• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đừng để bản hùng ca Sạc Ly nằm “lạnh lẽo” giữa núi rừng

Thời sự 29/12/2019 07:14

(Tổ Quốc) - Trận đánh trên đỉnh đồi Sạc Ly (Charlie) huyền thoại, nơi có gần 400 người lính thuộc trung đoàn 64 sư đoàn 320 đã anh dũng chiến đấu và nằm lại đất mẹ. Giờ đây, đã 47 năm trôi qua nhưng con đường lên thăm di tích lịch sử nơi này vẫn gian nan, vất vả. Bởi muốn lên thắp nén hương tri ân thì phải mất hơn 4 tiếng đồng hồ đi bộ trong rừng, vượt qua ngọn núi cao… điều này thật không dễ dàng đối với những người lính trở về từ trận chiến khốc liệt năm ấy, khi họ nay đã tuổi ngoài 80.

Sạc Ly - trận đánh khốc liệt

Đồi Sạc Ly (Charlie) - điểm cao 1015 là địa danh nằm tiếp giáp giữa 3 huyện Sa Thầy, Đăk Tô và Ngọc Hồi (tỉnh tỉnh Kon Tum). Do điểm cao này có vị trí chiến lược quân sự đặc biệt quan trọng có thể quan sát, khống chế cả vùng ngã ba đông dương. Chính vì thế ngay từ những năm 1960, quân đội mỹ và Việt Nam Cộng hòa đã xây dựng một cứ điểm quân sự để kiểm soát khu vực.

Tài liệu lịch sử cho thấy, vào chiến dịch Xuân - Hè 1972, quân giải phóng miền Nam Việt Nam quyết định phá vỡ tuyến phòng thủ phía tây sông Pô Cô, thuộc tuyến phòng ngự vòng ngoài của căn cứ Đắc Tô - Tân Cảnh, trong đó có 2 điểm cao chiến lược Charlie (1015) và Delta (1049).

Cụ thể, vào tháng 3/1972, tại 2 điểm cao (Charlie - 1015 và Delta - 1049) đã diễn ra các trận đánh vô cùng khốc liệt giữa trung đoàn bộ binh 64, 52, 48 và tiểu đoàn 19 đặc công thuộc sư đoàn 320A với lực lượng đóng giữ của quân lực VNCH có sự chi viện của pháo binh, máy bay… Tiếp đó, ngày 12 – 15/4/1972, trung đoàn bộ binh 64 do trung tá Khuất Duy Tiến chỉ huy đã cùng quân và dân địa phương kiên cường chiến đấu, tiêu diệt gọn tiểu đoàn nhảy dù 11 quân lực VNCH, chiếm và kiểm soát hoàn toàn điểm cao Charlie.

Bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại điểm cao 1049 (Delta).

Bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại điểm cao 1049 (Delta).

Chiến thắng tại Charlie và Delta đã giáng đòn chí tử vào tuyến phòng ngự vòng ngoài của quân lực VNCH bên bờ tây sông Pô Cô, buộc VNCH phải tung lực lượng ra để quân giải phóng giam chân, tiêu diệt, tạo điều kiện cho các lực lượng tiến công làm nên chiến thắng Đác Tô - Tân Cảnh, phá vỡ toàn bộ trung tâm phòng ngự mạnh của VNCH, giải phóng một vùng rộng lớn, làm thay đổi cục diện trên chiến trường Bắc Tây Nguyên.

Cũng tại đây đây, gần 400 người lính của chúng ta đã nằm xuống đất mẹ… Để rồi hôm nay, sau 47 năm khép lại trận đánh Charlie khốc liệt, mảnh đất Tây Nguyên đã được hồi sinh bằng màu xanh của cây cao su, cà phê… nhưng Charlie vẫn còn đó một màu nâu xám xịt, không có cây cối chỉ có màu vàng khô cằn của đất bởi ảnh hưởng nặng nề từ chất độc dioxin.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức hào hùng về trận đánh khốc liệt trên đỉnh đồi Sạc Ly (Charlie) vẫn còn vang mãi một bản hùng ca trong lòng tất cả người dân Việt Nam. Đặc biệt, ký ức ấy không thể quên đối với những người lính trẻ đã may mắn trở về từ trận chiến khốc liệt, giờ đây họ đã là những cựu chiến binh lớn tuổi… Ký ức về một thời mưa bom, bão đạn lại hiện về trong mỗi lần tìm về thăm chiến trường xưa, nơi có máu và hơn hết là có những người đồng đội đã anh dũng hy sinh nằm xuống đất mẹ thiêng liêng.

Hình ảnh con đường đi lên 2 điểm cao một bên là núi, một bên là vực sâu.

Hình ảnh con đường đi lên 2 điểm cao một bên là núi, một bên là vực sâu.

Chênh vênh con đường lên khu di tích lịch sử

Được biết, nhằm tri ân những đồng đội đã nằm xuống đất mẹ, những người lính may mắn được trở về từ trận chiến khốc liệt ấy (thuộc Sư đoàn 320) đã gom tiền cá nhân của mình để xây dựng công trình nhà bia di tích lịch sử điểm cao 1015 (Charlie) và 1049 (Delta). Đến nay công trình nhà bia di tích đã hoàn thành, nhưng con đường để lên thăm đồng đội của họ vẫn rất gian nan, vất vả. Bởi muốn lên thắp nén hương tri ân thì phải mất hơn 4 tiếng đồng hồ đi bộ trong rừng, vượt qua ngọn núi cao chót vót… điều này thật không dễ dàng đối với những người lính năm ấy khi họ nay đã tuổi ngoài 80.

