(Tổ Quốc) - Sáng nay (2/11), các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiến hành thảo luận tổ về kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công và tài chính quốc gia.
Phát huy sức mạnh tổng hợp “kiềng ba chân”
Hầu hết các ĐB đều cho rằng, trước những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, thiên tai bão lũ xảy ra dồn dập từ đầu năm đến nay nhưng nhờ sự chỉ đạo của Đảng, điều hành linh hoạt của Chính phủ và sức mạnh của lòng dân đã giúp cho tình hình đất nước ổn định và đạt được những kết quả nhất định.
Theo ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP HCM), với những diễn biến khó lường của năm 2020, điều dễ nhận thấy nhất đó là sự linh hoạt trong điều hành, sự chuyển động để thích ứng với tình hình của Chính phủ. Đặc biệt, trong khó khăn đã bộc lộ rõ năng lực lãnh đạo của Đảng, sự chấp hành, tín nhiệm của Nhân dân.
“Sự lãnh đạo của Đảng - vào cuộc của cơ quan chính quyền, đoàn thể - lòng dân” như chiếc "kiềng ba chân", khi có biến cố chúng ta lại càng thấy rõ điều đó - ĐB Tâm nói.
Theo ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội), dù các chỉ tiêu phát triển kinh tế trong năm 2020 đều không như kế hoạch đã đề ra nhưng cử tri hài lòng bởi trong thế giới và trong nước đều chịu tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19. “Qua thiên tai, dịch bệnh thể hiện được tình người của người Việt Nam, là bài học để giáo dục thế hệ trẻ, thể hiện rõ trách nhiệm của Chính phủ trong điều hành kinh tế - xã hội trong thiên tai và dịch bệnh” - ĐB Nguyễn Anh Trí nói.
Dự báo “sẽ thấm đau” trong năm 2021
Nhận định chúng ta sẽ “thấm rất đau” trong năm 2021 cả về tinh thần lẫn kinh tế, ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị Chính phủ cần phải có nhìn nhận, phân tích, nghiên cứu đánh giá lại, thảo luận để đưa ra bài học kinh nghiệm. Phải nhận định những tác động từ năm 2020 để đưa ra phương hướng, kịch bản cho năm 2021. Chính phủ dù đã có đề cập nhưng chưa hết, có vấn đề chưa trúng.
Đồng quan điểm này, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho rằng, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và dự kiến các mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025 được dự thảo trước thời điểm xảy ra bão lụt tại miền Trung, do đó các kịch bản chỉ tiêu tăng trưởng cần được rà soát lại toàn bộ để đáp ứng tình hình mới.
Theo quan điểm của ĐBQH Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM), trong bối cảnh thế giới và trong nước vẫn chưa ổn định về dịch bệnh, Chính phủ nên đưa ra 2 kịch bản, cả kịch bản tốt và kịch bản xấu.
Theo vị ĐB này, năm 2020 chúng ta đã bội chi vượt dự toán. Nhưng, trong kế hoạch chi có dự phòng ngân sách khoảng hơn 30.000 tỷ đồng. Theo quan điểm của ông Ngân thì nên để số tiền này hỗ trợ cho bà con miền Trung khắc phục thiên tai bão lụt.
"Về mục tiêu “kép” mà Chính phủ đặt ra, cần phải chú trọng mục tiêu kiểm soát dịch bệnh. Nếu để dịch bệnh bùng phát thì mục tiêu phát triển kinh tế xã hội cũng không thể thực hiện được” - ông Ngân nói.
Cần có “cú hích” để phát triển ngành Du lịch
Đi vào một số nhiệm vụ cụ thể, ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, hiện nay ngành Du lịch đã sẵn sàng để tái khởi động lại, chính vì vậy, Chính phủ cần có những “cú hích” để giúp các doanh nghiệp đầu tư để tái thiết lại hoạt động. Khẳng định “Du lịch có thể trở lại rất ngoạn mục”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị Quốc hội cần bàn sâu về vấn đề này.
Về lĩnh vực nông nghiệp, vị ĐB đoàn TP HCM nêu quan điểm, trong bối cảnh các nước còn khó khăn, Việt Nam cần nổi lên như một quốc gia có trách nhiệm với quốc tế về cung cấp các thực phẩm, hàng hóa. “Đây là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu và kích hoạt chương trình người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” - bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh.
Bày tỏ ủng hộ về chỉ tiêu phát triển kinh tế trên 6% mà Chính phủ đặt ra trong giai đoạn 2021-2025, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng “Chúng ta có thể đạt được nhưng phải thắt lưng, buộc bụng”.
Để làm được điều này, ông Phan Thanh Bình kiến nghị 3 vấn đề. Thứ nhất là về quan điểm, theo đó nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn bộ xã hội phải có khát vọng vươn lên. Thứ hai là tận dụng triệt để các hiệp định thương mại tự do để không phụ thuộc vào các nền kinh tế mạnh trong khu vực và cuối cùng là tranh thủ tối đa các mối quan hệ quốc tế./.