• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Châu Á – Thái Bình Dương: TT Putin đưa Nga đến

Thế giới 15/08/2018 10:34

(Tổ Quốc) - Chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Putin đến Singapore tham dự thượng đỉnh Đông Á tháng 11 sẽ cho thấy mong muốn của Moscow hướng về phía Đông.

Chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Putin đến Singapore trong tháng 11 sẽ cho thấy mong muốn của Moscow hướng về phía Đông.

"Chúng tôi thống nhất bởi một tầm nhìn chung về trật tự thế giới đa trung tâm hiện đại, bằng những đánh giá đồng bộ và gần gũi của chúng tôi về các quá trình đang diễn ra trên thế giới và khu vực châu Á-Thái Bình Dương", Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết tại cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao Nga-ASEAN tại Singapore ngày 2/8.

Theo sau sự kiện này là một cuộc họp Bộ trưởng Kinh tế Nga-ASEAN diễn ra tại Singapore vào cuối tháng 8. Các nước thành viên ASEAN cũng dự kiến sẽ có nhiều đại diện tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ 4 được tổ chức từ ngày 11 -12/ 9 tại Vladivostok.

Nga đã sẵn sàng

Moscow đã là đối tác đối thoại đầy đủ của ASEAN từ năm 1996. Năm 2004, Nga đã ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), trở thành thành viên của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), các Hội nghị Bộ trưởng (PMC) 10 + 1, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á.

Tổng thống Putin phát biểu tại thượng đỉnh Nga - ASEAN ở Sochi.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đang có kế hoạch tham dự hội nghị thượng đỉnh Nga-ASEAN, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) 18 thành viên dự kiến vào tháng 11 tại Singapore. Đây là lần đầu tiên Nga sẽ được đại diện bởi người đứng đầu nhà nước thay vì Thủ tướng. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã gửi lời mời tới ông Putin tham dự sự kiện này. EAS diễn ra thường niên và quy tụ các nhà lãnh đạo từ các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Mỹ, Nga và Trung Quốc. Hội nghị thượng đỉnh EAS đầu tiên diễn ra vào năm 2005. Và năm nay, sự tham gia của Tổng thống Putin sẽ là một dấu hiệu quan trọng cho thấy Nga sẵn sàng thúc đẩy tầm nhìn kiến trúc an ninh Đông Á ở mức cao nhất.

Moscow có rất nhiều thứ để mang tới cho Đông Á, bao gồm các quan hệ đối tác về công nghệ, chống khủng bố, buôn bán vũ khí và năng lượng. Xuất khẩu năng lượng của Nga sang ASEAN đã tăng gấp năm lần kể từ năm 2013. Nga đang đàm phán với Thái Lan về giao dịch khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và xuất khẩu dầu. Mối quan hệ này có thể sâu hơn. Moscow quan tâm đến giao thông, hậu cần, công nghệ sinh học và dược phẩm. Sự phát triển của Hành lang kinh tế phía Đông cũng có khả năng thu hút các nhà đầu tư từ Nga.

Moscow cũng đang đưa ra một sáng kiến thúc đẩy hợp tác khu vực. Tại hội nghị thượng đỉnh Nga-ASEAN tại Sochi vào tháng 5/2016, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giới thiệu dự án Á Âu quy mô lớn hơn- hay Quan hệ đối tác Á Âu quy mô lớn hơn, để xây dựng một không gian chung với các quy tắc và tiêu chuẩn thống nhất, các dự án chung và tạo thuận lợi thương mại. Hợp tác kinh tế, hậu cần, thông tin và an ninh theo các chương trình Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), và các nước tham gia Sáng kiến Nhất đới nhất lộ của Trung Quốc. Trong đó, SCO có thể hoạt động như một đơn vị kết nối của dự án này.

Trong năm 2016, Liên minh kinh tế Á-Âu EAEU và Việt Nam đã ký một hiệp định thương mại tự do (FTA) và các biên bản hợp tác với Campuchia và Singapore- đây có thể được coi là bước đi đầu tiên trong tiến trình trên. Một FTA  khác cũng đang được đàm phán giữa EAEU và Singapore.

Vào tháng 8/2017, SCO và ASEAN đã nhất trí về việc mở rộng quan hệ trên nền tảng Biên bản ghi nhớ giữa Ban thư ký ASEAN và SCO. Hiện tại, hai tổ chức này đang chuẩn bị lộ trình đi xa hơn.

Đột phá về an ninh, quốc phòng

Các nước ASEAN và Nga đang tiến gần tới một thỏa thuận về an ninh mạng. Singapore đã bị tấn công mạng nghiêm trọng nhất vào tháng 7 vừa qua khi tin tặc đánh cắp thông tin cá nhân của khoảng 1.5 triệu người. Malaysia cũng đã phải đối phó với một vụ tấn công mạng nhắm vào ngân hàng trung ương nước này.

Năm 2018, hợp tác quốc phòng giữa Nga và ASEAN cũng thực sự phát triển mạnh. Vào tháng 3, Nga và Lào đã ký một thỏa thuận thành lập một cơ sở ở Vientiane để thúc đẩy hợp tác quân sự. Vào tháng 7, máy bay trực thăng Nga đã hoàn thành hợp đồng dịch vụ đầu tiên cho Bộ Quốc phòng Lào và chuyển giao bốn chiếc trực thăng Mi-17. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu đã đến thăm Lào vào tháng 1.

Philippines cũng đang bày tỏ ý định mua vũ khí của Nga bất chấp các mối đe dọa rằng Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt.

Năm ngoái, Manila cũng đã ký kết một thỏa thuận 400 triệu peso (7.48 triệu USD) mua 750 súng phóng lựu chống tăng RPG-7B từ công ty Nga Rosoboronexport. Tuy nhiên, quá trình chuyển giao chưa được hoàn thành. Nga đã tặng súng trường và xe tải tấn công cho Philippines nhưng súng phóng lựu sẽ là vũ khí đầu tiên Manila mua của Nga.

Năm 2016, Nga đã tặng vũ khí cho Fiji. Nga cũng đã tổ chức một cuộc tập trận chung với Indonesia vào tháng 12 năm ngoái. Tháng 10 năm ngoái, Nga cũng đã tham gia cuộc họp của các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần 4 với tư cách là đối tác đối thoại.

Nga là một quốc gia Thái Bình Dương. Việc hướng về phía đông là điều tự nhiên và đa dạng các mối quan hệ. Chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Putin đến Singapore trong tháng 11 sẽ cho thấy mong muốn của Moscow hướng về phía Đông. Không nghi ngờ gì rằng, mối quan hệ của Nga với các quốc gia ASEAN sẽ mang lại một tương lai hứa hẹn.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