• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chính sách năng lượng hướng Đông của Nga

Thế giới 28/01/2013 00:01

(Toquoc)-Sự suy giảm nhu cầu dầu từ châu Âu khiến Moscow phải chuyển hướng chính sách năng lượng hướng Đông nhắm đến các nền kinh tế đang khát năng lượng ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ.

(Toquoc)-Sự suy giảm nhu cầu dầu từ châu Âu khiến Moscow phải chuyển hướng chính sách năng lượng hướng Đông nhắm đến các nền kinh tế đang khát năng lượng ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ.

Quan hệ chính trị Nga-NATO không tốt đẹp đã ảnh hưởng sang cả lĩnh vực kinh tế. Nỗ lực của Nga trong việc xây dựng đối tác chiến lược với Đức, Pháp, hai nền kinh tế lớn của châu Âu cũng không mấy tiến triển. Liên Xô tan rã khiến Nga phải gánh chịu nhiều hệ lụy tiêu cực, như mất liên kết lãnh thổ, kinh tế sụp đổ, mất vị trí của mình trên trường quốc tế và trải qua giai đoạn khủng hoảng chính trị trong nước. Tổng Thống Nga Putin xuất hiện đã có cách nhìn mới trong chính sách đối ngoại và bắt đầu khôi phục lại vị trí người chơi chính trị lớn trên thế giới nhờ tận dụng nguồn dự trữ nguyên liệu năng lượng của mình để trở thành cường quốc. Cho tới nay, Nga vẫn là một trong những quốc gia sản xuất, xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới. Năm 2012, sản xuất dầu đã đạt mức 10,4 triệu thùng/ngày, tăng từ mức 6,2 triệu thùng vào những năm 1990. Trước đây, Moscow chủ yếu thực hiện chính sách năng lượng của mình hướng về các nước châu Âu và thu được hàng chục tỷ USD nhờ xuất khẩu dầu khí.

Nhưng cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu và suy thoái trong khu vực đồng euro đã khiến nhu cầu dầu mỏ ở châu Âu giảm mạnh, ước tính giảm khoảng 1,4 triệu thùng (trong đó có 800.000 thùng nhập từ Nga) trong 5 năm qua. Xu hướng giảm nhu cầu dầu từ châu Âu tiếp diễn có thể làm tê liệt nước Nga. Khoảng một nửa nguồn thu của chính phủ Nga dự vào xuất khẩu dầu khí, trong đó xuất khẩu dầu chiếm khoảng 80%, khí chiếm 20%.



Đường ống dẫn dầu Đông Siberia - Thái Bình Dương cung cấp dầu mỏ cho các nền kinh tế đang khát năng lượng ở châu Á

 

Điện Kremlin đã nhanh chóng bổ sung nhu cầu suy giảm ở châu Âu những năm gần đây bằng việc mở ra các thị trường mới, đặc biệt là châu Á với các nền kinh tế năng động, tăng trưởng ổn định như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, hay đất nước hiếm tài nguyên Nhật Bản. Trong khoảng những năm 2000, châu Á mới chỉ mua khoảng 4% dầu khí của Nga nhưng hiện nay con số này đã là 17%. Trong khi tương lai tiêu thụ dầu khí của châu Âu không chắc chắn thì nhu cầu của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc lại tiếp tục gia tăng, Nga đã đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 30% dầu khí sang phía Đông trong hai năm tới đây.

Các đường ống dẫn dầu mới từ Nga sang châu Á hoàn thành năm 2010 và 2012 đã hỗ trợ quá trình dịch chuyển này. Hiện tại, Nga chuyển dầu khí sang phía Đông theo bốn cách. Một là , vận chuyển dầu sang vùng duyên hải Thái Bình Dương hoặc sang biên giới Trung Quốc bằng hệ thống đường sắt. Hai là, bơm dầu thô trực tiếp tới các hải cảng xuất khẩu ở Thái Bình Dương thông qua dự án Shakhalin hoàn thành năm 2007. Hai biện pháp này chỉ cho phép Nga xuất khẩu từ 250.000 đến 500.000 thùng dầu mỗi ngày đến các thị trường châu Á. Ba là, các đường ống dẫn dầu mới bắt đầu xây dựng từ năm 2000 và hoàn thành trong thời gian gần đây. Đó là đường ống Đông Siberia – Thái Bình Dương bắt đầu từ các vựa dầu ở Tây Siberia của Nga kéo dài khoảng 4.800 km đến cảng Kozmino ở Thái Bình Dương. Giai đoạn đầu tiên của dự án này hoàn thành năm 2010. Bốn là, đường ống dẫn đầu khác từ Nga đến Trung Quốc dài 964 km đến thẳng khu lọc dầu Daqing ở Đông Bắc Trung Quốc. Với khả năng xuất khẩu số lượng dầu lớn hơn đến châu Á, lượng dầu mà Nga cung cấp cho khu vực đã tăng gấp 4 lần trong hai năm qua. Ngoài ra, Nga còn có đủ khả năng tăng gấp đôi nguồn dầu xuất sang châu Á nếu khu vực này có nhu cầu.

