(Tổ Quốc) – Ngày 20/8, tại Hà Nội, Tổng Cục Du lịch Việt Nam, Viện nghiên cứu phát triển du lịch đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Xu hướng phát triển của du lịch thế giới và tác động đối với du lịch Việt Nam".
Tại hội thảo này, nhiều đại biểu đã trình bày tham luận nêu ra cụ thể những xu hướng phát triển của du lịch thế giới hiện nay ra sao, tác động đến Việt Nam như thế nào, các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam ứng phó như thế nào với những tác động này… Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch đã có những chính sách, chiến lược gì để phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch phát biểu tại hội thảo
Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), số lượng khách du lịch quốc tế trên toàn cần năm 2018 đã vượt mốc 1,4 tỷ lượt, tăng 74 triệu lượt so với năm 2017, đạt mức tăng trưởng gần 6%. Đây là mức tăng trưởng cao thứ hai trong giai đoạn từ 2010 đến nay (sau mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 7% của năm 2017).
Cũng theo báo cáo của UNTWO, trong năm 2018, khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã đón 342,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 6,1% so với năm 2017, chiếm gần ¼ tổng lượng khách quốc tế toàn cầu, trong đó, Đông Nam Á là khu vực dẫn đầu về tăng trưởng khách quốc tế đến với 7,4%.
UNWTO cũng đưa ra đánh giá rằng, phần lớn các điểm đến ở khu vực Đông Nam Á đều duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh, đặc biệt là Việt Nam đang thu hút ngày càng nhiều khách quốc tế trong những năm gần đây.
Quang cảnh buổi hội thảo
Với sự tăng trưởng nhanh như vậy, du lịch đã trở thành một trong những trụ cột chính của thương mại quốc tế, là nguồn thu nhập quan trọng cho nhiều nước đang phát triển. UNTWO dự báo, hoạt động du lịch toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 3 – 4% trong năm 2019. Dự báo đến năm 2030, lượng khách du lịch quốc tế trên toàn cầu đạt 1,8 tỷ lượt. Đông Nam Á sẽ trở thành khu vực thu hút khách quốc tế lớn thứ 4 trên thế giới.
Cùng với lượng khách du lịch tăng nhanh, xu hướng các loại hình du lịch đã và đang thay đổi đáng kể. Sự lựa chọn của khách du lịch trên toàn cầu cho thấy những loại hình du lịch thân thiện với môi trường như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch phục vụ nhu cầu sức khỏe, làm đẹp…ngày càng được lựa chọn và ưa chuộng hơn. Theo dự báo, đến năm 2030, khách đi du lịch với mục đích thăm viếng, sức khỏe, tôn giáo sẽ chiếm 31% tổng lượng khách du lịch; với mục đích tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí chiếm 54%; với mục đích công việc và nghề nghiệp chiếm 15%.
Sự phát triển, thay đổi của xu hướng các loại hình du lịch trên thế giới đã có những tác động lớn đối với du lịch Việt Nam. Để du lịch tiếp tục phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã chỉ ra, đòi hỏi ngành Du lịch Việt Nam cần phải nắm bắt đầy đủ những xu hướng phát triển du lịch mới trên thế giới. Đánh giá tác động của xu hướng mới trên thế giới đối với du lịch Việt Nam. /.