(Tổ Quốc) - Những năm qua, du lịch nông thôn (Rural tourism) đã trở thành thế mạnh ở Quảng Bình, thu hút hàng ngàn du khách mỗi năm đến khám phá những vùng quê yên bình với bề dày truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, các loại đặc sản nông thổ sản bản địa và ẩm thực độc đáo, làng nghề truyền thống… Sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, những giá trị văn hóa đặc sắc và sự chân thực của cuộc sống nông thôn đã tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo mang màu sắc đa dạng và khác biệt của du lịch nông thôn ở Quảng Bình.
- 04.10.2023 Quảng Bình: Chung tay cùng nhau phát triển du lịch bền vững
- 15.08.2023 Quảng Bình: Biến những tiềm năng thành hiện thực phát triển du lịch
- 25.06.2023 Quảng Bình phải xác định tầm nhìn lớn, đủ sâu, đủ rộng hơn nữa để phát triển du lịch
- 01.01.2023 Những vị khách quốc tế đầu tiên "xông đất" Quảng Bình
Nhiều chương trình xây dựng du lịch nông thôn
Từ những lợi thế về văn hoá, lịch sử và thiên nhiên ban tặng cho khu vực nông thôn ở tỉnh Quảng Bình do vậy việc phát triển du lịch ở vùng nông thôn với ý nghĩa là không gian đặc thù mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc chính là nguồn tài nguyên du lịch có giá trị, góp phần tích cực thu hút du khách đến với Quảng Bình.
Ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình chia sẻ: Có thể thấy rằng, vị trí, vai trò của du lịch nông thôn ở Quảng Bình có rất nhiều tiềm năng do vậy trong thời gian tới chúng tôi sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn ở Quảng Bình. Nhiều nhiệm vụ, giải pháp đã được đưa ra nhằm thực hiện tốt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Trước hết, ngành du lịch sẽ tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; Đầu tư, phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm, điểm du lịch nông thôn, sản phẩm du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; Tập trung phát triển điểm du lịch nông thôn và sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền có chất lượng, đa dạng, khác biệt, gắn với bản sắc, đặc trưng, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao, theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng du khách.
Đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng phát triển sản phẩm mới, có tính cạnh tranh cao và bắt kịp với xu hướng và thị hiếu của khách du lịch; Nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động và quản lý các điểm đến (quản lý khách du lịch, quản lý lưu trú, quản lý kinh doanh du lịch; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường du lịch nông thôn….
Muốn phát triển du lịch nông thôn, trước hết chất lượng nguồn nhân lực sẽ được chú trọng do vậy ngành Du lịch sẽ rà soát, đánh giá chất lượng nguồn nhân lực du lịch nông thôn và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của các hộ, cộng đồng kinh doanh du lịch nông thôn và các làng bản du lịch cộng đồng.
Bên cạnh đó, việc tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý du lịch, kiến thức thị trường, ngoại ngữ, bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch… cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch các cấp ở khu vực nông thôn cũng như đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng nghề và kỹ năng mềm, kiến thức làm du lịch, ngoại ngữ, văn hóa giao tiếp ứng xử, phục vụ khách, vận hành cơ sở lưu trú… cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia vào hoạt động du lịch nông thôn, xây dựng văn hóa du lịch chuyên nghiệp, thân thiện, an toàn và văn minh…
Tăng cường công tác truyền thông…
Đối với ngành du lịch, công tác truyền thông quảng bá có một vai trò quan trọng trong quá trình phát triển các tour tuyến, điểm đến… và đây chính là kế hoạch "dài hơi" do vậy chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch nông thôn, ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông thôn.
Để truyền thông hiệu quả, ngành du lịch Quảng Bình sẽ đa dạng hóa và đổi mới hình thức, nội dung truyền thông du lịch nông thôn trên nền tảng công nghệ số thông qua các cổng thông tin điện tử, mạng xã hội, bản tin, chuyên đề… trên các kênh truyền thông quốc tế, các tạp chí du lịch và các ấn phẩm du lịch như: sách hướng dẫn, sách ảnh, biển chỉ dẫn du lịch; đẩy mạnh gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Ngọc Quý cũng cho hay: Chúng tôi sẽ tăng cường quảng bá du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các sự kiện, hội chợ du lịch trong nước và quốc tế; đẩy mạnh quảng bá tại các văn phòng lữ hành, đại lý du lịch trong và ngoài nước. Tập trung hỗ trợ, tăng cường liên kết trong hoạt động kinh doanh du lịch giữa các xã, huyện nông thôn mới có tiềm năng phát triển du lịch với các công ty lữ hành để chào bán các sản phẩm du lịch nông thôn cho khách du lịch nội địa và quốc tế...
Với sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, những giá trị văn hóa đặc sắc và sự chân thực của cuộc sống nông thôn đã tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo mang màu sắc đa dạng và khác biệt của du lịch nông thôn ở Quảng Bình. Kỳ vọng rằng với những giải pháp thiết thực, hiệu quả, du lịch nông thôn ở Quảng Bình sẽ trở thành một trải nghiệm hấp dẫn và độc đáo cho du khách muốn tìm hiểu về đất nước và con người Việt Nam nói chung, mảnh đất và con người Quảng Bình nói riêng./.