(Tổ Quốc) – Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường, Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, các giải thưởng mà ngành Du lịch Việt Nam đạt được vừa qua là vinh dự đối với những người làm du lịch, trong đó có đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp.
- 13.10.2019 Dấu ấn Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới
Tối 12/10, Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới lần thứ 26 (World Travel Awards) dành cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2019 đã diễn ra tại Phú Quốc, với sự góp mặt của 300 doanh nghiệp hoạt động du lịch đến từ các quốc gia trong khu vực. Tại sự kiện này, ngành du lịch Việt Nam đã vinh dự nhận được 4 giải thưởng quan trọng: Điểm đến hàng đầu châu Á 2019, Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á 2019, Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á 2019 và Thành phố Hội An được trao tặng danh hiệu "Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á 2019".
Đây được coi là năm bội thu về giải thưởng đối với ngành Du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, giải thưởng thường sẽ đi kèm với cơ hội cùng thách thức. Vậy đâu là cơ hội và thách thức đặt ra đối với du lịch Việt Nam thời gian tới. Xung quanh nội dung này, phóng viên báo Tổ Quốc đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường, Tổng cục Du lịch Việt Nam.
Khách du lịch tham quan khu Làng Nương Yên Tử
- Ngành du lịch thắng đậm tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới lần thứ 26, hay mùa bội thu của du lịch Việt Nam…là điều mà truyền thông hiện nay đang nhắc tới. Ông có chia sẻ gì thêm về điều này?
+ Quả thực vui mừng và phấn khởi khi du lịch Việt Nam nói chung, cộng đồng doanh nghiệp du lịch Việt Nam nói riêng đã có một mùa bội thu về các giải thưởng. Trong đó, Du lịch Việt Nam mà đại diện Tổng Cục du lịch được nhận 4 giải thưởng quan trọng, gồm: Điểm đến hàng đầu châu Á 2019, Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á 2019, Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á 2019 và Thành phố Hội An được trao tặng danh hiệu "Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á 2019".
Về điểm đến hàng đầu châu Á, đây là lần thứ hai chúng ta đạt được. Điều phấn khởi và vui mừng năm nay là chúng ta nhận được giải thưởng về ẩm thực (Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á 2019). Đây là một tín hiệu vui, cho thấy khách du lịch thế giới đã thừa nhận, đánh giá cao về những nét đặc sắc trong ẩm thực Việt Nam. Đồng thời ngành du lịch cũng đang rất muốn quảng bá sâu về ẩm thực như là một sản phẩm đặc sắc của Việt Nam… và tất nhiên, việc nhận được các giải thưởng này là điều rất vui.
Việt Nam đang là ứng cử viên sáng giá về điểm đến hàng đầu về golf của Châu Á năm 2019. Nếu được giải thưởng này thì đây cũng là 3 năm liên tiếp chúng ta đạt được.
Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường, Tổng cục Du lịch
Vui và vinh dự vì giải thưởng này do cộng đồng những người làm du lịch, khách du lịch, cùng các chuyên gia bầu chọn, vinh danh. Thành tích này cũng thể hiện kết quả nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong việc xây dựng sản phẩm, quản lý điểm đến an toàn thân thiện, quảng bá, xúc tiến hình ảnh về du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến với Việt Nam.
Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường, Tổng cục Du lịch Việt Nam phát biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của ngành du lịch.
Các giải thưởng này cũng cho thấy năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam được nâng lên, điều này cũng rất phù hợp với báo cáo về năng lực cạnh tranh của Diễn đàn kinh tế thế giới vừa công bố. Đồng thời, góp phần khẳng định vị trí của Việt Nam trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới.
- Không chỉ ngành Du lịch Việt Nam nhận được 4 giải thưởng mà các doanh nghiệp lữ hành của chúng ta cũng nhận được tới 25 giải thưởng. Điều này có quá bất ngờ không thưa ông khi mà cơn mưa giải thưởng đến với chúng ta?
+ Điều này cũng không quá bất ngờ, bởi những năm qua, tăng trưởng lượng khách, tăng trưởng về doanh thu của Việt Nam là điểm sáng tốt nhất khu vực và cả thế giới. Năm 2018, chúng ta được Tổ chức Du lịch thế giới đánh giá đứng thứ 3 trong 10 nước có tăng trưởng lượng khách tốt nhất thế giới.
25 doanh nghiệp dịch vụ du lịch và lữ hành của Việt Nam vinh dự được nhận giải thưởng lần này đều là những doanh nghiệp thuần Việt, do người Việt Nam đầu tư, phát triển. Đây là điều rất đáng tự hào.
