• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đừng im lặng, hãy hành động vì trẻ em!

Thời sự 31/12/2021 10:35

(Tổ Quốc) - “Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt”. Đối với những vụ bạo hành và xâm hại trẻ em, sự im lặng của “người tốt” đồng nghĩa với việc tiếp tay cho cái ác tồn tại.

Vụ việc bé gái V.A (8 tuổi ở quận 1, TP.HCM) bị "mẹ kế" bạo hành đến chết gây chấn động dư luận cả nước. Mạng xã hội tràn ngập di ảnh cháu bé cùng sự đau xót, phẫn nộ.

Rồi những hình phạt nghiêm khắc đối với kẻ ác sẽ được đưa ra để răn đe nhưng hậu quả thì không thể cứu vãn. Bé V.A giờ đây không thể xúng xính váy áo, chạy nhảy chào đón năm mới 2022 như bao bạn bè cùng trang lứa. Con đã vĩnh viễn ra đi trong nỗi đau đớn thịt da, trong sự ám ảnh đòn roi và trong cả sự tủi hờn, lẻ loi...Sự đổ vỡ hạnh phúc của người lớn làm tuổi thơ của con trẻ không trọn vẹn. Sự tàn ác của người lớn làm những vết roi hằn trên da thịt non nớt của trẻ thơ. 

Tại tọa đàm trực tuyến "Nhà báo với vấn đề bạo hành phụ nữ và trẻ em" do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) phối hợp với Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (SJC) thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học quốc gia Hà Nội) tổ chức hồi cuối tháng 11/2021, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA), mở đầu bài phát biểu bằng một câu chuyện đau lòng: "Khi chúng ta đang ngồi đây, thì hôm qua, ở tỉnh Quảng Ninh, có một em gái bị buôn bán và cưỡng hiếp…". 

Những số liệu được đưa ra tại cuộc tọa đàm hôm đó khiến người ta giật mình: Năm 2020, cả nước phát hiện 1.945 vụ, xâm hại 2.008 trẻ em (trong đó có 1.349 vụ xâm hại tình dục, 1.576 trẻ em bị xâm hại tình dục). Khoảng 97% số vụ được phát hiện, những kẻ xâm hại tình dục có quen biết với nạn nhân…

Còn theo kết quả điều tra về tình hình của trẻ em và phụ nữ tại Việt Nam năm 2020-2021 ở 14.000 hộ gia đình thuộc 63 tỉnh, thành được Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNICEF) và Tổng cục Thống kê công bố ngày 8/12/2021, có tới 70,8% trẻ em từ 1 - 14 tuổi đã bị xử phạt bạo lực (tâm lý hoặc thể xác) và trẻ em càng lớn thì càng đối mặt với việc bị xử phạt bằng tinh thần. Hầu hết trường hợp, các thành viên trong gia đình đã sử dụng kết hợp các biện pháp xử phạt bạo lực để giáo dục trẻ.

Những con số nói trên thật đáng lo ngại, bởi hành vi bạo lực và xâm hại trẻ sẽ dẫn đến sang chấn tâm lý, để lại hậu quả lâu dài; có khi là những ám ảnh và mặc cảm; có khi là sự oán hận và hình thành thái độ bất cần, luôn phòng vệ suốt cuộc đời; có khi dẫn đến bệnh trầm cảm và hành động tự tử…

Điều đáng nói, những trường hợp bị bạo hành tương tự bé V.A từng xảy ra, các phương tiện truyền thông đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi bảo vệ trẻ. Vậy mà, trong một xã hội văn minh, tiến bộ và pháp quyền thời 4.0 của thế kỷ 21, vụ bạo hành trẻ đến chết lại hiện hữu ngay ở thành phố lớn nhất nước - nơi có đầy đủ các thiết chế và tổ chức bảo vệ trẻ em.

