(Tổ Quốc) - Tổng thống Nga Putin sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh khu vực nhằm xây dựng sự hợp tác kinh tế và chính trị.
Trang Asia Nikkei (Nhật) ngày 14/11 có đăng tải một bài viết về giao thương vũ khí, thương mại và nhiều cơ hội hợp tác khác giữa Nga và khu vực Đông Nam Á nhân chuyến thăm của ông Putin tới tham dự hội nghị thượng đỉnh khu vực ở Singapore.
Tổng thống Nga Vladimir Putin lần đầu tiên sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á EAS tại Singapore ngày 15/11, nhằm tăng cường quan hệ quốc gia với Đông Nam Á trong bối cảnh Nga chịu nhiều biến động, trong đó có các lệnh trừng phạt của phương Tây về việc sáp nhập Crimea.
Đây là lần đầu tiên ông Putin tham dự EAS. (Nguồn: Reuters)
Theo Nikkei, Đông Nam Á hoan nghênh hợp tác kinh tế và quân sự từ Nga. Cả hai bên đang tìm cách tăng cường quan hệ khi Mỹ và Trung Quốc đang có nhiều căng thẳng về thương mại và nhiều vấn đề khác, và sự cân bằng quyền lực ngoại giao toàn cầu thay đổi.
Chuyên gia Dmitry Mosyakov, từ Viện Nghiên cứu Đông phương thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho biết, năm nay ông Putin đã ưu tiên EAS, trong đó, sự hợp tác kinh tế cụ thể hơn sẽ được thảo luận.
Thúc đẩy hợp tác kinh tế Nga - ASEAN
Ông Putin đã đến Singapore vào thứ ba và tham dự hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Đông Nam Á vào thứ 4. Ông Putin cũng sẽ có các cuộc họp song phương với các nhà lãnh đạo Singapore, Indonesia và Malaysia. Nga đã tham gia EAS kể từ năm 2011, nhưng trước đó nước này đều được đại diện bởi Thủ tướng Dmitry Medvedev và Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov.
Trước đó, Tổng thống Putin thường chọn tham dự Diễn đàn APEC - được tổ chức gần như cùng thời gian với EAS. Chuyên gia Dmitry Mosyakov, từ Viện Nghiên cứu Đông phương thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho biết, năm nay ông Putin đã ưu tiên EAS, trong đó, sự hợp tác kinh tế cụ thể hơn sẽ được thảo luận.
Tại cuộc họp ngày 14/11 giữa Nga và các nhà lãnh đạo ASEAN, ông Putin sẽ kêu gọi sự hợp tác giữa Liên minh kinh tế Á-Âu do Nga dẫn đầu (EAEU), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải SCO – với các thành viên chính là Nga và Trung Quốc và ASEAN.
Ông Putin dự kiến sẽ xem xét tăng cường quan hệ thông qua hội nhập kinh tế. Nga cũng đang xem xét kí kết một bản ghi nhớ về tăng cường quan hệ giữa EAEU và ASEAN.
Trong khi Nga phải đối mặt với các lệnh cấm vận từ Mỹ và châu Âu về cuộc xung đột Ukraine, quốc gia này đang gia tăng sự hiện diện của mình ở Đông Nam Á trên mặt trận quân sự, bao gồm xuất khẩu vũ khí.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, khu vực Đông Nam Á chiếm 12.2% tổng giá trị xuất khẩu vũ khí của Nga từ năm 2013 đến năm 2017 – điều khiến Nga trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn nhất trong khu vực. Mười năm trước, con số này là 6.2%.
Đằng sau bước nhảy đó là lợi ích chung của hai bên. Đông Nam Á muốn tăng cường khả năng phòng thủ của mình trong bối cảnh có tranh chấp về chủ quyền và chống khủng bố. Nga đã rất vui khi gia tăng xuất khẩu vũ khí của mình.
Đột phá xuất khẩu vũ khí
Indonesia đang đàm phán để mua các máy bay chiến đấu Sukhoi Su-35 do Nga sản xuất. Tính đến năm 2017, Việt Nam đã mua sáu tàu ngầm do Nga sản xuất. Philippines, một đồng minh của Mỹ, cũng đã tiếp nhận vũ khí từ Nga vào năm 2017.
Hợp tác về mặt kinh tế cũng sâu sắc hơn. Tại Indonesia, một dự án xây dựng nhà máy lọc dầu liên doanh giữa công ty dầu mỏ quốc doanh của Indonesia là Pertamina và Rosneft của Nga đang được tiến hành. Khoản đầu tư cho dự án này dự kiến sẽ vượt 8.8 tỷ USD.
Tại Thái Lan, lượng khách du lịch từ Nga năm 2017 tăng 23% so với cùng kì năm trước, lên 1.35 triệu người.
Thương mại giữa Nga và ASEAN đạt 18.3 tỷ USD trong năm 2017, tăng khoảng 30% so với một năm trước đó, theo chính phủ Nga.
Nga cũng đang xem xét xuất khẩu liên quan đến hạt nhân tới khu vực này.
Theo Nikkei, kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức vào năm 2017, sự quan tâm của Mỹ ở Đông Nam Á đã giảm xuống, so với người tiền nhiệm Barack Obama. Điều này cũng đã cho phép Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng của họ trong khu vực.
Về phần mình, Nga hy vọng họ có thể thuyết phục các nước Đông Nam Á tăng cường quan hệ chính trị và kinh tế với mình, trong khi vẫn theo dõi chặt chẽ những chiến lược của Trung Quốc.
Có vẻ như những hành động gắn kết đang thành công của Moscow với khu vực này sẽ tiếp tục, với sự hỗ trợ của các nhà lãnh đạo địa phương. Tổng thống Rodrigo Duterte, nhà lãnh đạo mạnh mẽ của Philippines đã gọi ông Putin là "người anh hùng yêu thích của tôi".