(Tổ Quốc) - Theo NBC, nhân lực trong ngành du lịch và khách sạn Mỹ đang ít hơn thời kỳ trước đại dịch gần 1 triệu người. Tình hình này có thể ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách hàng ngay cả khi giá dịch vụ vẫn ở mức cao.
Người dân Mỹ đang chuẩn bị có một kỳ nghỉ Giáng sinh dài trong tuần này. Gần 113 triệu người Mỹ được dự báo sẽ đi du lịch từ ngày 23/12 và ngày 2/1, theo đơn vị bảo hiểm AAA. Tuy nhiên, họ đang phải đối mặt với nguy cơ không được phục vụ đầy đủ ngay tại sân bay và các điểm đến do tình trạng thiếu nhân lực phục vụ. Lực lượng nhân lực trong ngành du lịch trí và khách sạn Mỹ vẫn đang thấp hơn 5,8% so với tháng 2 năm 2020, dù đã nỗ lực tuyển được thêm khoảng 980.000 người so với tháng trước, theo dữ liệu liên bang Mỹ.
Ngành vận tải du lịch 'đau đầu' vì thiếu người
Nhiều khách sạn, hãng hàng không, công ty khai thác du thuyền và sân bay Mỹ vẫn đua nhau tuyển dụng và đào tạo nhân lực để đáp ứng nhu cầu hiện tại. Henry Harteveldt, nhà phân tích ngành du lịch tại đơn vị tham vấn Atmosphere Research Group, cho biết: "Sau một mùa hè với vô số vấn đề về hoãn và hủy chuyến bay, các hãng hàng không Mỹ đã thành công trong việc thuê thêm nhiều phi công và tiếp viên, đồng thời đào tạo họ. Họ cũng đã thuê người làm việc tại các sân bay, văn phòng đặt phòng và những nơi khác. Vì vậy, tôi dự đoán rằng từ phía hãng hàng không, chúng tôi sẽ có một mùa Giáng sinh và Năm mới tốt lành."
Tuy nhiên, khách hàng vẫn chưa nhận được trải nghiệm dịch vụ hoàn hảo. Rachel Franklin, giáo sư địa lý tại Vương quốc Anh cho biết: "Kể từ mùa hè, khi tôi bay giữa Mỹ và Vương quốc Anh, các phòng chờ chật cứng đến mức đôi khi không thể tìm được chỗ ngồi". Bà cũng chia sẻ thêm là đôi khi bà nhìn thấy "những chiếc bát đĩa đã qua sử dụng chất thành đống xiêu vẹo trên bàn, vì vậy bà cũng không thể ngồi ở đó".
Để giải quyết tình trạng quá tải, một số hãng hàng không đang thắt chặt quyền sử dụng phòng chờ và hạn chế hoặc loại bỏ vé sử dụng phòng chờ theo ngày.
Bắt đầu từ ngày 1 tháng 1, tư cách thành viên Câu lạc bộ Sky của Delta Air Lines sẽ chỉ dành cho những người có "Huy chương Bạc" và các hành khách cấp cao khác, đồng thời phí để gia nhập sẽ tăng lên. Đến ngày 2 tháng 2, các hội viên đi hạng phổ thông cơ bản sẽ không được vào phòng chờ trừ khi họ thanh toán bằng một số loại thẻ nhất định.
Alaska Airlines cũng sẽ tăng phí thành viên phòng chờ thêm 50 USD bắt đầu từ năm tới. Bắt đầu từ ngày 15 tháng 2, hãng cũng sẽ chỉ cấp quyền sử dụng phòng chờ miễn phí cho những hành khách nhất định mua vé hạng nhất và đường dài.
Chuyên gia Harteveldt cho biết: "Vào lúc này, bạn sẽ không muốn bỏ tiền ra trước để mua thẻ vào phòng chờ chỉ để được thông báo: 'Xin lỗi, chúng tôi không chấp nhận chúng'. Thay vào đó, hãy chờ cho đến khi bạn có mặt tại sân bay và tự tin rằng bạn sẽ có thể nhập cảnh thì hãy mua thẻ vào phòng chờ".