Chúng tôi có dịp quay trở lại huyện Sa Thầy (Kon Tum) trong những ngày cuối tháng 12/2019, qua lời chỉ dẫn của người dân, chúng tôi đã quyết định trải nghiệm để đi lên 2 điểm cao 1015 (Charlie) và 1049 (Delta). Sau gần 2 tiếng đi xe máy từ trung tâm huyện Sa Thầy đến xã Hơ Moong thì chúng tôi đã có mặt tại chân núi thuộc điểm cao 1049 (Delta).

Trước mắt tôi là một ngọn núi cao vút, nằm chênh vênh trên đỉnh đồi, nơi có ngôi nhà nhỏ đặt bia tưởng niệm những người lính đã chiến đấu anh dũng tại điểm cao 1049 (Delta). Do dốc cao thẳng đứng nên tôi cùng với người bạn đồng nghiệp của mình đành bỏ lại chiếc xe máy để đi bộ. Từ dưới chân núi lên đến điểm cao 1049 (Delta) chỉ khoảng 1km, thế nhưng phải mất 1 tiếng đi bộ thì chúng tôi mới lên đến điểm cao 1049 (Delta).

Đã 47 năm trôi qua, nhưng điểm cao 1015 cây cối vẫn chưa mọc được vì ảnh hưởng chất độc dioxin.

Đã 47 năm trôi qua, nhưng điểm cao 1015 cây cối vẫn chưa mọc được vì ảnh hưởng chất độc dioxin.

Tại điểm cao 1049 chúng tôi may mắn gặp được đoàn cán bộ, thanh niên và cả các bác cựu chiến binh của xã Hơ Moong (huyện Sa Thầy) đang làm lễ dâng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ nhân ngày 22/12. 

Gặp chúng tôi, các anh, chị (cán bộ xã Hơ Moong) cho biết: "Cứ mỗi dịp ngày lễ như tết độc lập, ngày 27/7 và 22/12... thì chúng tôi vẫn thường lên dâng hoa để tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ nơi đây. Mặc dù con đường đi lên khu di tích lịch sử rất khó khăn nhưng từ năm 2018 khi bia tưởng niệm liệt sỹ được xây dựng thì chúng tôi cũng như nhiều người dân thường xuyên đến đây nhiều hơn. Giá như con đường đi lên 2 điểm cao được bê tông hóa thì tốt biết bao…".

Sau cuộc trò chuyện với đoàn dâng hoa của xã Hơ Moong, chúng tôi liền xin phép được thắp nén hương cho các anh – những người lính trẻ năm nào đã anh dũng chiến đấu, hy sinh nằm lại chiến trường. Bên nén hương đang còn nghi ngút khói, tôi bỗng nghe đâu đó một giọng hát cất lên từ chiếc loa Bluetooth, giọng hát lẫn ca từ nghe đầy hào hùng nhưng cũng thật da diết: "Ngày ấy lên đường vì tổ quốc yêu thương, chiến sỹ của ta sư đoàn 320, giành lại Sạc Ly tắm mình trong lửa khói. Các anh nằm đây đồi thiêng cao vút, lặng ngắm Sa Thầy phố nhỏ đang lên…". Đây là bài hát: Huyền thoại Charlie, do Trương Anh Tài viết tặng gần 400 người lính trẻ đã nằm xuống đất mẹ.

Khi lời bài hát kết thúc, cả không gian bỗng trở nên im lặng, chỉ còn tiếng gió thổi rì rào cùng hàng thông xanh bên lá cờ tổ quốc tung bay uy nghiêm trên đồi Sạc Ly lộng gió…

Bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại điểm cao 1015.

Bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại điểm cao 1015.

Tạm rời xa điểm cao 1049, tôi cùng người bạn đồng nghiệp của mình lại xách balo lên vai để "chinh phục" điểm cao 1015 (Charlie). Trên đường đi chúng tôi gặp được một chiếc xe bán tải đang vận chuyển tủ đựng đồ thờ cúng lên điểm cao 1015, gặp chúng tôi anh tài xế vui vẻ mời lên xe và không quên giới thiệu về bản thân: "Mình ở dưới phố Kon Tum, các ngày lễ mình vẫn thường hay lên đây thắp hương cho các cụ. Trước đây đường đi khó lắm, xe máy cũng chỉ đi lên được nửa đường, đoạn đường còn lại phải đi bộ. Hiện tại bây giờ đường đi vẫn rất khó, nên anh em mình đi được đoạn nào hay đoạn đó…".

Khoảng cách giữa điểm cao 1049 với điểm cao 1015 chỉ hơn 8km, thế nhưng tôi chưa bao giờ thấy con đường nó trở nên xa đến vậy… vì trước mắt tôi là con dốc thẳng đứng, một bên là núi, bên còn lại là vực sâu hun hút. Sau gần 2 tiếng ngồi trên xe cuối cùng chúng tôi cũng đã có mặt trên điểm cao 1015.

Có mặt tại đây mới thấy được tầm quan trọng của vị trí chiến lược quân sự, và cũng tại nơi đây đã từng diễn ra một trận chiến khốc liệt nhất, khốc liệt đến nỗi sau 47 năm thì nơi đây vẫn trơ một màu vàng cháy của cỏ. Chất độc dioxin ngày nào vẫn còn thấm sâu trong từng hòn đá, từng tấc đất nơi đây làm cây cối không mọc được.

Sau khi quét dọn và thắp vội nén hương xong cũng là lúc mặt trời đang xuống núi… Trên dọc đường đi trong đầu tôi vẫn còn nghe văng vẳng những trăn trở của người dân về mong muốn có một con đường lên khu di tích 2 điểm cao, và hơn hết là để cho bản hùng ca được vang mãi trên đồi Sạc Ly.

Nam Ninh

NỔI BẬT TRANG CHỦ