(Tổ Quốc)- Hầu hết các đại biểu tại Tọa đàm “Luật Du lịch, động lực thúc đẩy Du lịch trở thành ngành Kinh tế mũi nhọn” đánh giá Dự thảo Luật Du lịch sửa đổi lần này được trình lên Quốc hội xem xét đã có nhiều đổi mới, khả thi và gần với thực tế hơn.
- 08.06.2017 Chùa Linh Ứng – Đà Nẵng thành điểm du lịch địa phương
- 08.06.2017 Xô xát với nữ hành khách, hàng không Mỹ lại gặp “sóng gió” về hành xử
- 08.06.2017 TP.HCM: Phố đi bộ Bùi Viện sẽ khai trương vào tháng 7
- 09.06.2017 Khai trương sản phẩm du lịch Khu di tích lịch sử cách mạng quốc gia địa đạo Kỳ Anh
- 09.06.2017 Xác lập kỷ lục về Bộ tranh thuyền thúng đầu tiên và nhiều nhất Việt Nam
- 10.06.2017 Khai mạc Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI – 2017
Dự thảo Luật Du lịch đã mang hơi thở cuộc sống
Tọa đàm “Luật Du lịch, động lực thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” do Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Báo Nhân dân cuối tuần tổ chức sáng 9/6, tại Hà Nội.
Tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, Dự thảo Luật Du lịch sửa đổi (Dự thảo Luật) đã được Ban soạn thảo xây dựng và được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội hoàn thiện, đồng thời có sự tiếp thu những ý kiến đóng góp của các Hiệp hội, các DN và nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân. Với 9 chương, 82 điều, Dự thảo Luật Du lịch trình Quốc hội lần này vẫn giữ được những nội dung cơ bản nhất của Luật Du lịch năm 2005, đồng thời có nhiều đổi mới với những nội dung ngắn gọn, gần với thực tế và khả thi.
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình phát biểu tại tọa đàm |
Cụ thể, về chính sách phát triển du lịch, Dự thảo Luật đã nêu rõ các lĩnh vực Nhà nước ưu tiên bố trí kinh phí (cấp ngân sách) và Nhà nước khuyến khích hỗ trợ (Điều 5). Vai trò của Hiệp hội Du lịch được nâng cao với các trách nhiệm cụ thể (Điều 7). Việc bảo vệ quyền lợi của khách được làm rõ hơn (Điều 10- 14). Đặc biệt, Dự thảo Luật đã làm rõ vai trò của DN trong việc sáng tạo, phát triển sản phẩm, chú ý đến các sản phẩm du lịch có ảnh hưởng đến tính mạng của khách du lịch (du lịch mạo hiểm), ưu tiên phát triển du lịch cộng đồng (Điều 18-19). Quy hoạch về du lịch cũng đã được cô đọng lại, phù hợp với dự thảo Luật Quy hoạch (Điều 20-21).
Cùng với đó, nội dung về điểm du lịch, khu du lịch được biên soạn gọn lại, điều kiện, thủ tục đơn giản hơn, xác định rõ quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân quản lý khu, điểm du lịch (Điều 27-28). Về đô thị du lịch đưa ra 2 phương án, quy định về đô thị du lịch và không quy định về đô thị du lịch. Về kinh doanh du lịch cũng có nhiều bổ sung, thay đổi.
Dự thảo Luật Du lịch lần này đã bỏ quy định về lập Văn phòng Xúc tiến du lịch ở nước ngoài; Tăng vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp và doanh nghiệp. Nội dung Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch đã làm rõ hơn mục đích thành lập Quỹ, xác định xúc tiến là nhiệm vụ chính của Quỹ; Quy định nguồn hình thành Quỹ là từ 3 nguồn (Nhà nước cấp, đóng góp tự nguyện, các nguồn hợp pháp khác).
Một nội dung khác được thay đổi trong Dự thảo Luật Du lịch là nội dung Quản lý Nhà nước. Trong đó, quy định chức năng quản lý Nhà nước về du lịch của Bộ VHTTDL, của các Bộ liên quan; Quy định chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về du lịch của UBND cấp tỉnh
Đánh giá về dự thảo Luật Du lịch lần này, ông Vũ Thế Bình nhận định: nội dung Luật đã bao quát toàn bộ các hoạt động của ngành, tiếp thu được tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị trong Nghị quyết 08. Khi triển khai, Luật sẽ góp phần thúc đẩy du lịch phát triển nhanh, thực sự trở trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Hầu hết các đại biểu đều cho rằng, Dự thảo Luật Du lịch sửa đổi từ bản thảo ban đầu cho đến thời điểm hiện tại đã có nhiều điểm mới, thể hiện đã có sự tiếp thu, ghi nhận những ý kiến góp ý của các bên. Dự thảo Luật lần này thể hiện sự nỗ lực, làm việc nghiêm túc của ban soạn thảo và đồng thời nội dung đã gần với đời sống du lịch.
