(Tổ Quốc) - Được du khách biết đến là nơi có nhiều cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ, với nhiều thác nước hùng vĩ và là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số thuộc phía bắc Tây Nguyên… Những năm gần đây, tỉnh Gia Lai và Kon Tum luôn là sự lựa chọn đối với nhiều du khách du lịch trong và ngoài nước. Thế nhưng, để phát huy hết tiềm năng du lịch thì vẫn đang còn là “bài toán” chưa có lời giải.
- 08.09.2019 Khám phá sắc màu văn hóa Gia Lai tại Hà Nội
- 06.08.2019 Phát động cuộc thi ảnh "Sắc màu Du lịch Gia Lai"
- 26.06.2019 Lượt khách đến Gia Lai trong 6 tháng đầu năm 2019 tăng hơn 26% so với cùng kỳ
- 12.04.2019 Tăng cường hoạt động truyền thông về du lịch trên địa bàn tỉnh Kon Tum
- 13.12.2018 Kon Tum: Sẽ hình thành các khu rừng chăn thả động vật để tổ chức du lịch
Những tiềm năng phát triển ngành du lịch
Nằm phía bắc của khu vực Tây Nguyên, tỉnh Kon Tum và Gia Lai được biết đến không chỉ là vùng đất có lịch sử lâu đời, truyền thống cách mạng hào hùng mà còn là vùng đất đậm đặc về văn hóa dân gian truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất phong phú, độc đáo mang bản sắc đặc thù, thể hiện ở các loại hình như: văn hóa luật tục, văn hóa cư trú, nhà rông, văn hóa cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc, các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, văn hóa ẩm thực, văn hóa trang phục, ngôn ngữ, chữ viết, chạm khắc…
Với hơn 30 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 54%, có 7 dân tộc bản địa cư trú từ lâu đời như: Xơ Đăng, Giẻ Triêng, Ba Na, Gia Rai, H'rê, Brâu và Rơ Măm và một số dân tộc thiểu số ở các tỉnh khác đến, mỗi một dân tộc đều có những đặc điểm, phong tục, tín ngưỡng riêng, tạo nên các giá trị văn hóa vừa đa dạng, phong phú, vừa đặc sắc của đồng bào dân tộc bắc Tây Nguyên.
Nổi bật nhất tại mảnh đất nằm phía bắc Tây Nguyên, chính là được thiên nhiên ưu đãi với nhiều thắng cảnh đẹp như Thác nước Ialy với câu chuyện tình yêu chung thủy của nàng H'Ly, hay sự hùng vĩ của thác Phú Cường giữa đại ngàn núi rừng (thuộc tỉnh Gia Lai). Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh với loại sâm quý, Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Măng Đen được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn là 1 trong 31 khu vực có tiềm năng phát triển Khu du lịch chuyên đề quốc gia và vườn quốc gia Chư Mom Ray với hệ sinh thái đa dạng và độc đáo (thuộc tỉnh Kon Tum).
Hình ảnh du khách Nghệ An tham quan Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Măng Đen.
Bên cạnh thiên nhiên ưu đãi đầy mê hoặc thì Gia Lai, Kon Tum còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa cổ như chùa Minh Thành, làng ốp (thuộc Gia Lai), nhà rông Kon Klo – đây là nhà rông lớn nhất Tây Nguyên, nhà thờ gỗ Kon Tum là một kiệt tác kiến trúc vô cùng độc đáo được thiết kế theo kiến trúc Roman, kết hợp hài hòa với kiểu nhà sàn của người Ba Na nên vẫn mang đậm sắc thái tín ngưỡng, văn hóa của những người dân Tây Nguyên.
Trăn trở để… "đánh thức" du lịch Gia Lai, Kon Tum
Theo thống kê của Sở VHTT&DL Gia Lai, tổng số khách đến Gia Lai trong 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 435.400 lượt, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 51,8% kế hoạch. Trong đó, khách nội địa đạt 427.600 lượt, tăng 26,3%; khách quốc tế đạt 7.800 lượt, tăng 19,3%. Tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 154 tỷ đồng, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 40,5% kế hoạch năm 2019.