Đối với Nga, châu Á, đặc biệt khu vực Đông Bắc Á không chỉ là cơ hội, thị trường mới để xuất khẩu năng lượng mà còn là một phần của kế hoạch nhằm thu hút khu vực này để đưa Đông Siberia và Viễn Đông tham gia vào quan hệ kinh tế với mục đích phát triển vùng xa xôi này của Nga. Vùng Viễn Đông của Nga có nguồn dự trữ khổng lồ về dầu, khí, than đá và các loại khoáng sản khác; được coi là kho báu của quốc gia này. Suốt nhiều năm qua, tình trạng bị bỏ rơi và kém phát triển của khu vực này đang trở thành nơi nhạy cảm chính trị, kinh tế nhất của Nga. Thành phố Vladivostok, có khoảng 580 nghìn dân, nhưng đang có xu hướng giảm mạnh về dân số do điều kiện sống ở thành phố không được cải thiện, như thất nghiệp, mức sống thấp. Vài năm trước, Vladivostok đã được đầu tư mạnh, được chọn làm nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh APEC-2012. Hội nghị này đã tạo cơ hội tốt đẹp cho Tổng Thống Putin trong việc phát triển khu vực Viễn Đông về kinh tế và giới thiệu chính sách mới của Moscow trong việc gia nhập không gian kinh tế thống nhất của Đông Bắc Á, các mục tiêu mà nhà lãnh đạo chính trị tiền nhiệm của Nga không thực hiện được. Putin hy vọng rằng đầu tư và công nghệ mới của nước ngoài là cú hích cho sự phát triển của khu vực Viễn Đông.

Dòng chảy chính của kinh tế thế giới đang chuyển về châu Á – Thái Bình Dương. Đông Bắc Á đang ở trung tâm của sự chuyển động có ý nghĩa này. Khu vực này (nếu tính cả Mỹ và Canada) đang chiếm trên 50% GDP thế giới và độc chiếm 40% lượng dự trữ ngoại tệ thế giới. Nếu Trung Quốc và Nhật Bản là hai quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới thì Nga đã dần dần chiếm lĩnh vai trò người cung cấp năng lượng chính cho Đông Bắc Á. Nhất là trong trường hợp, xuất khẩu năng lượng của các nước Ả-rập, vịnh Péc-xích và Trung Á bị gián đoạn, hoặc xảy ra tình trạng, như quan hệ Trung - Mỹ xấu đi, Mỹ đóng cửa Eo biển Malakka thì việc Liên Bang Nga có cơ hội cung cấp nguồn năng lượng bằng đường bộ sẽ có ý nghĩa rất to lớn. Ngoài vai trò cung cấp nguồn nguyên liệu năng lượng, đối với Nga vẫn chưa thể hiện được người tham gia chính trong hội nhập với mối liên kết có mạng lưới giao lưu chặt chẽ giữa các nhà sản xuất của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Nếu Trung Quốc với ngành công nghiệp có nguồn nhân công giá rẻ, Nhật Bản và Hàn Quốc là những nhà cung cấp công nghệ cao thì nước Nga vẫn chưa có vai trò to lớn như vậy trong kinh tế của khu vực. Vì vậy, Nga chưa trở thành thành viên của khu vực kinh tế tự do, chưa gia nhập hiệp định bảo vệ các nhà đầu tư.

Chính sách năng lượng hướng Đông của Moscow là nhằm tăng cường vị trí của mình ở khu vực Thái Bình Dương của Nga. Điều này không có nghĩa là Nga quay lưng với châu Âu. Về kinh tế, phương Tây vẫn là đối tác chiến lược của Nga. Châu Âu là đối tác thương mại quan trọng, nhà đầu tư, nhà cung cấp công nghệ mới đối với Nga. Hơn nữa, Nga vẫn muốn duy trì thị trường châu Âu vì đây là thị trường đã có từ lâu và Nga cũng muốn sử dụng các hợp đồng năng lượng làm công cụ chính trị đối với châu lục này./.

Huyền My

NỔI BẬT TRANG CHỦ