(Tổ Quốc) - Ngày 2/11, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành nhiều thời gian để chia sẻ về vấn đề lũ lụt, thiên tai ở các tỉnh miền Trung vừa qua.
Chưa bao giờ thiên tai dồn dập như năm nay
Thủ tướng Chính phủ cho biết, chưa bao giờ thiên tai lại dồn dập như vậy ở Việt Nam, gây ra thiệt hại rất lớn về con người và tài sản như năm nay. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã có các chỉ đạo quyết liệt để ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, giúp người dân các tỉnh miền Trung sớm ổn định cuộc sống.
Nói về các vụ việc sạt lở đất nghiêm trọng vừa qua, Thủ tướng nhấn mạnh nguyên nhân chính là do kết cấu địa chất bị ảnh hưởng bởi mưa lớn kéo dài. Trong khi đó, vùng núi ở các tỉnh miền Trung rất dốc, nhiều đất sét, mưa lớn đã phá hỏng kết cấu.
Dẫn chứng từ vụ sạt lở núi ở huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) khiến 22 cán bộ, chiến sĩ tử nạn và vụ sạt lở ở Trà Leng (Quảng Nam), các ngọn núi đều ở khá xa khu dân cư hoặc khu nhà ở của quân đội nhưng sạt lở khiến bùn đất vùi lấp nhiều người, Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh do mưa lớn, kéo dài đã làm thay đổi kết cấu địa chất.
"Như vụ sạt lở ở Trà Leng, ở đây không có thuỷ điện nào cả, ở Hướng Hoá (Quảng Trị) cũng vậy"- Thủ tướng nói.
Dù vậy, lãnh đạo Chính phủ khẳng định luôn hạn chế tối đa tác động của con người.
Theo đó, cần phải hạn chế thuỷ điện nhỏ để không xảy ra tình trạng chiếm rừng, đất rừng. Đối với những dự án quan trọng có liên quan đến đất rừng, đều trình Quốc hội để xin ý kiến, xem xét.
Không nên trồng rừng kinh tế mà tập trung vào rừng nguyên sinh
Nêu quan điểm “1ha rừng nguyên sinh còn hơn cả 10ha trồng lại”, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) cho rằng, hiện nay rất khó để kiểm soát được việc đã trồng lại rừng như thế nào. Cử tri từng phản ánh có dự án phá rừng trước để lấy vốn đầu tư sau.
Về vấn đề biến đổi khí hậu, vị ĐB đoàn TP HCM cho rằng nên có đánh giá lại quá trình 20 năm qua như thế nào, bao nhiêu là thiên tai, bao nhiêu là nhân tai? “Thiên tai chúng ta không né được, nhưng làm tốt phòng tránh thì thiệt hại sẽ giảm xuống nhiều hơn. Đồng thời, cũng cần đánh giá việc làm nhiều dự án thủy điện thì khi thiên tai ập xuống có tránh được không?” - ông nói.
Đại biểu Thào Xuân Sùng (đoàn Hà Giang) đề nghị, Chính phủ cần rà soát để báo cáo với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sự an toàn của hệ thống thủy điện, thủy lợi và các hồ chứa nước.
“Quan điểm của tôi, những thủy điện nhỏ và vừa đã và đang làm nếu như không an toàn cho hạ lưu, không đảm bảo môi trường rừng, xâm lấn rừng thì nên cho dừng xây dựng, có cơ chế đền bù. Vì người chứ không vì tiền” - ĐB Sùng nhấn mạnh.
Lấy dẫn chứng từ việc “mấy huyện của Hà Tĩnh đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nhưng khi mưa to cùng với xã lũ từ hồ Kẻ Gỗ về thì nông thôn mới còn "hai bàn tay trắng”, ĐB đoàn Hà Giang đề nghị không trồng rừng kinh tế, thay vào đó là trồng rừng môi trường (rừng nguyên sinh) để trả lại lớp thực bì cho rừng, có tác dụng cản mưa to rất tốt.
Đồng tình với quan điểm của ĐB Thào Xuân Sùng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, độ che phủ rừng là một vấn đề cần quan tâm hơn trong thời gian tới nên cần phải xem xét lại cơ cấu rừng nguyên sinh, rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Ông cũng thông tin thêm, "tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam đã tăng lên so với các khu vực và trên thế giới".
Đối với thuỷ điện, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay các nguồn tiềm năng lớn đã được khai thác hết. Vừa qua, Chính phủ đã cắt giảm hơn 400 thuỷ điện nhỏ và trong thời gian tới sẽ có những chính sách chặt chẽ để lựa chọn phát triển thuỷ điện một cách phù hợp và bền vững.
Nói thêm về các vụ sạt lở đất tại miền Trung vừa qua, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, nguyên nhân kích hoạt chính là do mưa bão kỷ lục cường độ cao, kéo dài liên tục gần như cả tháng qua ở khu vực Miền Trung. Kết quả làm đất đá bị bão hòa, sũng nước, vừa làm tăng các lực gây trượt, vừa làm giảm các lực kháng trượt, thúc đẩy nhanh quá trình trượt lở./.