• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Dự án “siêu nghĩa trang” tại Vĩnh Phúc có nguy cơ tiếp diễn

Thời sự 17/10/2017 07:32

(Tổ Quốc) - Hiện nay, tại Vĩnh Phúc, việc phá rừng phòng hộ (xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) để xây dựng dự án "siêu nghĩa trang" đang có nguy cơ tiếp diễn. Mặc dù trước đó vấp phải không ít sự phản đối của dư luận cũng như nhân dân.

 

Các chuyên gia đã từng cảnh báo việc phá rừng phòng hộ sẽ ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái. Đặc biệt, ảnh hưởng không nhỏ đến định hướng phát triển du lịch của huyện Tam Đảo.

"Siêu nghĩa trang"

Được biết, tổng số vốn đầu tư cho dự án lên đến 685 tỷ đồng, thực hiện từ quý I- 2017 đến năm 2025, do Công ty Cổ phần Đầu tư Bình Minh Xanh (địa điểm kinh doanh nhà H10, ngõ 132, Phố Trung Kính, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội) làm chủ đầu tư. "Siêu nghĩa trang" này có quy mô 153ha, chiếm đến 105,5 ha.

Dự kiến có khoảng 70.000 mộ phần được cải táng và 2 triệu ngăn lưu tro cốt hỏa tàng cùng đài hỏa táng. Nhiều người dân cho rằng việc chấp thuận lập khu công viên nghĩa trang là quá vội vàng và có nhiều điều bất thường.

Ví dụ như, ngày 4 -1-2017, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có Tờ trình số 02/TTr -UBND thì chỉ sau đó 2 ngày, 6-1, Ban Thường vụ Tỉnh đã họp và thống nhất với Tờ trình đó. Đặc biệt hơn, trong một số báo cáo của tỉnh đều nêu rõ sự phản đối của người dân về việc lập công viên nghĩa trang tại đây.

Lý do mà người dân phản đối kịch liệt nhất dự án "siêu nghĩa trang" này là do vị trí xây dựng nằm trên khu vực rừng phòng hộ, đây là diện tích các hộ dân được nhà nước giao cho để trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng từ rất nhiều năm trước.

Ông Nguyễn Văn Thắng (xã Bồ Lý - huyện Tam Đảo) cho biết: "Tính đến năm 2014, cả tỉnh có khoảng 4.000ha đất rừng phòng hộ, ở Tam Đảo có khoảng 500 ha. Nếu như họ lấy 105,5 ha rừng phòng hộ tại xã chúng tôi để làm nghĩa trang thì rõ ràng diện tích rừng phòng hộ giảm đi trông thấy. Thử hỏi sẽ ảnh hưởng thế nào đến môi trường sống của người dân địa phương?".

Theo tìm hiểu, khu vực chủ trương lấy đất rừng phòng hộ làm dự án "siêu nghĩa trang" thì đây dãy núi Ngang, có địa hình cao nhất so với các khu vực trong xã, dự án này lại kéo dài vài cây số. Việc người dân lo lắng là có cơ sở, bởi khi xây dựng nghĩa trang sẽ khiến mạch nước ngầm và nguồn nước tự nhiên bị ô nhiễm.

Từ đó sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân. Anh Ngô Văn Lương bức xúc: "Thực sự không hiểu họ nghĩ gì, một đứa trẻ con cũng hiểu là làm nghĩa trang trên địa hình cao như vậy, trải dài như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến mạch nước ngầm.

Các hộ dân dưới chân núi, thậm chí cả những vùng lân cận cũng dùng nước. Chúng tôi cực lực phản đối dự án này, tha thiết đề nghị các cấp chính quyền xem xét lại dự án, có thể chuyển dự án đó đi nơi khác không ảnh hưởng đến đời sống nhân dân".

 

 Nếu nghĩa trang được xây dựng, chắc chắn nguồn nước tại đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

 

Một lý do nữa khiến người dân quyết liệt phản đối là do dãy núi Ngang kéo dài đến 7 km, lâu nay là bức tường ngăn lũ cho dân. Hơn nữa nó còn là khu vực mang giá trị về du lịch, văn hóa tâm linh của địa phương. Trên đỉnh núi có đền thờ "Thất vị đại vương", di tích quốc gia được nhân dân dựng lên từ nhiều đời nay.

Gom hợp đồng

Điều đặc biệt đang xảy ra tại khu vực rừng phòng hộ núi Ngang, gần đây liên tục xảy ra hiện tượng cháy rừng quy mô lớn. Việc cháy rừng bất thường này đã khiến hơn 30ha rừng phòng hộ Núi ngang thành tro tàn. Đồng thời với những trận cháy rừng bất thường, là liên tục có những "hợp đồng ủy quyền" đất rừng lâu năm cho người ngoài địa phương.

Hiện tượng này khiến không ít người nghi ngờ về việc "lách luật" mua bán, chuyển nhượng rừng phòng hộ. Theo người dân chia sẻ, các bản hợp đồng này được một người từ Hà Nội lên Tam Đảo gom đất rừng người dân quản lý với thời hạn 50 năm.

Cụ thể, tại thôn Tân Lập, xã Bồ Lý rất nhiều người dân ký hợp đồng ủy quyền sử dụng đất với một người phụ nữ tên Vũ Thụy Vân (trú tại H10, ngõ 132, phố Trung Kính, Phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội). Rất nhiều diện tích đất sườn núi Ngang được chuyển nhượng với mục đích kinh doanh lâm nghiệp, đều có thời hạn 50 năm.

