• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đồng bào dân tộc thoát nghèo nhờ sâm Ngọc Linh

Thời sự 16/12/2022 10:00

(Tổ Quốc) - Xã Trà Linh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) nằm trên đỉnh Ngọc Linh có độ cao hơn 2.000m đang khoác chiếc áo mới với hàng chục ngôi nhà kiên cố nằm san sát nhau tựa lưng vào núi. Đồng bào dân tộc nơi đây đổi đời từ việc làm kinh tế với cây sâm Ngọc Linh.

Những năm qua, đồng bào Xê Đăng ở huyện Nam Trà My nỗ lực lao động thoát nghèo nhờ cây sâm Ngọc Linh. Loại cây này được kỳ vọng trở thành cây thương phẩm có giá trị xuất khẩu, nâng cao thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho cả huyện Nam Trà My.

Đổi đời nhờ sâm Ngọc Linh  - Ảnh 1.

Thôn 3 xã Trà Linh được mệnh danh là "làng tỉ phú", nhiều gia đình ở đây đã xây nhà, mua ô tô...

Len qua những con đường nhỏ trong bản, chúng tôi đến gia đình ông Hồ Vũ Tuấn (SN 1970, ở thôn 3, xã Trà Linh) được dựng bằng gỗ trên một sườn đồi thẳng đứng.

Tiếp chuyện chúng tôi trên bộ bàn ghế gỗ dài khoảng 2,5m, rộng gần 1m, ông Tuấn kể, nhờ sâm Ngọc Linh mà cuộc sống của người dân nơi đây bớt khó khăn, có đường sá đi lại; mỗi nhà đều có tiền xây nhà, mua đất, mua ô-tô.

Ông Tuấn cho biết, khoảng năm 2016 trở về trước, sâm Ngọc Linh không có giá loại lên đến hàng trăm triệu đồng như bây giờ, mà có giá vài ba triệu đồng/kg. Vì vậy, người trồng sâm chỉ mong muốn có thêm đồng ra đồng vào bên cạnh công việc chính là làm nương rẫy.

"Lúc đó, việc đi lại rất khó khăn, chúng tôi đi bộ từ đây ra đến trung tâm xã mất hơn 2 tiếng để mua thức ăn. Bà con chỉ ăn rau, ăn lá trồng được. Bữa cơm có thịt mua ở chợ là điều xa xỉ", ông Tuấn kể.

Đổi đời nhờ sâm Ngọc Linh  - Ảnh 2.

Cây sâm đã thực sự thay đổi cuộc sống của gia đình ông Hồ Vũ Tuấn.

Đổi đời nhờ sâm Ngọc Linh  - Ảnh 3.

Từ năm 2016, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, người dân biết giá trị thật của sâm là loại đặc biệt quý hiếm nên mạnh dạn đầu tư vốn đưa giống về trồng, đồng thời học kỹ thuật trồng, chăm sóc sâm Ngọc Linh và phất lên trông thấy. Cũng nhờ thế, gia đình ông Tuấn có tiền để sửa nhà, làm cửa, mái che, xây thêm một gian bên cạnh cho con gái út và rể ở, tổng chi phí hết 500 triệu đồng.

Ông Tuấn chỉ cho chúng tôi xem bể cá rộng chừng 3m, dài 10m, được đầu tư khoảng 300 triệu đồng. Giữa bể có một chòi bắc ra từ hiên nhà, trong chòi đặt bộ bàn ghế gỗ mới trị giá 60 triệu đồng.

Ông Tuấn còn bỏ hơn 300 triệu đồng mua đất cho hai người con trai cách đó khoảng 5km để dựng nhà riêng. Cây sâm đã thực sự thay đổi cuộc sống của gia đình ông Tuấn. Hiện ông có khoảng 3.000 gốc sâm lớn nhỏ trên diện tích 4 hecta ở đỉnh Ngọc Linh.

Cách nhà ông Tuấn không xa, lên một con dốc cao ngút thì thấy ngôi nhà khang trang 2 tầng của gia đình bà Hồ Thị Hiền (SN 1966, thôn 3) trên đỉnh Ngọc Linh. Chi phí xây dựng ngôi nhà này cùng một nhà sàn gỗ bên cạnh và bờ kè tiêu tốn hơn 2 tỉ đồng.

