• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khám phá sắc màu văn hóa Gia Lai tại Hà Nội

Văn hoá 08/09/2019 14:41

(Tổ Quốc) - Trong hai ngày 7, 8/9/2019 (tức ngày 9,10/8 âm lịch), Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (DTHVN) phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức chương trình Trung thu 2019: Sắc màu văn hóa Gia Lai.

Chương trình giới thiệu đến công chúng những đặc trưng văn hóa của Gia Lai thông qua hoạt động trình diễn cồng chiêng, múa hát dân gian, chơi nhạc cụ truyền thống, đan gùi, tạc tượng, dệt thổ cẩm của người Bana, Giarai và thưởng thức hương vị ẩm thực núi rừng Tây Nguyên.

16

Trẻ em thích thú khám phá những chú lân trong Chương trình

Cùng với các hoạt động giới thiệu văn hóa và con người vùng đất Gia Lai, các em thiếu nhi còn được xem những màn lân sôi động cùng điệu cười thật duyên của ông địa, kết hợp với tiếng trống, tiếng chũm chọe, tiếng la, tạo không khí vui tươi, rộn ràng. Đến với chương trình năm nay, du khách được tham gia một trải nghiệm mới qua hoạt động trò chuyện với nghệ nhân về ý nghĩa mâm cỗ truyền thống và cách bày cỗ trong dịp Tết trông trăng. Với người Việt, mâm cỗ Trung thu không chỉ để trẻ em phá cỗ sau khi rước đèn mà nó còn mang ý nghĩa cúng trăng, cầu mong con cái học hành, đỗ đạt hiển vinh thông qua hình ảnh ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy. Bên cạnh đó, các bạn nhỏ còn được trải nghiệm làm đồ chơi dân gian đặc trưng trong dịp Tết Trung thu (ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy, đèn ông sao, đèn ông sư, đèn kéo quân, hoa quả bột…) dưới sự hướng dẫn của những người thợ thủ công và các tình nguyện viên. Bên cạnh các hoạt động trình diễn nghệ thuật và làm đồ chơi dân gian, du khách có cơ hội cùng người thân khám phá các trò chơi dân gian ở Tây Nguyên: đứng tượng, trộm dưa leo, húc trâu, đá gỗ, cọp ốm…

Ngoài ra, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phối hợp với Học viện Khám phá tổ chức hoạt động Trải nghiệm khoa học qua đồ chơi dân gian: mượn gió đẩy diều và chuyển động bí ẩn của đèn kéo quân. Thông qua các thí nghiệm khoa học liên quan đến sức gió và đối lưu khí, các em sẽ hiểu tại sao diều bay cao và trục đèn kéo quân chuyển động được. Đây là cơ hội để các nghệ nhân trực tiếp giới thiệu tri thức dân gian gắn với kiến thức khoa học qua cách làm đồ chơi, từ đó kích thích trí tò mò khám phá khoa học của các bạn nhỏ.

10

Tạc tượng nhà mồ trong Chương trình vui chơi Trung thu tại Bảo tàng dân tộc học Việt Nam

PGS. Ts. Bùi Nhật Quang - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chia sẻ: "Trung thu là sự kiện thường niên của Bảo tàng DTHVN được nhiều gia đình, nhất là các em nhỏ mong đợi. Đến với chương trình năm nay, ngoài những món đồ chơi quen thuộc, khách tham quan có cơ hội khám phá và trò chuyện với nghệ nhân về ý nghĩa của mâm cỗ trong dịp tết trông trăng. Bên cạnh các hoạt động Trung thu, Bảo tàng còn giới thiệu đến công chúng những nét văn hóa đặc sắc của vùng đất Gia Lai, qua đó quảng bá văn hóa, nâng cao sự hiểu biết, thái độ trân trọng, khích lệ ý thức gìn giữ bảo tồn di sản văn hóa của thế hệ trẻ."

Đến với Bảo tàng DTHVN, các em thiếu nhi và gia đình cùng nhau có những trải nghiệm thú vị với các hoạt động trong dịp Tết Trung thu cổ truyền. Đồng thời, đây cũng là dịp để du khách khám phá những nét văn hóa truyền thống của tộc người Bana và Giarai ở tỉnh Gia Lai ngay tại thủ đô Hà Nội. Hoạt động này góp phần quan trọng trong việc duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị di sản của cha ông trong bối cảnh hội nhập./.

Hà An

NỔI BẬT TRANG CHỦ