• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Dự thảo Luật Du lịch sửa đổi có nhiều quy định thông thoáng hơn”

Du lịch 14/11/2016 06:49

(Tổ Quốc)- “Dự thảo Luật Du lịch sửa đổi lần này nhìn chung có nhiều quy định thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp”- ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó Giám đốc Công ty Du lịch Transviet Travel đánh giá.

- Đến thời điểm này, Quốc hội đã bắt đầu xem xét, thảo luận về Dự thảo Luật Du lịch sửa đổi. Là doanh nghiệp du lịch hoạt động trực tiếp trong ngành Du lịch, ông đánh giá như nào về sự cần thiết của Luật Du lịch sửa đổi đối với sự phát triển của ngành Du lịch trong thời kỳ mới?

+ Du lịch đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và được định hướng phát triển là ngành kinh tế mũi nhọn. Luật Du lịch 2005 đã tạo hành lang pháp lý cho du lịch Việt Nam phát triển trong thời kỳ dài sau đó. Tuy nhiên, Luật du lịch 2005 đã bộc lộ những hạn chế trong tình hình mới hiện nay, khi nền kinh tế và du lịch Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, nảy sinh những vấn đề mới cần giải quyết. Điều này, đòi hỏi sự cần thiết phải sớm sửa đổi Luật Du lịch để tạo điều kiện cho bước phát triển đột phá trong giai đoạn tiếp theo cho du lịch Việt Nam.

Ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Giám đốc Công ty Du lịch Transviet Travel

-Theo đánh giá của ông, Dự thảo Luật Du lịch sửa đổi lần này có những ưu điểm nào đáng kể nào tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp du lịch nói riêng hoạt động và tạo thuận lợi cho Du lịch nói chung đẩy mạnh phát triển? Ông có góp ý gì thêm nữa không?

+ Dự thảo Luật Du lịch sửa đổi lần này nhìn chung có nhiều quy định thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp như: quy định cho thành lập doanh nghiệp lữ hành, quy định cấp thẻ HDV, xếp hạng khách sạn... Tuy nhiên, việc thông thoáng phải gắn với việc quản lý. Ví dụ, trong dự thảo quy định việc xếp hạng khách sạn dựa trên tự nguyện. Nếu vậy thì rất khó biết và quản lý chất lượng của các khách sạn không tự nguyện đăng ký xếp hạng. Các công ty du lịch và khách hàng cũng sẽ gặp khó khăn để biết chất lượng của các khách sạn.

Thêm nữa, tôi cho rằng Luật cần làm cụ thể, rõ ràng hơn đối với các vấn đề như: việc thành lập quỹ hỗ trợ du lịch; nêu bật được vai trò của Hiệp hội du lịch và Tổng cục du lịch; đề cập tính pháp lý của các cam kết, hợp đồng qua mạng internet (mail, web..) bởi lẽ hình thức này đang rất phát triển trong ngành du lịch.

- Theo ông, nếu Dự thảo Luật Du lịch sửa đổi được Quốc hội thông qua, chúng ta cần phải làm gì để sớm đưa Luật vào cuộc sống?

+ Luật Du lịch sẽ tạo ra hành lang pháp lý cao nhất để ngành du lịch tuân thủ hoạt động. Khi được Quốc hội thông qua, cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện dưới luật như vấn đề ký quỹ cho công ty lữ hành; vấn đề tạo và hoạt động của Quỹ hỗ trợ du lịch; vấn đề xếp hạng điểm du lịch, khu du lịch và các cơ sở lưu trú...

Thực tế nhiều vấn đề đã được đề cập trong Luật du lịch 2005 nhưng vẫn thường xuyên bị vi phạm như xâm phạm môi trường, tài nguyên, quy hoạch du lịch, vấn đề bảo đảm an toàn cho du khách... Cần có một cơ chế thanh tra, giám sát mạnh mẽ hơn chẳng hạn việc thành lập cảnh sát du lịch ở các thành phố trọng điểm du lịch. Và cần sự phối hợp vào cuộc thật sự của các ban ngành, chính quyền địa phương thì Luật du lịch sửa đổi mới thực sự đi vào cuộc sống để phát triển và trở thành nền kinh tế mũi nhọn của đất nước.

-Xin cảm ơn ông!

Lâm Minh

NỔI BẬT TRANG CHỦ