Bà Hiền cho biết, ngôi nhà được xây từ năm 2019, lúc đó đường di chuyển còn khó khăn, phải cõng vật liệu xây dựng từ UBND xã lên mất hơn 2 giờ đi bộ.

"Mọi thứ có được hôm nay đều nhờ vào gần 1.000 gốc sâm của gia đình. Gia đình tôi bây giờ bán củ là chính, 3 củ 1 lạng thì có thể bán được rồi", bà Hiền chia sẻ.

Theo bà Hiền, giá sâm dao động khác nhau từ vài chục triệu đồng đến hơn 200 triệu đồng/kg, tùy thuộc chủng loại. Mỗi năm, gia đình bà bán khoảng 3-4kg, thu về hơn 300 triệu đồng. Hai người con trai của bà Hiền cũng được chia mỗi người 500 gốc sâm để phát triển kinh tế.

Đổi đời nhờ sâm Ngọc Linh  - Ảnh 4.

Bà Hiền xây dựng ngôi nhà hơn 2 tỉ đồng, đổi đời nhờ sâm Ngọc Linh.

Phó Chủ tịch UBND xã Trà Linh Hồ Văn Dang cho biết, việc trồng sâm của các hộ đồng bào bắt đầu từ năm 2000, nhưng giá trị kinh tế không cao nên ít được quan tâm.

"Từ năm 2016-2017, khi chính quyền huyện Nam Trà My tổ chức lễ hội sâm lần thứ nhất, giá trị sâm tăng vọt. Từ đó, bà con xã Trà Linh được đầu tư nhiều hơn, kinh tế ổn định rất nhiều so với những năm trước", ông Dang nói, đồng thời cho hay trước đây tỉ lệ hộ nghèo của xã hơn 60%, nay chỉ còn khoảng 30%.

"Ở thôn 3 - nơi được mệnh danh là "làng tỉ phú", nhiều gia đình ở đây đã xây nhà, mua ô-tô. Hơn 100 gia đình đã có nhà xây trên tổng số 323 hộ. Những hộ khác đa số đều có nhà kiên cố", ông Dang chia sẻ.

Cấp ủy Đảng và chính quyền xã Trà Linh chủ trương khuyến khích và hỗ trợ người dân trồng sâm Ngọc Linh, xem đây là giải pháp then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững trong những năm tới theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Trần Duy Dũng cho hay, diện tích quy hoạch trồng sâm Ngọc Linh ở huyện hiện nay trên 15.000 ha; đã thực hiện bảo tồn 100 ha, tương đương 2 triệu cây và phát triển vùng nguyên liệu sâm trên 1.500ha với hơn 1.250 hộ tham gia. Đồng bào trồng sâm trên địa bàn huyện đã ý thức được việc trồng sâm đi đôi với bảo vệ và phát triển rừng, vì cây sâm chỉ sống dưới tán rừng nguyên sinh.

Tỉnh Quảng Nam cũng đã trình Chính phủ "Chương trình quốc gia phát triển sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) giai đoạn 2021-2030 và định hướng đến 2045", đặt mục tiêu đưa tỉnh này trở thành Trung tâm giống sâm Ngọc Linh quốc gia giai đoạn 2025-2030, hằng năm sản xuất từ 5-10 triệu cây sâm giống. Đến năm 2045, đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm có thể cạnh tranh ngang bằng với ngành sản xuất sâm của Hàn Quốc, hằng năm sản xuất từ 500 - 1.000 tấn.

Cây sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) có từ bao đời nay tại vùng núi Ngọc Linh thuộc địa phận huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) và huyện TuMơRông (tỉnh Kon Tum). Cây sâm Ngọc Linh là loại cây dược liệu đặc biệt quý hiếm, mang lại giá trị kinh tế cao nhất trên một đơn vị diện tích và được xem là "vàng xanh".

Hương An

NỔI BẬT TRANG CHỦ