• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Du lịch bền vững lọt top 6 xu hướng phát triển xanh vào năm 2023

Du lịch 29/12/2022 13:36

(Tổ Quốc) - Dẫn nhận định từ nhiều chuyên gia, trang Eco-business đã đưa ra 6 xu hướng có thể định hình lại sự phát triển xã hội và doanh nghiệp khi thế giới đang hướng đến vượt qua những tín hiệu không chắc chắn toàn cầu.

Trong thời gian qua, đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga – Ukraine đã ảnh hưởng nhiều tới những dự báo về sự phát triển của xã hội và doanh nghiệp. Trong bối cảnh này, có 6 xu hướng có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển bền vững toàn cầu vào năm 2023.

Châu Á trở thành nơi cung cấp nhiên liệu hóa thạch

Nga, nhà xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch lớn nhất thế giới vào năm 2021, đã gây chấn động thị trường năng lượng toàn cầu với cuộc xung đột Ukraine. Trong năm mới, châu Âu có thể sẽ chuyển sang châu Á để tìm nguồn cung năng lượng, gia tăng nhu cầu mua đối với các nước sản xuất than, dầu và khí đốt trong khu vực châu Á như Indonesia hay Malaysia.

Sự gia tăng nhu cầu về năng lượng hóa thạch có thể sẽ khiến giá của chúng tăng lên tại châu Á. Beni Suryadi, Giám đốc nghiên cứu về năng lượng, nhiên liệu hóa thạch và năng lượng thay thế tại Trung tâm năng lượng ASEAN cho biết: "Với sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, khu vực ASEAN sẽ phải đối mặt với những khó khăn mới về an ninh năng lượng".

Thêm vào đó, tác động của tình trạng khó đoán hiện tại đối với quá trình chuyển đổi năng lượng xanh toàn cầu vẫn còn cần phải đánh giá thêm. Một mặt, một số quốc gia có thể tận dụng cơ hội này để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió để đảm bảo an ninh năng lượng. Mặt khác, nhiều nước đang phát triển cũng đang gặp khó khăn vì thiếu cơ sở hạ tầng sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi này.

Nông nghiệp công nghệ cao, phát triển thịt trong phòng thí nghiệm

Tình trạng thiếu lao động liên quan đến đại dịch và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do xung đột Nga-Ukraine gây ra là một số yếu tố chính đẩy giá lương thực lên mức cao nhất trong mười năm qua.

Du lịch bền vững lọt top 6 xu hướng phát triển xanh vào năm 2023 - Ảnh 1.

Thế giới tăng cường phát triển các công nghệ nông nghiệp xanh. Ảnh: eco-business.

Do đó, việc sử dụng công nghệ để tăng sản lượng lương thực với chi phí thấp nhất đã và đang được áp dụng. Ví dụ, Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) có trụ sở tại Philippines đã chuẩn bị cho tình trạng thiếu lương thực bằng cách biến đổi gen lúa để tối ưu hóa dinh dưỡng và năng suất. Họ đã phát triển Golden Rice, một loại gạo chứa nhiều vitamin để cung cấp dinh dưỡng nhiều hơn với chi phí thấp hơn.

Tại Trung Quốc, hệ thống băng tải Sananbio giúp tự động hóa việc gieo hạt và cấy trong các trang trại. Kaisheng Haofeng, một trong những nhà kính lớn nhất thế giới, cũng có kế hoạch trang bị robot để thu hoạch và đóng gói trong các vườn ươm của mình vào năm 2023.

Nhiều cách sản xuất thực phẩm công nghệ cao hơn cũng đang được thực hiện bằng việc nuôi cấy tế bào thịt trong phòng thí nghiệm. Công ty Shiok Meats của Singapore chuẩn bị ra mắt tôm và tôm hùm được nuôi từ tế bào thí nghiệm trong năm tới, trong khi đối thủ cạnh tranh chính của họ là Alt Farm ở Hồng Kông (Trung Quốc) sẽ "in" thịt bò wagyu. Alt Farm là công ty chuyên về công nghệ in thực phẩm 3D sử dụng quá trình xử lý hóa học.

