(Tổ Quốc) - Chiến dịch "Xanh - Xanh" bao gồm các sản phẩm du lịch kết nối điểm đến an toàn về dịch bệnh Covid-19 (gọi là "vùng xanh"), "5 xanh" gồm thẻ thông hành xanh, doanh nghiệp xanh, hành lang xanh, điểm đến xanh và dịch vụ xanh.
- 24.09.2021 Thống nhất xác định mốc thời gian thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc
- 23.09.2021 Các chuyến bay nội địa sắp được khai thác trở lại trong giai đoạn bình thường mới
- 23.09.2021 Ngành du lịch "chuyển mình" để ứng phó với đại dịch Covid-19, từng bước phục hồi trong năm 2022
- 23.09.2021 Dịch vụ du lịch online có thể là hướng đi mới cho Hà Giang để sống chung với đại dịch
Giải pháp du lịch xanh trong tình hình mới
Phát biểu tại hội thảo trực tuyến "Chiến dịch Xanh – Xanh" được tổ chức 24/9, ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội cho biết, trải qua 4 đợt dịch kéo dài, Du lịch Việt Nam đã thực sự chạm đáy khi không thoát khỏi tình trạng khủng hoảng chung của du lịch toàn cầu.
Sau những ngày "nằm im trong bóng tối", dường như du lịch đang nhìn thấy "ánh sáng cuối đường hầm" khi một số địa phương từng bước khởi động lại một số hoạt động theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là mở cửa từng bước, không ồ ạt, đáp ứng yêu cầu về bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch bệnh.
Chiến dịch "Xanh Xanh" bao gồm các sản phẩm du lịch kết nối điểm đến an toàn về dịch bệnh Covid-19 (gọi là "vùng xanh"), "5 xanh" gồm thẻ thông hành xanh, doanh nghiệp xanh, hành lang xanh, điểm đến xanh và dịch vụ xanh.
Đây cũng được coi là các tiêu chí, điều kiện cần thiết để phát triển du lịch an toàn trong tình hình mới. Trong đó phải bảo đảm sự kết nối an toàn giữa du khách và người lao động trong lĩnh vực du lịch, giữa các điểm đến với nhau và giữa các dịch vụ trong chuỗi cung ứng dịch vụ cho du khách.
Ngoài các quy định về yêu cầu du khách và người lao động du lịch phải được tiêm 2 mũi vắc xin, xét nghiệm PCR âm tính hoặc là F0 đã khỏi bệnh thì các doanh nghiệp tham gia phải có sản phẩm tốt, có phương án đảm bảo và quy trình phục vụ an toàn cho du khách. Thêm vào đó còn cần sự thay đổi cụ thể trong phương thức cung cấp dịch vụ cho du khách ở từng khâu như vận chuyển, lưu trú, nhà hàng, tham quan tại điểm đến, cung cấp sản phẩm du lịch khép kín.
"Để làm được điều này, vai trò quản lý của các địa phương là rất quan trọng trong việc đưa ra các chính sách để thúc đẩy phồi hồi và bỏ qua các rào cản về đi lại. Các chính sách này cần phải có sự đồng bộ để có thể dễ dàng kết nối hoạt động du lịch giữa các các địa phương. Cùng với đó cần phải có những chiến dịch quảng bá mạnh mẽ cho những chương trình an toàn này" ... Ông Phùng Quang Thắng nói.
Từng bước xây dựng sản phẩm du lịch "xanh"
Đồng tình với ý kiến của Hiệp hội lữ hành, tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Hải – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang phải có những giải pháp rất cụ thể, đồng bộ, để ngành du lịch được phục hồi một cách bền vững.
Các địa phương phải đặt ra cho mình các nhiệm vụ cụ thể, đồng hành cùng với các hiệp hội, các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh để thực hiện tốt việc đón khách du lịch Ngành văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang đã có các phương án để phục hồi ngành Du lịch, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền để vận động các cơ sở kinh doanh dịch vụ, các điểm du lịch, rà soát lại các điều kiện, đặc biệt là các biện pháp phòng chống dịch để sẵn sàng đón khách. Thời gian qua, Hà Giang cũng hợp tác với nhiều đơn vị để tuyên truyền, quảng bá du lịch, các đặc sản địa phương trên môi trường internet...
Ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho rằng, hoạt động du lịch chuyển sang trạng thái bình thường mới bằng các quy chuẩn, quy trình an toàn, phù hợp với từng điểm đến, cơ sở lưu trú, phương tiện vận chuyển, dịch vụ lữ hành và trong từng hoạt động, giao tiếp, phục vụ. Doanh nghiệp và du khách sẽ phải chủ động tuân thủ các quy trình, quy chuẩn, sản phẩm du lịch an toàn với di chuyển xanh, dịch vụ xanh.
"Thành phố Hà Nội đang hoàn chỉnh kịch bản hoạt động kinh tế theo từng diễn biến dịch. Các doanh nghiệp, đơn vị liên quan đến lĩnh vực du lịch cần bám sát các kịch bản này để hoạt động"- Ông Trần Trung Hiếu cho hay.
Thời gian qua, Hà Nội cũng như nhiều địa phương trong nước đã xây dựng điểm xanh lưu trú du lịch là các cơ sở cách ly tập trung có thu phí cho khách nhập cảnh, thực hiện theo quy chuẩn quy trình của Bộ Y tế, có sự kết nối xanh lữ hành, vận chuyển, lưu trú và kết nối quảng bá với sàn giao dịch điện tử du lịch my tour, cũng là mô hình tham khảo khi triển khai các mô hình điểm đến an toàn, điểm đến xanh sắp tới.
Về sản phẩm du lịch, trọng tâm của Hà Nội là tập trung xây dựng điểm đến an toàn và sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin làm đa dạng các sản phẩm mới phục vụ thu hút khách du lịch nội địa.
Trong tình hình dịch, cần tạo ra được các sản phẩm du lịch xanh, đó là du khách được kiểm tra phòng dịch hoặc đã được tiêm vắc xin phòng dịch; lộ trình dịch chuyển xanh; lưu trú xanh; vui chơi, giải trí xanh… cần sớm liên kết được các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết này với nhiều gói sản phẩm và giới thiệu đến du khách.
"Sở Du lịch Hà Nội sẽ chủ trì thí điểm xây dựng các điểm đến an toàn để từ đó nhân rộng đồng thời thúc đẩy liên kết phát triển du lịch nông thôn với tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với chương trình OCOP" - ông Trần Trung Hiếu cho hay.
Trong khi đó, tại Ninh Bình, ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh cho biết, sáng kiến về việc kết nối xanh góp phần cổ vũ những người làm du lịch, các doanh nghiệp lữ hành để có thêm niềm tin vượt qua thử thách của đại dịch.
Tuy nhiên, khi triển khai vấn đề này không thể vội vàng mà phải làm từng bước mà cần thí điểm trước ở một vài địa phương sau đó mới mở rộng quy mô, các địa phương cũng không thể làm một mình mà phải có vai trò dẫn dắt, chủ trì của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tổng cục du lịch; đồng thời đưa ra các tiêu chí rõ ràng do các bên cùng tham gia xây dựng./.