“Nóng” câu chuyện cấp phép hay tự nguyện đăng ký hạng sao
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận và đưa ra nhiều ý kiến trái chiều về các nội dung liên quan đến nội dung xếp hạng cơ sở lưu trú cho các DN tình nguyện đăng ký xếp hạng hay bắt buộc phải đăng ký xếp hạng sau 6 tháng bắt đầu hoạt động? Tọa đàm ghi nhận hai luồng ý kiến: đề xuất ý kiến không nên bắt buộc các DN lưu trú đăng ký xếp hạng sao vì Dự thảo Luật đã có quy định tiêu chuẩn tối thiểu để cơ sở lưu trú được đón khách du lịch và ý kiến bảo vệ việc bắt buộc đăng ký xếp hạng.
Toàn cảnh tọa đàm |
Ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, Dự thảo Luật Du lịch không nên bắt buộc đăng ký xếp hạng sao. Bởi lẽ, khách hàng mới chính là người quyết định quyết định khách sạn đó ở hạng sao nào chứ không phải bất kỳ ai khác. Điều quan trọng nhất là cơ sở lưu trú làm thế nào để thu hút du khách và đảm bảo phục vụ du khách một cách tốt nhất so với số tiền bỏ ra. Đồng tình ý kiến này, bà Nguyễn Hải Ninh, Tổng Giám đốc Khách sạn Indochina (Bắc Ninh) cho rằng, nếu áp dụng việc tự nguyện đăng ký sao, thì cần nâng cao vai trò giám sát của Hiệp hội Du lịch để DN làm ăn bài bản, đảm bảo chất lượng dịch vụ và danh tiếng của những DN làm ăn chân chính.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến không đồng tình với quan điểm này mà bảo vệ quan điểm cần có sự bắt buộc trong xếp hạng sao để tránh tình trạng “loạn sao”, mạo nhận hạng sao, đảm bảo sự kinh doanh công bằng đối với những DN làm ăn nghiêm túc và quyền lợi chính đáng của du khách.
Ông Hoàng Văn Tuyên- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lào Cai cho rằng, với tình hình du lịch hiện nay, nên giữ lại quy định về cấp phép công nhận hạng sao. “Với tình hình kinh doanh du lịch hiện nay, nếu không xếp hạng sao thì các cơ sở lưu trú từ 1-3 sao sẽ xảy ra nhiều vấn đề, ảnh hưởng đến quyền lợi du khách. Tôi cho rằng, nếu anh bán gì, bao nhiêu tiền thì chất lượng phải tương đương và minh bạch. Chúng ta phải nhìn nhận, ngoài quyền của người kinh doanh thì quyền của người tiêu dùng cũng phải được bảo đảm để nếu có vấn đề, cần có bàn tay của cơ quan quản lý nhà nước xử lý”.” – ông Tuyên cho hay.
Theo ông Hoàng Trí Đức, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Sơn La, cần phải đặt ra yêu cầu bắt buộc đăng ký với các cơ sở lưu trú. “Nếu có tiêu chuẩn bảo hộ khách sạn, cơ sở lưu trú thì mới bảo vệ được quyền lợi của khách du lịch” – ông Đức cho biết.
Đồng tình với ý kiến này, bà Nguyễn Minh – đại diện Khách sạn Sheraton băn khoăn, nếu để tự nguyện đăng ký hạng sao, thì lấy gì để đảm bảo với khách hàng, đặc biệt là những khách hàng quốc tế? Bà Minh đề xuất, ít nhất khách sạn từ 3 sao trở nên cần có sự bắt buộc trong việc cấp phép công nhận hạng sao. “Trên tinh thần cởi mở và văn minh, tôi thích việc để DN tình nguyện đăng ký hạng sao. Nhưng liệu với tình hình du lich hiện tại của nước ta đã làm được điều này chưa? Nếu chúng ta làm tốt thì tại sao lại sợ thẩm định đến vậy? Thẩm định hạng sao là cơ sở để chúng ta làm tốt hơn, đạt tiêu chuẩn để phục vụ du khách”. – Bà Minh cho hay.
Ngoài ra, những nội dung liên quan đến vai trò của Hiệp hội Du lịch, công tác quảng bá xúc tiến du lịch và Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch là vấn đề được các DN du lịch và các đại biểu tham dự tọa đàm rất quan tâm.
Dự thảo Luật Du lịch sẽ được Quốc hội xem xét bấm nút thông qua vào ngày 19-6 tới đây. Theo Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, có những điều không cần chờ tới khi Luật có hiệu lực mới triển khai, mà việc gì làm ngay được, chỉ cần Luật thông qua, Hiệp hội cũng sẽ triển khai ngay trong thực tế./.