(Tổ Quốc) - Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư lên tới 10.000 tỷ đồng lẽ ra sẽ hoàn thành vào tháng 6/2018. Song, vì nhiều "uẩn khúc" nên dự án này đang rơi vào "bế tắc".
"Trễ hẹn" đại công trình chống ngập…
Dự án chống ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, khởi công từ tháng 6/2016, dự kiến đến giữa năm 2018 sẽ hoàn thành. Đây là dự án chống ngập đầu tiên tại Việt Nam thực hiện bằng hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) được UBND TP.HCM giao cho Tập đoàn Trung Nam làm chủ đầu tư.
Dự án chống ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu
(giai đoạn 1) có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển về kinh tế - xã hội của Thành phố.
Nhìn nhận từ thực tế tình trạng ngập lụt trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã khẳng định, dự án này có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển về kinh tế - xã hội của Thành phố và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Và đây cũng là dự án giảm ngập có quy mô lớn và công nghệ hiện đại nhất được triển khai trên địa bàn thành phố tính đến thời điểm hiện tại.
Dự án gồm 6 cống ngăn triều thuộc khu vực: Bến Nghé, Cây Khô, Mương Chuối, Phú Định, Phú Xuân và Tân Thuận. Khi hoàn thành sẽ kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố.
Theo kế hoạch, dự án sẽ được hoàn thiện sau 36 tháng thi công, thế nhưng trước tình trạng ngập lụt, triều cường ngày càng diễn biến nghiêm trọng không thể kiểm soát… Đầu năm 2017, trong chuyến khảo sát công trình này, đại diện lãnh đạo TP.HCM đã ra "tối hậu thư" rút ngắn thời gian thi công dự án xuống còn 22 tháng.
Trên tinh thần cấp bách của dự án, chủ đầu tư và các sở ngành đã không ngừng chạy hết "tốc lực" để kịp tiến độ rút ngắn như yêu cầu. Đến cuối tháng 1/2018, dự án chống ngập đã đạt được 68% khối lượng xây dựng, nhanh hơn 8 tháng so với hợp đồng BT đã ký kết.
Trong khi hàng triệu người dân Thành phố đang phấn khởi bởi công trình có thể hoàn thành sớm hơn dự kiến để cải thiện tình trạng ngập lụt. Mới đây, ông Nguyễn Tâm Tiến - Giám đốc Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 (Trungnam BT 1547) - Chủ đầu tư dự án lại cho biết, dự án phải tạm dừng thi công từ ngày 27/4/2018 đến nay, dù đã hoàn thành đến 75% khối lượng.
Hạng mục âu thuyền rộng 11m, dài 140m là nơi cho tàu thuyền qua lại khi đóng cửa vanđang trong quá trình hoàn thiện, đã bị dừng lại.
… do tư vấn giám sát hợp đồng cản trở?
Thời gian qua, dư luận nhầm hiểu nguyên nhân khiến dự án đình trệ là do Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Nam Sài Gòn đã dừng giải ngân dự án, vì UBND TP.HCM chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân của dự án để thực hiện cấp vốn.
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Tâm Tiến - Giám đốc Trung Nam BT 1547 khẳng định: Việc UBND TP.HCM tạm ngưng giải ngân không phải do thiếu vốn. Bởi nguồn vốn dành cho dự án là đầy đủ và luôn có sẵn để giải ngân theo Quyết định số 2240/QD-NHNN của Ngân hàng Nhà nước từ ngày 08/11/2016.
Quyết định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc tái cấp vốn cho dự án.
Cụ thể, tại văn bản số 2903/STC-ĐTSC ngày 14/5/2018, Sở Tài chính TP.HCM nêu rõ đơn vị Tư vấn giám sát hợp đồng (TVGS HĐ) không thực hiện đúng chỉ đạo của UBND TP nên Sở không thể ký xác nhận.
Theo đại diện nhà đầu tư, trong quá trình thực hiện dự án, Cty Trungnam BT 1547 luôn cung cấp cho UBND TP.HCM đầy đủ toàn bộ hồ sơ và thủ tục cần thiết liên quan đến vốn giải ngân. Thế nhưng, khi Cty Meinhardt ký xác nhận giá trị hoàn thành hạng mục thì trong văn bản kèm theo luôn có các ý kiến và khuyến cáo thiếu cơ sở.
Đến khi có chỉ đạo của UBND TP, thì đơn vị TVGS HĐ (Cty Meinhardt) mới ký lại tổng hợp các đợt văn bản HTFC-SCFC/LO-18-041 vào ngày 27/6/2018.
Ông Nguyễn Tâm Tiến cho biết, dự án tạm dừng khi khối lượng thi công đã đạt 75%, tương đương với tổng giá trị hoàn thành là 5.690 tỷ đồng. Trong khi đó, TVGS HĐ chỉ xác nhận 3.503 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu đã chi là 803 tỷ.
Như vậy khối lượng công việc đã hoàn thành nhưng chưa được giải ngân lên tới 1.384 tỷ đồng, gây khó khăn cho nhà thầu và làm ảnh hưởng đến đời sống của đội ngũ các chuyên gia, kỹ sư và công nhân thi công trên công trường. Điều này gây ra rất nhiều thiệt hại về tiến độ, lãi suất, nhân công… Ước tính trung bình mỗi tháng là từ 17 - 20 tỷ đồng.
Dự án đã ngừng hoạt động, thiệt hại ước tính trung bình mỗi tháng là từ 17 - 20 tỷ đồng.
Ngoài ra, đơn vị TVGS HĐ - Cty Meinhardt đã "vu khống" cho chủ đầu tư tự ý thay đổi vật liệu thép và cố tình lờ đi hồ sơ điều chỉnh của tư vấn thiết kế, đưa những thông tin sai lệch, tạo dư luận xấu.
Trao đổi với phóng viên ĐS&PL, ông Tiến cho biết: Với mong muốn dự án được nhanh chóng khởi động lại, chúng tôi cũng như Trung tâm chống ngập TP.HCM đã nhiều lần đề nghị đơn vị TVGS HĐ có buổi làm việc chung giữa các bên nhằm trao đổi cụ thể, tháo gỡ các vướng mắc… để tìm phương án khắc phục và đưa ra hướng giải quyết cho dự án. Nhưng Cty Meinhardt liên tục không tham gia, bất hợp tác, khiến các bên không thể tìm được tiếng nói chung.
"Trên thực tế, nhiều tháng qua Cty Meinhardt cố tình vắng mặt tại các cuộc họp là nguyên nhân chính khiến dự án lâm vào tình trạng bất động". Ông Tiến nhấn mạnh.