Ngay cả việc tổ chức giải thưởng du lịch thế giới chọn Phú Quốc là địa điểm diễn ra lễ trao giải cũng đã thể hiện sự tin tưởng và thừa nhận của họ đối với các sản phẩm dịch vụ của chúng ta xứng tầm để tổ chức các sự kiện tầm cỡ như vậy.
Cũng đã có ý kiến cho rằng, liệu có phải do Việt Nam được lựa chọn để đăng cai tổ chức sự kiện nên nhận được nhiều giải thưởng như vậy. Điều này tôi xin được khẳng định là không. Bởi tổ chức giải thưởng thế giới đã mất gần 2 năm khảo sát, tìm hiểu trước khi đưa ra quyết định chọn Phú Quốc. Còn việc bình chọn và trao giải thưởng là do cộng đồng khách du lịch, những người làm du lịch cùng các chuyên gia. Cái này cần tách biệt. Hơn nữa, theo cá nhân tôi thì những người làm du lịch không phải để hướng đến giải thưởng mà mục tiêu là sự thành công, là doanh thu.
Việt Nam lần thứ hai trở thành điểm đến hàng đầu khu vực châu Á.
- Đạt được giải thưởng là điều không đơn giản, nhưng giữ và phát huy được cũng rất khó khăn. Theo ông 4 giải thưởng lần này mà ngành du lịch đạt được thì đâu là cơ hội và đâu là thách thức?
+ Tôi khẳng định đây là cơ hội, vì qua giải thưởng này mình khẳng định được mình. Mình cầm được chiếc cup này cũng đã nói lên rất nhiều chuyện đối với cộng đồng du lịch khu vực, thế giới và khách du lịch. Giải thưởng này họ đã nói thay cho mình, quảng bá cho mình về một điểm đến an toàn, thân thiện, xứng đáng để đi du lịch. Tất nhiên, không phải cứ giơ cup là khách tự nhiên đến và tin tưởng mình 100%. Nhưng rõ ràng giải thưởng này cũng góp phần tạo dựng và củng cố niềm tin cho chúng ta, tạo cơ sở cho chúng ta tiếp tục công tác xúc tiến, quảng bá.
25 doanh nghiệp dịch vụ du lịch và lữ hành của Việt Nam vinh dự được nhận giải thưởng lần này đều là những doanh nghiệp thuần Việt, do người Việt Nam đầu tư, phát triển. Đây là điều rất đáng tự hào.
Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường, Tổng cục Du lịch Việt Nam
Đi kèm với cơ hội là thách thức. Chúng ta không thể cười mãi trên chiến thắng, cái này cũng là một thách thức, nhưng là thách thức rất thú vị, ở chỗ khi người ta thừa nhận mình thì mình lại phải nhìn lại xem có xứng đáng không. Xứng đáng đấy thì phải làm sao giữ gìn và phát huy nó, từ đó hướng tới những giải thưởng lớn hơn như Việt Nam là điểm đến hàng đầu thế giới, điểm đến ẩm thực hàng đầu thế giới chứ không chỉ dừng lại ở khu vực nữa. Đây là một sức ép thú vị cho những người làm du lịch, cộng đồng doanh nghiệp để cùng nỗ lực hơn nữa, xứng đáng với những giải thưởng này.
- Với 4 giải thưởng quan trọng mà ngành Du lịch Việt Nam đạt được vừa qua, ông đánh giá thế nào về sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp vào thành tích này?
+ Trong hoạt động du lịch thì mỗi một thực thể đều có những vai trò nhất định và không thực thể nào thay thế được cho nhau. Quan điểm của chúng tôi hiện nay (Tổng cục Du lịch - PV), du lịch thành công hay không phải là cộng đồng doanh nghiệp. Mỗi một năm nhìn lại, chúng ta đón được bao nhiêu khách, tạo ra bao nhiêu doanh thu thì thực ra đều là kết quả của doanh nghiệp. Chúng ta quảng bá điểm đến cũng là mở đường cho doanh nghiệp họ khai thác thị trường. Mình tạo ra sản phẩm, nhưng sản phẩm đó có tồn tại được hay không thì phải hỏi xem doanh nghiệp có bán được những tour gắn với sản phẩm, điểm đến mà chúng ta tạo ra hay không. Thế nên, phải khẳng định lại một điều, giải thưởng này là vinh dự đối với những người làm du lịch Việt Nam, trong đó có đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp./.