• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Dù liên thông kết quả, bệnh nhân vẫn có thể phải xét nghiệm nhiều lần

Sức khỏe 24/07/2017 07:30

(Tổ Quốc) -Đây là nhận định của Bác sĩ Lê Thị Minh Hương-Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương-với những trường hợp bệnh nhân cụ thể.

Bệnh viện rà soát chất lượng

Trước thông tin chỉ còn vài ngày nữa là gần 40 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế sẽ liên thông kết quả xét nghiệm Và chỉ còn vài tháng nữa, bước sang năm mới 2018, kết quả xét nghiệm sẽ liên thông ở các bệnh viện hạng 1 và hạng đặc biệt.

Theo Bộ Y tế, tính đến cuối năm 2016, cả nước có 52 phòng xét nghiệm thuộc các cơ sở y tế đạt tiêu chuẩn ISO 15189. Trong khi đó, gần 1.400 bệnh viện trên toàn quốc mỗi năm khám chữa bệnh cho trên 120 triệu lượt người, gấp gần 27 lần số phòng xét nghiệm đạt chuẩn.

Ảnh minh họa. Nguồn BV Medlatec.

Theo bà Lê Thị Minh Hương – PGĐ Bệnh viện Nhi Trung ương thì để triển khai lộ trình này, bệnh viện Nhi đã và đang phải rà soát đánh giá lại chất lượng của phòng xét nghiệm ở tất cả các khâu vì xét nghiệm có rất nhiều mảng như huyết học, vi sinh, sinh hóa… tại bệnh viện để nâng cấp hoàn thiện chất lượng ISO, xét nghiệm nào đã được ISO công nhận thì duy trì chất lượng. Xét nghiệm nào chưa đạt thì phải nâng cấp được như loại 1 theo Bộ Y tế quy định.

Cùng với đó, trên cương vị quản lý, bác sĩ Hương cũng cho biết, với những xét nghiệm của các bệnh viện khác có cùng các tiêu chuẩn chất lượng ngang bằng nhau được gửi về Bệnh viện Nhi sẽ công nhận. Đồng thời tuyên truyền, thông báo với các bác sĩ trong phòng khám cũng như là trong bệnh viện ở các khoa để công nhận kết quả của xét nghiệm đấy theo thời gian quy định.

Bác sĩ Lê Thị Minh Hương-Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương 

Thiếu các phòng xét nghiệm đạt chuẩn, chưa đồng bộ… là băn khoăn của không ít bác sĩ tại các bệnh viện. Bác sĩ Hương chia sẻ: Hệ thống xét nghiệm của ngành y chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, chúng ta chưa có một phòng xét nghiệm quốc gia về chỉ số tham chiếu của người Việt Nam. Mỗi bệnh viện lại đầu tư hệ thống phòng xét nghiệm  không giống nhau. Do đó, khi đầu tư hệ thống máy không giống nhau cộng với hóa chất để làm xét nghiệm khác nhau thì không thể nào quy về hằng số được, chỉ có thể tham chiếu.

Tiếp đến là hệ thống tin học ở các bệnh viện chưa đồng bộ từ trên xuống dưới, mỗi một bệnh viện là một hệ thống khác nhau. Vì thế cần đồng bộ, các xét nghiệm của bệnh nhân cần quy thành các mã số cụ thể, các bệnh viện có thể theo dõi được quá trình chuyển biến của bệnh nhân để cân nhắc xem cái nào cần phải làm, cần phải nhắc lại hoặc không phải làm nữa.

Trường hợp nào bệnh nhân vẫn phải xét nghiệm dù đã có kết quả xét nghiệm?

Tuy nhiên sự công nhận kết quả xét nghiệm liên thông sẽ không cứng nhắc mà áp dụng tùy từng trường hợp cụ thể. Chẳng hạn, với những bệnh nhân chuyển đến mà diễn biến nặng, phụ thuộc vào tình trạng của bệnh nhân mà có công nhận trong khoảng thời gian nào đó làm giá trị tham chiếu, tham khảo quá trình diễn biến. Nhưng nếu bệnh nhân nặng hơn thì vẫn phải xem lại. Một số xét nghiệm rất hằng định như vi khuẩn bệnh lao, nhóm máu, chức năng gan thận… nếu đã có rồi, sẽ không phải xét nghiệm lại, bởi những chỉ số này sẽ kéo dài rất lâu chứ không phải một sớm một chiều thay đổi được – PGĐ Bệnh viện Nhi nhấn mạnh.

Như vậy, dù có quy định liên thông kết quả xét nghiệm, nhưng quyết định có xét nghiệm lại hay không cho bệnh nhân lại phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân và vào bác sĩ khi khám lâm sàng. Các bác sĩ tại bệnh viện không lạm dụng xét nghiệm. Nhưng không phải vì vấn đề công nhận xét nghiệm mà cuối cùng người bệnh không được theo dõi sát, chỉ định kịp thời. Bởi vì y khoa là bằng chứng khoa học, ngoài kinh nghiệm lâm sàng ra thì phải có bằng chứng khoa học về xét nghiệm để hỗ trợ thêm cho bác sĩ để chẩn đoán đúng, kịp thời và điều chỉnh thuốc men sát tình trạng bệnh– nữ bác sĩ này cho biết.

Chờ khám bệnh tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Nếu các xét nghiệm từ tuyến dưới chuyển lên mà tuyến dưới thì cũng không phải nơi nào cũng đạt mức xét nghiệm tiêu chuẩn loại 1 theo quy định của  Bộ Y tế thì cũng sẽ phải cân nhắc. Điều này có nghĩa là, rất có thể xét nghiệm từ tuyến dưới chưa đạt chuẩn thì bệnh nhân vẫn có khả năng phải xét nghiệm lại, xét nghiệm tiếp ở tuyến trên – bác sĩ Hương đưa ra ví dụ.

Tuy nhiên, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bác sĩ Hương khẳng định sẽ không bao giờ lạm dụng xét nghiệm cả. Bởi bản thân trẻ nhỏ lấy máu rất là khó, số lượng cũng không nhiều do đó chỉ lấy số lượng máu tối thiểu xét nghiệm cho bệnh thôi. Trẻ em khác người lớn là nhiều khi người lớn phải xét nghiệm tổng thể gan thận... nên rất nhiều. Nhưng khám và điều trị cho bệnh nhi nhiều khi chỉ là viêm phế quản phổi thì có khi chỉ xác định là có viêm hay không hoặc là viêm do đâu, còn chức năng gan thận nếu không có chỉ định, không có rối loạn thì không mấy khi lạm dụng xét nghiệm.

Thế Công - Nhị Xuân

Nhị Xuân

NỔI BẬT TRANG CHỦ