Nhiều nhân viên sân bay cho biết họ cũng đang làm việc quá sức và đội ngũ của họ thiếu nhân lực và do đó khiến việc duy trì chất lượng dịch vụ cho rất nhiều hành khách trở nên khó khăn.
Đầu tháng này, các thành viên của Liên minh Nhân viên Dịch vụ Quốc tế làm công việc xử lý hành lý, dọn dẹp cabin, người phục vụ xe lăn và người gác cổng đã biểu tình tại 15 sân bay của Mỹ, kêu gọi trả lương cao hơn và điều kiện tốt hơn. Omar Rodriguez, nhân viên dọn dẹp cabin cho nhà thầu Swissport USA tại Sân bay LaGuardia của Thành phố New York, cho biết: "Chúng tôi rất thiếu nhân viên và tình hình đó khiến bạn gần như không thể nghỉ ốm một ngày nào. Chúng tôi bị phàn nàn vì sự chậm trễ, nhưng chúng tôi chỉ có vài phút để dọn dẹp và không có đủ người để thực hiện công việc."
Thiếu hụt nhiều vị trí tại khách sạn
Chuyên gia Harteveldt cho biết tại nhiều sân bay, các nhà khai thác đang phải vật lộn để thuê và giữ nhân viên tại các cửa hàng, nhà hàng và quán bar. Lúc này, hành khách đang phải xếp hàng lâu hơn, giờ hoạt động hạn chế hơn và một số không gian thương mại vẫn chưa mở cửa trở lại.
Thêm vào đó, dịch vụ tại nhiều khách sạn cũng đang bị hạn chế. Jan Freitag, giám đốc về phân tích khách sạn của CoStar Group, một công ty nghiên cứu bất động sản thương mại, cho biết nhiều khách sạn đang hoãn thời gian dọn phòng hàng ngày. Các khách sạn đó đang phục vụ theo nhu cầu: "Họ nói, 'Tất nhiên, chúng tôi ở đây nếu bạn cần khăn tắm hay thứ gì đó, nhưng họ sẽ không tự động dọn phòng cho bạn."
Trong khi nhiều dịch vụ chưa được khôi phục nhưng giá phòng dường như lại đang đắt đỏ hơn. Giá phòng đã tăng 15% trong tháng 11 này so với tháng 11 năm 2019, theo Freitag. "Đó chỉ là mức trung bình trên toàn nước Mỹ. Nếu bạn ở trong một khách sạn hoặc khu nghỉ dưỡng 4 hoặc 5 sao, bạn sẽ phải trả mức giá cao hơn nhiều, trong một số trường hợp, cao hơn 30% so với năm 2019", ông Freitag nói.
Ông cho biết, tại hầu hết các khách sạn 2 và 3 sao, khách thường phải yêu cầu dịch vụ dọn phòng và trong khi các phòng đắt tiền hơn có nhiều khả năng sẽ bao gồm dịch vụ này, thì "một số khách sạn cao cấp cũng có thể không có đủ nhân viên để dọn phòng".
Hiện tại có hơn 100.000 việc làm khách sạn đang tuyển dụng trên toàn nước Mỹ, theo Hiệp hội Khách sạn và Nhà nghỉ Mỹ. Chip Rogers, Giám đốc điều hành của Hiệp hội này cho biết: "Tuyển dụng nhân công tiếp tục là thách thức hàng đầu đối với nhiều chủ khách sạn".
Lúc này hành khách nên "sẵn sàng trả nhiều hơn bình thường một chút nếu muốn có kỳ nghỉ trong mơ," hoặc linh hoạt thời gian để tránh những thời điểm đông đúc nhất.
Abby Rhinehart, một nhà nghiên cứu giáo dục ở Tucson, Arizona cho biết: "Năm nay, tôi đã chuyển kỳ nghỉ hàng năm của mình sang đầu tháng 12. "Hơi lạ khi ăn mừng đầu tháng như vậy, nhưng tôi nghĩ cũng đáng để tránh mọi căng thẳng", bà Abby chia sẻ.