Người tiêu dùng gia tăng chi tiêu cho các sản phẩm bền vững hơn

Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, nhiều người có thu nhập thấp và thậm chí muốn bảo đảm an toàn về tài chính sẽ có những lựa chọn tiêu dùng mới bền vững hơn.

Matthew Crabbe, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của công ty nghiên cứu thị trường Mintel Trends cho biết, ngoài việc chọn các giải pháp thân thiện với ngân sách thì người tiêu dùng cũng sẽ hướng đến các sản phẩm bền vững và có giá trị hơn.

Những thay đổi trong lối sống sẽ dần lan rộng trong năm tới, chẳng hạn như tiêu thụ ít thịt hơn, mua sản phẩm sắp hết hạn sử dụng hoặc mua sản phẩm trồng tại địa phương có hình dạng xấu xí vì giá rẻ hơn.

Những thói quen như vậy đã xuất hiện từ đầu năm 2021 khi trang web mua sắm Taobao Juhuasuan của Trung Quốc triển khai bán hàng trực tuyến các sản phẩm tẩy rửa gia dụng và thực phẩm sắp hết hạn sử dụng với mức giảm giá lên tới 70%. Khoảng 2,1 triệu người tiêu dùng đã mua thực phẩm sắp hết hạn thông qua Taobao.

Công ty giao đồ ăn có trụ sở tại Singapore, Foodpanda, đặt mục tiêu giúp người dùng dễ dàng xác định và hỗ trợ các thương hiệu bền vững trên nền tảng của mình, cũng đã thông qua chương trình chứng nhận nhà hàng "Nhãn xanh" trong năm nay. Các tiêu chí đánh giá là thực phẩm của nhà hàng có nguồn gốc bền vững, bao bì có thể tái chế, giảm chất thải, không lãng phí thực phẩm và giảm khí thải carbon.

Tăng kết nối lại với cộng đồng doanh nghiệp địa phương

Giữa nhiều tín hiệu không chắc chắn toàn cầu, đang có một phong trào bảo vệ tài nguyên địa phương và thúc đẩy kinh doanh địa phương. Sẽ ngày càng có người tiêu dùng xem xét kỹ lưỡng rằng liệu các thương hiệu toàn cầu có thực hiện nghiêm túc các cam kết tại địa phương hay không.

Chẳng hạn, vào tháng 8 năm nay, McDonalds Tây Ban Nha đã ra mắt một mặt hàng lạ là chiếc hộp rỗng – tượng trưng cho một chiếc bánh mì kẹp thịt. Sau một mùa hè Tây Ban Nha xảy ra nhiều trận cháy rừng nghiêm trọng, số tiền bán chiếc hộp rỗng kia đã được trích hơn 50.000 USD hỗ trợ trực tiếp cho nông dân Tây Ban Nha, những người bị mất mùa vì cháy rừng.

Chuyên gia Crabbe nói: "'Chủ nghĩa địa phương' sẽ là tăng cường hỗ trợ cho các nhà sản xuất địa phương, các thương hiệu địa phương và xa hơn là thúc đẩy tình hình kinh tế, xã hội địa phương".

Du khách hướng đến du lịch sinh thái và bền vững với môi trường

Sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng cũng sẽ ảnh hưởng đến ngành du lịch khi du khách muốn làm những điều ý nghĩa với tự nhiên và xã hội.

Nghiên cứu của mạng du lịch Virtuoso năm 2022 cho biết thế hệ trẻ sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho "các thương hiệu và trải nghiệm du lịch thân thiện với môi trường, mang lại giá trị cho người dân địa phương, đồng thời bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên".

Tại Philippines, doanh nghiệp du lịch xã hội MAD đang thu hút hàng nghìn khách du lịch đến trồng lại rừng ở vùng núi Zambales cằn cỗi.

Thêm vào đó, khách du lịch cũng sẽ yêu cầu các công ty du lịch công khai dữ liệu về tác động của họ tới môi trường, ví dụ như lượng khí thải họ tạo ra, trước khi du khách đặt dịch vụ.

Công ty đặt phòng có trụ sở chính tại Thụy Điển Alight đã ra mắt công cụ tính toán lượng khí thải carbon vào năm 2021, cung cấp thông tin cho du khách để họ có thể lựa chọn các điểm đến phù hợp và có thể đóng góp vào quá trình giảm phát thải nếu muốn.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