong mình.
Dù không muốn, vẫn phải thừa nhận 9X đời đầu không còn trẻ nữa. Những mộng mơ gửi gắm vào những trang tiểu thuyết ngôn tình sẽ mãi chỉ còn là kỷ niệm đẹp trong quãng đầu thanh xuân của họ.
Chín chắn hơn trong suy nghĩ, thành công hơn giữa thời đại 4.0, nơi mà người ta giao tiếp nhiều với điện thoại, máy tính hơn người thân nào khác, 9X cũng cô đơn hơn.
Cô đơn nhưng không tìm được ai đủ kiên nhẫn lắng nghe, thấu hiểu để chia sẻ, nên đành tìm đến những trang sách văn học hiện đại, nhằm tìm cho mình những dòng suy nghĩ đồng điệu, lấp đầy khoảng trống không dễ để người lạ có thể chạm vào.
Cũng bởi đã có đủ thời gian tiếp xúc những xô bồ khắc nghiệt ngoài kia, đôi khi, những bài thơ, câu văn “phong hoa tuyết nguyệt” mang nặng tính hình tượng xa vời hoặc những câu chuyện tình yêu chỉ có trong tưởng tượng, lại chẳng thể khiến cho họ cảm thấy xúc động.
Họ cần hơn những câu từ giản dị đời thường, không vẽ vời hoa lá, những thực tế đầy thấm thía, đủ để họ nhận ra có ai đó cũng đang suy nghĩ giống mình, đi tìm điều mình cũng đang tìm kiếm, hoặc trải qua cảm giác như của mình hiện tại.
Sách online đang trở thành xu hướng, trào lưu tất yếu dành cho độc giả. Chúng ta rất dễ tìm mua bất cứ cuốn sách nào trên mạng. Độc giả có cơ hội tiếp cận đúng điều mình cần, chỉ bằng vài cú click chuột.
Độc giả 9X không còn cần những trang sách tưởng tượng về một cuộc sống màu hồng, họ cần những dòng thủ thỉ tâm sự, an ủi, vỗ về giữa vô vàn nỗi buồn và mối suy tư trong cuộc sống.
Đó là khi ngoài những cuốn sách học thuật, họ tìm đến tản văn, thơ, truyện ngắn…, được viết bởi những tác giả đồng trang lứa với mình, trải qua cuộc sống với những suy tư trăn trở hệt như mình, coi trang sách đó như người bạn tâm giao trong cuộc sống.
Thế hệ 10X nhạy cảm, thông minh và nhanh nhẹn hơn 9X rất nhiều, suy nghĩ cũng chín chắn và thực tế hơn. Có lẽ bởi vậy, họ không còn quá nhiều hào hứng với những cuốn sách ngôn tình như anh chị mình ngày trước.
Thay vào đó, họ tự định hướng con đường mình sẽ đi từ rất sớm, có khi là cấp hai, và tìm những cuốn sách phù hợp định hướng của mình để nghiền ngẫm.
Có bạn trẻ mua rất nhiều sách về kinh tế, kỹ năng, mong muốn trau dồi nhiều tri thức để sớm thành công trong cuộc sống.
Có bạn lại đam mê sách nghệ thuật hoặc triết lý sống, để vun đắp cho mình tâm hồn đẹp.
Có bạn lại đặc biệt hứng thú với những bài học trải nghiệm, du lịch, tận hưởng cuộc đời ý nghĩa và không lãng phí những tháng ngày tươi đẹp trước mắt.
Độc giả trẻ hiện nay sống ít mộng mơ hơn trước nhiều, bởi thế giới xung quanh họ đang thay đổi từng ngày, từng giờ. Họ cũng được tiếp cận với những thay đổi đó thông qua mạng xã hội.
Xu hướng tất yếu - sách online
Sách online đang trở thành xu hướng, trào lưu tất yếu dành cho độc giả. Chúng ta rất dễ tìm mua bất cứ cuốn sách nào trên mạng. Độc giả có cơ hội tiếp cận đúng điều mình cần, chỉ bằng vài cú click chuột.
Thế nên, 9X hay 10X đều có lợi thế lớn để có thể theo đuổi ước mơ, cũng như trả lời cho những câu hỏi như họ là ai, tìm kiếm điều gì, muốn trở thành ai, phải làm như thế nào?
Họ không còn quá ngây ngô, sống trong những cuộc đời tưởng tượng với những tác phẩm giới hạn được bày bán trên kệ sách như thế hệ của 20 năm trước.
Tài giỏi hơn, cô đơn hơn, độc giả trẻ đang lên mạng tìm kiếm cho mình những người thầy sách vở để tự học hỏi và trưởng thành hơn mỗi ngày.
Họ tìm kiếm những người bạn sách vở để làm đẹp thêm tâm hồn mình, có động lực và nguồn cảm hứng tích cực sống thực tế, lạc quan, có ý nghĩa hơn. Độc giả trẻ đã và sẽ còn thay đổi rất nhiều về gu đọc sách.
Tới đây, ngành sách sẽ bước vào kinh tế số. Đây sẽ là cơ hội không thể tuyệt vời hơn cho những người yêu tri thức có thể nâng tầm văn hóa đọc của mình.