Trong lúc đó, theo Sở VHTT&DL tỉnh Kon Tum, từ năm 2018 đến nay Kon Tum đón gần 500 nghìn lượt khách du lịch, tăng gần 100.000 lượt khách so với 2017. Toàn tỉnh có 143 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó 132 cơ sở được thẩm định đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch từ hạng đạt tiêu chuẩn đến khách sạn xếp hạng 3 sao.
Trong âm vang đại ngàn của núi rừng bắc Tây Nguyên, Gia Lai và Kon Tum được thiên nhiên ban tặng những vẻ đẹp hoang sơ, mà du khách đặt chân đến mảnh đất này thường ví cảnh đẹp nơi đây như "nàng công chúa ngủ quên trong rừng"… Trên thực tế, hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai hội tụ đầy đủ những yếu tố nhằm phát triển ngành di lịch đến với bạn bè du khách trong và ngoài nước. Thế nhưng, để "đánh thức" phát triển du lịch bền vững thì vẫn còn rất nhiều trăn trở đối với các doanh nghiệp làm du lịch nơi đây.
Anh Nguyễn Ngọc Long, Giám đốc Công ty TNHH du lịch Ngọc Linh Kon Tum trăn trở: "Tôi bắt đầu làm du lịch từ cuối năm 2016, du khách có cả trong nước và người nước ngoài. Họ đến với đến với Tây Nguyên mà cụ thể là Gia Lai và Kon Tum chủ yếu là du lịch sinh thái và khám phá văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Tuy nhiên, số lượng du khách cũng không mấy ổn định, chất lượng du lịch cũng gặp những khó khăn nhất định… Thường thì khách du lịch bên Công ty chúng tôi một là đi bằng xe ô tô du lịch, hai là du khách hạng sang thì đi bằng máy bay xuống sân bay Pleiku (Gia Lai). Cụ thể, chúng tôi phải dẫn du khách đi tham quan ở Gia Lai tại một số điểm du lịch như: Đồi chè, Biển Hồ, chùa Minh Thành, Thủy điện Ialy và những làng văn hóa các dân tộc thiểu số… rồi mới đi lên tham quan những địa điểm du lịch tỉnh Kon Tum.
"Những khó khăn ở đây, có lẽ phải nói đến sự hợp tác để phát triển tham quan các điểm du lịch tại Gia Lai vì Công ty chúng tôi ở Kon Tum. Hơn hết, về phía Công ty tôi cũng như những Công ty làm nghề du lịch khác tại tỉnh Kon Tum mong muốn có sự "giúp đỡ" từ tỉnh Gia Lai để quảng bá, giới thiệu những nét văn hóa cũng như cảnh quan hùng vĩ của hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum đến rộng rãi hơn với những du khách trong và ngoài nước…"- anh Long cho biết.
Du khách hào hứng trong vũ điệu cồng chiêng bên lửa trại.
Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Kon Tum chia sẻ: "Riêng đối với tỉnh Kon Tum thì ngành du lịch trong những năm gần đây tương đối phát triển, nhiều doanh nghiệp du lịch ra đời, số lượng du khách đến tham quan tỉnh nhà cũng ngày một gia tăng. Đặc biệt, các Công ty làm nghề du lịch hoạt động tương đối hiệu quả, Họ là những đơn vị quảng bá, giới thiệu hình ảnh, văn hóa con người Tây Nguyên đến với du khách trong và ngoài nước…Nhằm phát triển bền vững ngành du lịch phía bắc Tây Nguyên thì mong muốn cần có nhiều chính sách và sự chung tay của 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum, bởi khu vực phía bắc Tây Nguyên không chỉ là cái nôi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số mà còn là nơi sở hữu nhiều cảnh đẹp thiên nhiên hoang sơ…".