• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Du khách tò mò, Chương trình Văn hiến Kinh kỳ “cháy vé”

Thời sự 01/05/2018 16:15

(Tổ Quốc) - Dù lượng vé phát hành ra là khoảng 1.200 nhưng số khán giả thực tế đến xem chương trình “Văn hiến Kinh kỳ” là hơn 1.500 khách. Sức hút của chương trình “đinh” tại Festival Huế 2018 nằm ngoài sự mong đợi của ban tổ chức.

“Hâm nóng” sử thi

Được tổ chức vào các tối 28 và 30/4 tại điện Cần Chánh (Đại Nội Huế), “Văn hiên Kinh kỳ” là một trong những chương trình nghệ thuật “đinh” tại Festival Huế 2018 lần này. Chương trình do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chủ trì tổ chức.

Chương trình nghệ thuật "Văn hiến Kinh kỳ". Ảnh: TT Festival Huế

Đây là một vỡ diễn sân khấu hóa được kết hợp giữa nhiều yếu tố như: âm nhạc, diễn xướng, hoạt cảnh, ngâm thơ, âm nhạc, hiệu ứng âm thanh, kỹ xảo màn hình led, hiệu ứng ánh sáng, khói màu, pháo hoa kỹ thuật cũng nhiều yếu tố cộng hưởng trong nghệ thuật sân khấu khác.

Với thời lượng 90 phút, kịch bản được cấu trúc thành 3 chương, mỗi chương có nhiều cảnh diễn, đan xen tương ứng với 14 hồi gắn với các chủ đề, nội dung. “Văn hiến kinh kỳ" tập trung làm nổi bật các chủ đề như công cuộc xây dựng Kinh đô, thực thi chủ quyền đất nước, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và cuộc sống thanh bình với những giá trị được sáng tạo nên của một đất nước văn hiến, độc lập trong diễn trình lịch sử của dân tộc.

Dựa trên cơ sở xâu chuỗi các sự kiện, chương trình nghệ thuật cũng làm nổi bật 5 di sản văn hóa được thế giới công nhận là Quần thể di tích cố đô Huế (1993), Nhã nhạc cung đình Huế (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2010), Châu bản triều Nguyễn (2014) và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016).

Tinh hoa văn hóa của vùng đất, con người xứ Thuận Hóa xưa được tái hiện lại qua chương trình "Văn hiến Kinh kỳ". Ảnh: TT Festival Huế

Được đầu tư khá kỹ lưỡng khi có sự tham gia biểu diễn của gần 400 diễn viên, nghệ sĩ bằng chất liệu 9 bài thơ trên di tích Cố đô Huế, 12 bài bản âm nhạc và 12 điệu múa bao gồm nguyên bản, phát triển và sáng tác mới trên nền tảng truyền thống, với hơn 100 loại đạo cụ, hơn 60 loại phục trang... Trong lần đầu tiên xuất hiện tại Festival Huế, “Văn hiến Kinh kỳ” đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho người dân và du khách.

Bằng sự mới lạ, hấp dẫn khi “hâm nóng” lại sử thi và làm nổi bật lên những tinh hoa văn hóa của vùng đất, con người xứ Thuận Hóa xưa, đây được đánh giá là một trong những chương trình nghệ thuật có chất lượng cao nhất tại kỳ Festival Huế lần này.

“Cháy vé” trong các đêm diễn

Theo Ban tổ chức, các đêm diễn của chương trình “Văn hiến Kinh kỳ” tại Festival Huế lần này đều nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả. Trước các buổi diễn luôn có rất đông người tập trung tại Đaị Nội để chờ được vào xem.

Dù lượng vé được Ban tổ chức phát hành ra cho hai đêm diễn là khoảng 1.200 nhưng số lượng khán giả thực tế đến xem chương trình là hơn 1.500 khách. Để đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách, bộ phận hậu cần của Ban tổ chức phải liên tục tiếp ghế, bố trí thêm chỗ ngồi ở cả những khu vực không nằm trong dự kiến ban đầu. Sức hút quá lớn của chương trình là nằm ngoài sự mong đợi.

 Đông đảo người dân và du khách đã quan tâm, theo dõi chương trình "Văn hiến Kinh kỳ" tại Festival Huế 2018.

Sau khi xem chương trình, anh Nguyễn Nam (người dân TP. Huế) chia sẻ: “Chương trình được dàn dựng quá hoành tráng và công phu. Từ ánh sáng, âm nhạc đến các phân cảnh… tất cả được kết hợp rất nhuần nhuyễn, cuốn hút người xem liên tục. Tôi nghĩ chúng ta nên mừng vì Huế đã có thể dựng được một chương trình quy mô và ý nghĩa thế này”.

Theo đánh giá của nhiều người một trong những yếu tố làm nên thành công của “Văn hiến Kinh kỳ”, làm cho chương trình này trở nên gần gũi và dễ hiểu với mọi lứa tuổi đó là cách dẫn dắt câu chuyện. Cùng với thủ pháp đồng hiện, từ âm nhạc, ánh sáng, những điệu múa, màn hình led chạy chữ song ngữ,... Người xem “Văn hiến Kinh kỳ” còn được dẫn theo mạch của câu chuyện bằng chất giọng “rất Huế”. Điều đó khiến cho cả những khán giả khó tính cũng cảm thấy hài lòng.

Theo ông Nguyễn Phước Hải Trung - Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, là đồng tác giả kịch bản và đồng đạo diễn, sau Festival Huế 2018, “Văn hiến Kinh kỳ” sẽ được tinh gọn, lựa chọn cách dựng phù hợp để tạo thành một sản phẩm phục vụ du khách lâu dài.

Hiện Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã hoàn thiện đề án xây dựng nhà hát Văn hiến Kinh kỳ để biểu diễn chương trình nghệ thuật này. Đây hứa hẹn sẽ là một sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn du khách khi đến tham quan Đại Nội Huế trong thời gian tới.

Lê Chung

 

 

Lê Chung

NỔI BẬT TRANG CHỦ