Trước đó, vào tháng 9/2021, bé gái 6 tuổi ở Bắc Từ Liêm (Hà Nội) bị bố đánh dẫn đến tử vong, chỉ vì "tiếp thu bài chậm" khi học ở nhà. Tháng 8/2021, bé trai 5 tuổi ở TP Thuận An (tỉnh Bình Dương) bị cha dượng đánh đập dã man. Đầu năm 2021, dư luận cũng chấn động vì vụ bé gái 12 tuổi ở Hà Đông (Hà Nội) bị mẹ đẻ dùng dây điện, móc quần áo, thép bện thành sợi... đánh đập dã man và bị người tình của mẹ nhiều lần xâm hại. Và nhiều vụ việc như thế đã xảy ra mỗi năm, mà nếu thống kê hết thì sẽ là những con số… đáng sợ!  

Đừng im lặng, hãy hành động vì trẻ em! - Ảnh 1.

Đừng im lặng, hãy hành động vì trẻ em!

Điều 4 Luật Trẻ em 2016 nêu rõ: Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em. Luật có 25 điều quy định về quyền của trẻ em như: "Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng"; "Quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục"; "Quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc"; "Quyền được bảo vệ để không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt"…

Các văn bản pháp luật có liên quan ở nước ta cùng Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em vốn được 196 quốc gia phê chuẩn cũng có rất nhiều quy định bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và quyền của trẻ em.

Vụ việc bé V.A gióng lên hồi chuông về sự cần thiết và cấp bách phải thúc đẩy các giải pháp và hành động bảo vệ  trẻ em khỏi tình trạng bạo hành, xâm hại. Chúng ta có Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em 111, có Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam; ở mỗi địa phương đều có hội bảo vệ quyền trẻ em, có chính quyền, các hội đoàn thể và cơ quan công an; mỗi khu chung cư có ban quản lý, có tổ trưởng tổ dân phố… Vậy thì không thể im lặng.

Đành rằng cha mẹ có quyền dạy dỗ, giáo dục con cái nhưng pháp luật nghiêm cấm việc dạy dỗ bằng roi vọt, bạo lực dã man như trong các câu chuyện nêu trên.

Người mẹ có con bị xâm hại nên can đảm tố cáo kẻ ác, thay vì ngại ngần, sợ bị ảnh hưởng. Người phụ nữ sau khi ly hôn, bằng mọi cách chính đáng, hãy giữ chặt con mình và bảo vệ trẻ. Người bố, vì lý do nào đó mà nuôi dưỡng trẻ, muốn tái hôn thì cũng phải bảo vệ con mình như báu vật. Những người hàng xóm đừng quay đi khi phát hiện tiếng khóc bất thường của trẻ. Truyền thông hãy lên tiếng bằng cách tìm kiếm giải pháp, nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, tránh khơi gợi lại nỗi đau cho nạn nhân và gia đình; đồng thời cần thông tin cho người dân nhiều hơn nữa về các quy định của pháp luật và các nơi tiếp nhận, xử lý nguồn tin bảo vệ trẻ.

Trách nhiệm của cộng đồng là lên tiếng, thay vì vô cảm phớt lờ. "Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt". Câu nói của Martin Luther King thật đủ đầy ý nghĩa trong việc phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng phát biểu: "Công tác chăm sóc, bảo vệ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho trẻ em được phát triển chính là đầu tư cho tương lai, chính là sự phát triển bền vững. Không ai bị bỏ lại phía sau là khẩu hiệu với tất cả chúng ta, đặc biệt là với trẻ em, nhất là trẻ em ở những vùng còn nhiều khó khăn, trẻ em bị thiệt thòi do khuyết tật, do gia cảnh. Không để trẻ em nào không có nụ cười, không có tuổi thơ trong sáng và không có tương lai phát triển".

Mọi trẻ em phải được sống trong tình yêu thương. Bảo vệ trẻ chính là bảo vệ những mầm xanh cho tương lai của đất nước. 

Đức Hoàng

NỔI BẬT TRANG CHỦ