(Tổ Quốc) -Chiều 21/3, Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Bùi Văn Thành đã trình bày dự thảo Nghị định quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy.
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Thành, hoạt động cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy là rất cần thiết, tuy đã được quy định trong Luật phòng cháy và chữa cháy nhưng trước đòi hỏi cấp bách của thực tế và xét khả năng của lực lượng này nên trong dự thảo Nghị định đã cho phép thực hiện hoạt động cứu nạn, cứu hộ cả trong các trường hợp sự cố, tai nạn khác.
Việc cứu nạn, cứu hộ đó diễn ra hàng ngày, ngoài các trường hợp cứu nạn, cứu hộ do thảm họa lớn thuộc trách nhiệm của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn. Hoạt động cứu nạn, cứu hộ đó có liên quan đến quyền con người, quyền công dân nên phải do luật định...
Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Bùi Văn Thành. Ảnh: Minh Khánh |
Vì những lý do như vậy nên theo quy định tại Khoản 3 Điều 19 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho phép Chính phủ ban hành Nghị định này để đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn hiện nay.
Tại phiên họp, cơ bản các ý kiến đã đồng tình với dự thảo Nghị định này.
Hoàn toàn nhất trí với các ý kiến giải trình, Thượng tướng Phạm Ngọc Minh, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho hay, những vụ tai nạn lớn Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên quy định cứu hộ cứu nạn ở đường bộ và trong cháy nổ ở các khu dân cư, chung cư, khu công nghiệp… thì cần phải được chỉnh sửa, bổ sung để tránh chồng chéo với Nghị định về phòng chống thiên tai mà Thủ tướng vừa ký. Hoặc tránh chồng chéo với việc cứu hộ, cứu nạn tại các đơn vị như giao thông như hàng không, hàng hải, đường thủy… đều đã có những quy định cụ thể.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định tính cần thiết của việc ban hành Nghị định này. Ảnh: Nam Nguyễn |
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã khẳng định tính cần thiết của việc ban hành Nghị định này vì Luật Công an Nhân dân đã quy định lực lượng Công an thực hiện việc cứu nạn, cứu hộ nhưng từ ngày Luật ban hành chưa có Nghị định nào hướng dẫn thực hiện.
Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Ban soạn thảo tiếp thu báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Quốc phòng và An ninh để không bị chồng chéo, trùng lắp với công việc của Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và các lực lượng khác.
Ngoài ra, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị Ban soạn thảo giải thích thêm điều 3, các khoản 3,4,5, cứu hộ thông thường (ký hợp đồng rồi mới cứu) với cứu hộ khẩn cấp (làm ngay, không cần ký hợp đồng).
Chiều 21/3, phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã bế mạc. Ảnh: Nam Nguyễn |
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định thì hoàn toàn đồng tình với các quy định của Điều 17, khoản 2 về huy động phương tiện và việc phá dỡ các công trình dân sinh để phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết quy định tại Điều 23,24. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định yêu cầu nghị định cần quy định việc bồi thường kịp thời sau khi phá dỡ, tránh lạm dụng việc phá dỡ… Còn các nội dung khác của dự thảo nghị định này đều thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Giải trình thêm tại phiên họp, Thứ trưởng Bùi Văn Thành thay mặt Ban soạn thảo cảm ơn, tiếp thu tất cả các ý kiến của thành viên và các đại biểu để tiếp thu triệt để, chỉnh sửa, hoàn thiện Nghị định.
Với dự thảo nghị định này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, cơ quan soạn thảo... chuẩn bị văn bản thông báo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi gửi cho Chính phủ.
Nội dung này cũng đã kết thúc phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.
Song Đào