(Tổ Quốc) - Thời cơ đón khách ngoại gặp trở ngại do các biến thể của COVID-19 còn hoành hành, lúc này nguồn khách nội địa là cơ hội cần quan tâm chăm sóc.
- 09.08.2021 Tư duy chiến lược với góc nhìn toàn diện về phát triển du lịch nội địa
- 06.07.2021 Bàn cách khôi phục, phát triển du lịch nội địa trong trạng thái bình thường mới
- 29.06.2021 Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Cần cơ cấu, tính toán cân bằng lại thị trường du lịch
- 26.04.2021 Bùng nổ du lịch nội địa dịp nghỉ Lễ 30/4, 1/5
- 24.04.2021 Bản tin Truyền hình số 174: Dịp lễ gần kề, thị trường du lịch nội địa trở nên sôi động
Các biến thể của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đang tiếp tục hoành hành toàn cầu. Delta tấn công hầu hết các quốc gia có lượng khách quốc tế tiềm năng của Việt Nam: châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Bắc Á, nhất là khu vực Đông Nam Á. Đến hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố thêm biến chủng mới: Delta Plus, Lambda... Và dự kiến có thể sẽ tiếp tục có thêm nhiều biến chủng khác do quá trình biến đổi của virus.
Chúng ta đã bàn rất nhiều và được nhiều tổ chức, hiệp hội ủng hộ tổ chức đón du khách quốc tế đến thăm, lưu trú, nghỉ dưỡng tại một khu vực, vùng nhất định ở một số địa phương. Trong đó có Phú Quốc đã được các cơ quan nhà nước rục rịch triển khai. Tuy nhiên, biến chủng mới liên tục xuất hiện là nguyên nhân chính yếu thách thức cho chiến lược sớm mở cửa cho du khách nước ngoài. Dẫu biết rằng, bằng quan sát cá nhân, tôi đánh giá rất cao sự chuẩn bị của Chính phủ, bộ ngành liên quan, các tỉnh thành, khu du lịch - nghỉ dưỡng mong muốn thể nghiệm mô hình này.
Thực tế, quốc gia gần chúng ta - Thái Lan - đã tiên phong đưa ra ý tưởng và rất kiên quyết thực hiện mô hình du lịch “sandbox” (cho phép khách ngoại quốc đã tiêm vaccine hoặc âm tính SARS-CoV-2 đến một khu vực nhất định). Tuy nhiên, do diễn biến dịch bệnh phức tạp tại nước này, các chuyến bay nội địa bị đình chỉ khiến du khách quốc tế không thể rời Phuket để tới các điểm khác tại Thái Lan theo kế hoạch.
Theo kinh nghiệm cá nhân, trong xử lý dữ liệu dịch bệnh, nếu kiểm soát giãn cách chặt chẽ, tôi dự đoán các tỉnh phía Nam có khả năng quay trở lại bình thường mới và nhà chức trách cho phép mở lại đường bay, các tỉnh thành dỡ bỏ hạn chế giao tiếp vào khoảng giữa tháng 10 năm nay. Như vậy, ngành du lịch sẽ “kịp” đón mùa du lịch nội địa cuối năm là Tết Dương lịch 2022 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Trước đây, chúng ta thường thấy hình ảnh Chợ Bến Thành (Quận 1, TP HCM) thưa khách Việt, đông kịt khách Tây ở thời điểm trước khi dịch bệnh xảy ra. Sau khi dịch bệnh xảy ra, nơi này trở nên vắng lặng. Nhiều chủ hàng đã phải thốt lên rằng “bao nhiêu năm kinh doanh tại đây chưa bao giờ thấy cảnh này”. Những ai yêu thành phố này, yêu du lịch trong nước đều thấy buồn trước khung cảnh như thế.
Nhưng...
Thói quen, lối nghĩ phục vụ khách ngoại tốt hơn đã hằn vào khá sâu trong một bộ phận người làm du lịch tại Việt Nam. Một thời, rất nhiều homestay, khách sạn loan báo công khai không nhận khách Việt. Hoặc cực chẳng đã cũng nhận nhưng thái độ chào đón thể hiện rõ sự phân biệt, thiên lệch rõ rệt so với khách ngoại quốc cùng tầm thu nhập. Một số người làm trong ngành thường chia sẻ lý do vì thế này, vì thế kia về khách nội địa. Tôi tin rằng, một con sâu làm hỏng nồi canh mà thôi. Vẫn sẽ có những vị khách mang quốc tịch Việt Nam sống trên mảnh đất này, rất tuyệt vời.
Thiên kiến ấy ảnh hưởng rất lớn đến thái độ phục vụ, cung cách ứng xử của người làm nghề. Một ánh mắt liếc nhìn, nửa môi chếch lên, đôi má chùng, hai vai buông xuôi. Những chi tiết như vậy khách hàng sẽ nhớ cả.
Khi thiên kiến được áp đặt thì người ta cũng sẽ có phản ứng phòng vệ phù hợp. Họ lưu giữ ký ức, kéo theo rất nhiều người đã chọn du lịch quốc tế, không mặn mà du lịch trong nước. Đến bây giờ, lượng khách nội địa sẵn sàng đi du lịch trong nước vẫn khá thấp, đấy không phải là lựa chọn đầu tiên hoặc họ tiết kiệm tiền để sau khi dịch sẽ du lịch nước ngoài.
Tranh thủ, thời điểm giãn cách này, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND các tỉnh, thành phố và hiệp hội ngành nghề du lịch tăng cường đào tạo, phổ biến, nâng cao nghiệp vụ, xóa bỏ định kiến về khách nội địa.
Đồng thời, tiếp tục quảng bá một hình ảnh Việt Nam thân thiện cho chính người Việt. Từ trước đến nay, chúng ta đa số chỉ thấy các sản phẩm truyền thông cho du lịch Việt Nam phục vụ cho đối tượng người nhận là khách trong nước. Đây là sự lãng quên đáng tiếc khi rõ ràng còn nhiều điều ở đất nước xinh đẹp này mà những người sinh trưởng trong nước còn chưa biết.
Đã đến lúc du khách trong nước cần được nâng tầm trong mắt định hướng chiến lược cấp quốc gia, cấp địa phương. Chính sách giá chỉ là một phần nhưng lớn hơn quyết định thành công cho quá trình hút khách nội địa lại từ chính những người làm du lịch, phải lưu tâm đến thái độ để họ còn thương nhớ mà trở lại./.