(Tổ Quốc) - Sau dịch bệnh Covid-19 rồi đến “đại hồng thuỷ” hoành hành trên đất Quảng Bình khiến ngành Du lịch tỉnh này gặp quá nhiều khó khăn. Nhiều đơn vị phải dừng hoạt động, cho nhân viên nghỉ việc vì không thể chi trả tiền lương…
Đối với du lịch tỉnh Quảng Bình, trong những năm gần đây đã có nhiều khởi sắc khi lượng khách đến với những địa danh nổi tiếng của tỉnh Quảng Bình ngày một tăng lên. Tuy nhiên, năm 2020, dưới tác động tiêu cực rất lớn của dịch bệnh Covid-19, lượng khách du lịch sụt giảm nhiều, khách quốc tế gần như không có, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng là một trong những điểm du lịch nổi tiếng và thu hút lượng khách nội địa, quốc tế lớn đến tham quan các động Phong Nha, Thiên Đường hay các điểm vui chơi giải trí ở tuyến Sông Chày – Hang Tối, Suối Moọc… Sau khi dịch Covid-19 xảy ra, "trái tim" du lịch của tỉnh Quảng Bình có bức tranh ảm đạm khi lượng du khách sụt giảm hẳn. Nhiều điểm lưu trú, cơ sở du lịch có lúc chỉ lác đác dăm ba du khách đến tham quan.
Ông Hoàng Hải Vân, Phó giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng cho biết: Năm 2020 dịch bệnh và thiên tai hoành đã làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động du lịch, lượng khách tham quan đến các điểm du lịch của Trung tâm du lịch giảm mạnh dẫn đến nguồn tài chính của đơn vị không còn đủ để trang trải cho việc chi trả tiền lương và các hoạt động khác của đơn vị.
Trước tình hình khó khăn đó, gần như tất cả các loại hình dịch vụ về du lịch tại tỉnh Quảng Bình đều phải cắt giảm nhân lực bởi không có doanh thu để chi trả tiền nhân công lao động, chính vì vậy nhiều người lao động buộc phải "ra đường" và tìm công việc khác kiếm thêm thu nhập cho bản thân và nuôi sống gia đình.
Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng chia sẻ: Dịch Covid–19 và thiên tai đã làm ảnh hưởng quá lớn đến du lịch, lãnh đạo Ban quản lý Vườn và Trung tâm cũng đã rất cố gắng khắc phục những khó khăn để ổn định tình hình nhưng thực sự là đơn vị quá khó khăn.
Hiện nay, Trung tâm du lịch đã tiến hành dừng các hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng không cần thiết và xin "khất nợ" khoản tiền dịch vụ môi trường rừng và gia hạn thời gian nộp các khoản thuế năm 2020 để dùng tiền đó chi trả lương cho viên chức và hợp đồng lao động đến hết quý I/2021…
"Trước tình hình này, chúng tôi thực hiện phương án giữ nguyên lao động là viên chức làm việc đủ thời gian theo quy định, còn đối với hợp đồng lao động sẽ bố trí luân phiên làm việc 15 ngày/1tháng và đơn vị sẽ chi trả lương 15 ngày đồng thời thực hiện việc đóng BHXH-BHYT theo đúng quy định của luật pháp nhằm duy trì hoạt động phù hợp với nguồn tài chính hiện tại của đơn vị…", ông Thái cho hay.
Có thể thấy rằng, với những phương án nhằm kích cầu du lịch và có những kết quả tích cực khi tháng 6 và tháng 7/2020 của tỉnh Quảng Bình, ngành du lịch Quảng Bình có sự phục hồi khi lượng khách du lịch đạt 80% so với cùng kỳ năm 2019, tạo đà tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ hai từ cuối tháng 7/2020, ngành du lịch tiếp tục đi vào thời kỳ khó khăn làm các đơn vị du lịch điêu đứng…
Hy vọng thời gian tới, tỉnh Quảng Bình có những phương án, động thái cụ thể nhằm hỗ trợ và chia sẻ với ngành Du lịch để vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt, tiếp tục chung tay đưa ngành du lịch phát triển khi dịch bệnh và thiên tai qua đi.