Sau khi tìm hiểu, nhiều người dân thấy sự trùng hợp bất ngờ, đó là địa chỉ đăng ký hộ khẩu thường trú của người phụ nữ tên Vân lại là địa chỉ đăng ký của Công ty Cổ phần Đầu tư Bình Minh Xanh - doanh nghiệp đề xuất xây dựng "siêu nghĩa trang".

Qua đây nhiều người cho rằng tỉnh Vĩnh Phúc đang "lén lút" làm ngược quy trình, bởi theo quy định của Luật Đất đai, đất rừng phòng hộ là loại đất đặc biệt. Nó có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng nên đã được pháp luật đưa ra những hạn chế nhất định trong hoạt động chuyển nhượng.

Nếu muốn chuyển đổi từ đất rừng phòng hộ sang đất nghĩa trang thì phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ (diện tích trên 20ha). Đặc biệt hơn, theo luật Đầu tư, chuyển đổi trên 50ha rừng phòng hộ sang đất làm nghĩa trang phải được Quốc hội thông qua.

Điều này khiến nhiều người băn khoăn, tại sao chỉ trong 2 ngày nhận được Tờ trình dự án, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã thống nhất và đồng ý. Thời gian 2 ngày ngắn ngủi liệu cơ quan có thẩm quyền đã kịp bàn bạc tính khả thi, tính khoa học của dự án? Một dự án lớn, đặc biệt là xây dựng nghĩa trang có ảnh hưởng thế nào đến môi trường, tới đời sống dân sinh? Thực tế là thời điểm bắt đầu xây dựng dự án "siêu nghĩa trang" chưa hề được lấy ý kiến của người dân.

Chỉ sau khi báo chí vào cuộc, UBND tỉnh Vĩnh Phúc mới ký tờ trình đề nghị dừng chủ trường xây dựng tại rừng phòng hộ ở khu vực núi Ngang. Thời gian gần đây, UBND huyện Tam Đảo, UBND xã Bồ Lý lại bất ngờ tiến hành lấy ý kiến đóng góp của người dân về Dự thảo "Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất đến năm 2017" của huyện.

Thành phần của cuộc họp lấy ý kiến là rất hạn chế, những người phản đối mạnh mẽ dự án công viên nghĩa trang tại núi Ngang gần như không được tham gia. Đặc biệt hơn cuộc họp diễn ra vào ngày 3-10-2017 nhưng đến chiều 2-10-2017 văn bản lấy ý kiến người dân mới được chuyển ra ngoài.

Một số người dân cho rằng, bản đồ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2017 của huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc đã ghi rõ núi Ngang là nơi xây dựng công viên nghĩa trang có quy mô hơn 100ha. Phải chăng tỉnh Vĩnh Phúc đang tìm mọi cách để hợp thức hóa việc sử dụng rừng phòng hộ làm công viên nghĩa trang? Rồi sẽ bất ngờ thu hồi đất rừng khiến người dân không kịp phản ứng?

Chưa khi nào người dân ở xã Bồ Lý lại lo lắng trước nguy cơ rừng phòng hộ bị xóa xổ, những hệ lụy nặng nề là điều ai cũng thấy. Thiết nghĩ, các cấp chính quyền, đặc biệt là Tỉnh ủy - UBND tỉnh Vĩnh Phúc cần lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân để xem xét dự án. Có như vậy mới đảm bảo được lợi ích, ổn định đời sống của người dân.

GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, nay là Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đưa ra quan điểm: "Vĩnh Phúc là vùng đất đai rộng, không thiếu gì địa điểm phù hợp để xây dựng nghĩa trang, không nên phá rừng phòng hộ Tam Đảo để làm nghĩa trang. Như thế sẽ rất nguy hiểm do mất rừng, phá hoại tiềm năng du lịch.

Tôi chưa thấy nước nào trên thế giới phá rừng phòng hộ làm nghĩa trang. Lại càng không có ở đâu đặt nghĩa trang vào khu du lịch cả. Trên thế giới họ thường bố trí nghĩa trang ở những vùng đất không có nhiều tiềm năng, về sản xuất nông nghiệp, công nghiệp để tránh lãng phí".

l Ông Nguyên Quốc Trị, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp kiêm Cục trưởng Cục Kiểm lâm - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), cho biết: "Để xây dựng khu công viên nghĩa trang tại núi Ngang, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc phải thông qua rất nhiều bước, trong đó có việc phải xin ý kiến và phải có sự đồng ý của Bộ NN và PTNT.

Theo tôi biết, dự án này mới chỉ ở giai đoạn UBND tỉnh báo cáo với Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc thôi. Muốn chuyển đổi rừng phòng hộ sang sử dụng mục đích khác thì phải theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, chứ không phải muốn chuyển là chuyển được. Luật Bảo vệ và Phát triển rừng quy định rất rõ việc chuyển đổi bao nhiêu hecta thì phải báo cáo Chính phủ, báo cáo Bộ NN-PTNT. Tỉnh Vĩnh Phúc không thể tự làm, tự quyết được đâu!".

Phong Anh

Theo CAND

NỔI BẬT TRANG CHỦ